Trại hè của mẹ

Chia sẻ

PNTĐ-Thay vì bỏ tiền “mua dịch vụ” bên ngoài, hè năm nay, nhiều bà mẹ có sáng kiến tự tổ chức khóa trải nghiệm, trại hè cho con.

 
 Những trại hè do các mẹ dồn hết tâm huyết, tỉ mỉ tự lên khung chương trình, tuyển chọn giáo viên, tìm địa điểm tổ chức, quản lý giám sát… nên có chất lượng tốt mà chi phí lại rất hợp lý.
 
Chương trình hè ý nghĩa cho con
 
Giờ này năm ngoái, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng rất đau đầu tìm chỗ gửi cậu con trai có tên yêu ở nhà là Đậu Tương, sinh năm 2008. “Ban đầu mình định cho Đậu Tương tham gia CLB sinh hoạt hè của trường nhưng lại thôi vì thương con, cả năm đã học căng thẳng, nay nghỉ hè cũng lại đến trường. Sau đó mình gửi con ở nhà ngoại. Được ít ngày, bà ngoại bận chăm con dâu mới sinh em bé nên trả Đậu Tương lại cho mình. Hai mẹ con đành tự trông nhau. Hôm nào mình đi làm thì Đậu Tương thơ thẩn ở nhà một mình”.
 
Rút kinh nghiệm, năm nay, TS Minh có ý tưởng tự mở một trại hè thật ý nghĩa để những đứa trẻ ở thành phố như bé Đậu Tương, không còn phải đón hè trong 4 bức tường nữa. Là giảng viên ĐH, cũng là người sáng lập dự án “Sách ơi mở ra” – một dự án cộng đồng với hàng chục chương trình trang bị cho trẻ em kỹ năng đọc sách, viết văn, cảm thụ văn học…, TS Minh tin mình có kinh nghiệm nhất định. Không ngờ, vừa chia sẻ ý tưởng về một “Book Camp” (trại hè sách) trên facebook, TS Minh đã được các bà mẹ khác ủng hộ, đăng ký cho con tham gia.
 
Sự thú vị của Book Camp, không đến từ những lời quảng cáo chiêu sinh có cánh. Book Camp đúng tính chất trại hè mẹ tổ chức cho các con nên không tính lãi. TS Minh và các giáo viên trong dự án “Sách ơi mở ra” đảm nhiệm luôn việc dạy các trại viên đọc sách với mục tiêu mỗi bạn nhỏ đọc được ít nhất 10 cuốn sách hay trong dịp hè. Trại được tổ chức ngay tại thư viện cộng đồng của dự án, nằm đối diện công viên Cầu Giấy. Vì thế, các mẹ có thể tiết kiệm tối đa chi phí thuê địa điểm, các con lại dễ dàng được ra công viên vận động thể chất mỗi ngày. TS Minh còn lồng ghép dạy trẻ lao động, kỹ năng tự phục vụ bằng việc để trẻ tự rửa bát sau giờ ăn trưa, tự dọn phòng học, giữ sách, truyện gọn gàng… Ngoài ra, trẻ còn được vui chơi bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, được học Mỹ thuật.
 
Trại hè của mẹ - ảnh 1
Khóa học thí nghiệm do Th.s Phạm Thanh Nga tổ chức cho các con 
 
Tương tự, nhằm tạo cho con một mùa hè ý nghĩa, Th.s Phạm Thanh Nga, khoa Hóa học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tự mở nhiều khóa trải nghiệm cho con trai và các bạn của con. Mỗi một khóa học, mẹ Nga tỉ mỉ lên các nội dung chương trình khác nhau để các con không nhàm chán. Tháng 6, Th.s Nga cho các con tìm hiểu khoa học, môi trường, y tế, mỹ thuật, Anh ngữ trải nghiệm ngoài trời; tháng 7, khóa trải nghiệm lại thiên về thí nghiệm khoa học, kỹ năng sơ cứu, khoa học thưởng thức...  
 
