Thiếu hiểu biết luật: Công nhân tự đánh mất quyền lợi

Chia sẻ

PNTĐ-8/8, BQL các KCN và chế xuất HN đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành Luật Lao động năm 2012.

 
Bị “bắt nạt” mà không biết
 
Rất nhiều tâm tư, thắc mắc của công nhân được bày tỏ công khai trong hội nghị. Chị Nguyễn Thị L., công nhân Công ty TNHH Kính kỹ thuật Luminous - đang mang bầu tháng thứ 5 thắc mắc: “Khi vào làm ở công ty, mỗi nhân viên đều phải ký bản cam kết sau thời gian làm việc đủ 1 năm tại công ty thì mới được sinh con. Nhưng khi đã ký cam kết rồi mà em có con ngoài ý muốn, công ty cho nghỉ là đúng hay sai?”. Không chỉ chị L. mà hàng chục nữ công nhân khác ở KCN Bắc Thăng Long cũng sợ hãi khi phát hiện mình mang bầu: “Doanh nghiệp khó khăn, chủ doanh nghiệp sẵn sàng sa thải ngay lập tức phụ nữ mang thai do không đáp ứng được cường độ làm việc, dù tôi đã có 5-6 năm gắn bó với công việc…”.
 
Thiếu hiểu biết luật: Công nhân tự đánh mất quyền lợi - ảnh 1
Hội LHPN HN phổ biến luật cho nữ công nhân
cụm công nghiệp Phú Thị, H.Gia Lâm
 
Chị Đỗ Q. – công nhân Công ty Liên doanh Matsuo thuộc khu công nghiệp Thăng Long khốn khổ vì sự “kìm kẹp” quá chặt: “Đi vệ sinh cũng phải xin phép, quy định rõ thời gian đi và có người canh gác bên ngoài. Người canh gác sẽ “ke” thời gian, hễ thấy vượt quá thời gian cho phép là quản thúc. Phụ nữ mỗi khi “đến tháng” vẫn phải theo kỷ luật “thép”, sai giờ là phải viết bản kiểm điểm. Nhiều lần như thế lương sẽ bị trừ nên ai cũng sợ”.
 
Tất cả hành vi đuổi việc bất thình lình khi lao động mang thai hay quản thúc quá chặt của chủ doanh nghiệp đều là vi phạm Luật Lao động. Thế nhưng, phải đến hội nghị, được lãnh đạo Ban Quản lý các KCN – CX HN và cán bộ Bộ LĐTB & XH giải đáp, công nhân mới… vỡ lẽ. Thậm chí, với công nhân KCN, chuyện tăng ca, tăng giờ làm là chuyện “thường ngày ở huyện” nhưng chẳng mấy người biết quy chế tính công như thế nào: “Quy định thời gian làm ca đêm là từ 22 giờ - 6 giờ. Ngoài thời gian quy định đó, công ty đều tính là thời gian ban ngày, kể cả 20 giờ, 21 giờ (?)”. Thậm chí, ngay cả cán bộ nhân sự như chị Nguyễn H., Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội cũng lúng túng: “Đối với công ty cổ phần 51 % vốn Nhà nước thì xây dựng kế hoạch đơn giá tiền lương áp dụng theo Nghị định, Thông tư nào là đúng?”.

Cần tăng cường đối thoại tập thể
 
Hà Nội là địa bàn có nhiều KCN, rất đông công nhân, đặc biệt là công nhân nữ nhập cư. Vì thế, chuyện doanh nghiệp “lách luật”, “bắt nạt” công nhân và xâm hại quyền lợi người lao động không phải là hiếm. Người lao động không được mang bầu, không được nghỉ phép, làm việc quá sức… vẫn diễn ra. Chủ doanh  nghiệp “làm ngơ” với quyền lợi của công nhân: trốn hoặc nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; không xây dựng thang bảng lương; vi phạm thời gian làm việc, giờ nghỉ ngơi của công nhân; trang bị phương tiện bảo hộ lao động không đảm bảo; không quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho công nhân; không trả đúng tiền lương làm thêm giờ…”
 
Lấp lỗ hổng về luật đối với công nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên, luật chỉ là khung cứng để các bên “soi chiếu”, việc áp dụng vào từng doanh nghiệp lại đòi hỏi có sự đồng thuận của tập thể. Ông Nguyễn Hữu Chí – Trưởng Khoa Luật Lao động, trường ĐH Luật HN thừa nhận: “Doanh nghiệp nước ngoài có những chính sách riêng, đối với từng loại ngành nghề quy chế cũng rất khác nhau. Nhiều khi có những quy định trái pháp luật mà người lao động không biết, cán bộ công đoàn cũng chẳng rõ (?!). Công đoàn có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, nhưng họ bị phụ thuộc hoàn toàn vào chủ doanh nghiệp về công việc, tiền lương. Ngay cả khi công đoàn cấp trên triển khai hoạt động nhưng chủ doanh nghiệp không đồng ý thì cũng… chịu”.
 
Theo ông Chí, trong điều kiện của công nhân KCN, đối thoại tập thể là vô cùng quan trọng. Tất cả mọi quy định trong Luật chỉ là lý thuyết suông, tự người lao động phải giải quyết những vướng mắc của mình bằng cách đối thoại tập thể: Cần thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại giữa chủ doanh nghiệp, công đoàn và người lao động. Đối thoại thôi chưa đủ. Điều quan trọng hơn, phía nhân sự và công đoàn phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đưa kiến thức pháp luật đến với công nhân KCN. Khi người lao động được trang bị kiến thức, họ sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để người lao động không bị “bắt nạt”, họ biết đấu tranh đòi quyền lợi của mình trên cơ sở hiểu về pháp luật.

Ngọc Lê

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.