Gửi con đến các trại hè, trung tâm kỹ năng sống bên ngoài, các gia đình phải phụ thuộc vào nội dung sinh hoạt có sẵn và khó kiểm soát chất lượng thực. Trong khi đó, Th.s Nga cho biết, tự tổ chức trải nghiệm hè, người mẹ có thể chủ động chọn các bài học gần gũi, thiết thực đúng với những gì mà các con cần được trang bị. Chẳng hạn, biết con còn yếu kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, cô đưa vào chương trình trải nghiệm nội dung sơ cứ cơ bản khi trẻ bị đứt tay, ngã, côn trùng cắn, dị ứng… Cô cũng chọn trong lĩnh vực Hóa học những kiến thức đơn giản mà hữu ích để dạy trẻ như màu sắc của vật chất, chế tạo nước khử trùng từ nguyên liệu thiên nhiên… Kiên quyết nói không với “học thêm văn hóa” trong dịp hè, các bé khi tham gia trại hè của mẹ Nga sẽ luôn cảm thấy rất thoải mái nhưng vẫn được mở mang kiến thức, rắn rỏi, tự lập hơn.
 
“Ngày thứ 7 vui vẻ” cũng là một trong nhiều sáng kiến của chị Nguyễn Liên người sáng lập dự án cộng đồng English and thinking home - nơi tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và năng lực lãnh đạo cho trẻ em. Trong một ngày thứ 7, hai con trai của Liên và các bạn nhỏ khác sẽ được cùng giáo viên bản ngữ học nhiều nội dung thú vị như vẽ, nấu ăn, làm thí nghiệm, vui chơi thể thao, kỹ năng sinh tồn…

Mong con khôn lớn mỗi ngày
 
Một điều cảm động, những trại hè khởi nguồn từ ý tưởng của một mẹ, sau đó đã nhanh chóng nhận được sự góp sức của nhiều ông bố, bà mẹ khác. Ai cũng mong muốn được góp công sức tùy theo năng lực, hoàn cảnh để những đứa con của họ có những ngày hè bổ ích, lý thú. Tại trại hè “Book camp”, ngoài TS Minh, còn có mẹ Lê Thu, chủ một cơ sở mầm non nhận trách nhiệm tuyển chọn, thẩm định giáo viên mỹ thuật và tiếng Anh cho trại. Một chương trình sinh hoạt hè hấp dẫn nhưng nhờ mẹ “lấy công làm lãi” nên chỉ có mức phí hơn 3 triệu/tháng, bằng 1/2 so với giá trại hè do nhiều trung tâm chiêu sinh bên ngoài. Nhờ thế, nhiều gia đình viên chức với mức thu nhập khiêm tốn mới có cơ hội gửi con.
 
Tại trại hè của Th.s Nga, có mẹ Đỗ Thuý Nga, bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương, vừa gửi con gái Ngọc Anh sinh năm 2009 vừa tham gia dạy y học thường thức; TS. Triệu Anh Trung, giảng viên khoa Sinh học vừa gửi con gái vừa tham gia dạy về khoa học đời sống… Mẹ Nguyễn Thị Vân tình nguyện nhận nấu ăn cho các con; và có cả gia đình nhận cung cấp rau sạch tự trồng ở quê để các con được ăn thực phẩm sạch nhất…
 
Để làm được một trại hè đúng nghĩa những người mẹ đã phải dồn tâm huyết, thời gian và nhiều tháng chuẩn bị. Mẹ Nguyễn Liên biến nhà ở của gia đình mình thành nơi tổ chức lớp trải nghiệm hè, rồi tự đi chợ, nấu ăn luôn cho các con. Chị Liên cũng bỏ công tuyển thầy giáo, lên nội dung chương trình, trực tiếp giám sát việc dạy học, sinh hoạt của trẻ. Dù vất vả, những người mẹ luôn mong con sẽ trưởng thành hơn từ những “trại hè của mẹ”.
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.