Để học phí không cản bước trò nghèo

Chia sẻ

PNTĐ-Trước thềm năm học mới 2016-2017 một số trường đại học tự chủ tài chính đã đưa ra mức tăng học phí mới.

 
 Đây là thông tin đang được nhiều sinh viên quan tâm, đồng thời cũng làm dấy lên trong dư luận hai luồng ý kiến tranh luận về việc nên hay không nên tăng học phí đại học, và làm cách nào để học phí không cản bước đến trường của trò nghèo.
 
Để học phí không cản bước trò nghèo - ảnh 1
ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường sẽ tăng học phí
trong năm học 2016-2017
 
Tăng theo lộ trình
 
Theo thông báo của trường ĐH Kinh tế quốc dân, mức học phí năm học 2016-2017 sẽ tăng 30% so với năm trước, trong đó mức cao nhất lên tới 530.000 đồng/tín chỉ và áp dụng đối với  các SV năm thứ Nhất và thứ 2 tại trường. Sinh viên khóa trên vẫn sẽ áp dụng theo mức học phí cũ. Như vậy, mức học phí mới mà một SV phải nộp là khoảng trên dưới 20 triệu đồng/năm học, tùy theo số tín chỉ SV đăng ký học. Một SV ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, bạn phản đối việc tăng học phí, vì như vậy sẽ làm tăng gánh nặng cho gia đình nghèo.
 
Tương tự, ĐH Thương mại cũng bắt đầu thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, theo quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, trường sẽ thực hiện thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ ĐH chính quy là 15 triệu đồng/sinh viên/năm. Đến năm học tiếp theo 2017-2018, mức học phí này sẽ tăng lên 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
 
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sau khi đề án tự chủ tài chính được Chính phủ phê duyệt, cũng đã đưa ra mức học phí mới với các chương trình đại trà theo hướng tăng theo lộ trình trung bình khoảng 2 triệu một năm học. Cụ thể nếu như năm học 2014-2015 mức học phí tối đa là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2016-2017 tăng lên 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
 
ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã khiến nhiều SV bức xúc khi thông báo tăng mức đóng góp của sinh viên. Cụ thể, năm học 2016-2017, SV các khóa tuyển sinh  năm 2015 và 2016 nộp 423.000 đồng/tín chỉ (năm học 2015-2016 là 417.000 đồng). SV khối ngành kinh tế các khóa nộp 260.000 đồng/tín chỉ (năm học 2015-2016 là 238.000 đồng); khối ngành kỹ thuật công nghệ, thương mại du lịch là 308.000 đồng/tín chỉ (năm học 2015-2016 là 275.000 đồng/tín chỉ). Mức tăng theo từng tính chỉ có vẻ ít nhưng theo nhiều SV, nếu nhân nhiều tín chỉ theo cả năm học thì khoản tiền SV phải nộp thêm không ít.

Vì sao phải tăng học phí?
 
Việc tăng học phí này không diễn ra tại tất cả các trường ĐH mà chỉ ở các đã được Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ ĐH. Theo TS Trần Đình Lý, trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TP HCM, chúng ta phải phân biệt hai khái niệm giữa kinh phí đào tạo và học phí. Kinh phí đào tạo gồm nhiều nguồn, như học phí, ngân sách nhà nước cấp, các nguồn nghiên cứu khoa học, dịch vụ… Hiện nay ở các trường ĐH công lập không tự chủ tài chính, mức học phí mà sinh viên phải nộp chỉ là chiếm 50% kinh phí đào tạo, phần còn lại các em đang được Nhà nước hỗ trợ. Vì thế, với những trường ĐH tự chủ tài chính, mức học phí được tính toán theo hướng “thu đủ bù chi” (không còn Nhà nước tài trợ) nên số tiền người học sẽ phải tăng lên.
 
Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng, mức học phí ĐH của Việt Nam quá thấp (khoảng 6 triệu đồng/năm học), đã được duy trì quá lâu, không đủ chi phí đào tạo, vì thế không thể tăng được chất lượng đào tạo. Các trường buộc phải duy trì những lớp học có 80-100 sinh viên, điều kiện học cũng nghèo nàn về cơ sở vật chất. Trường không có kinh phí trả lương cao để giữ chân người tài, hay để giảng viên yên tâm đầu tư nghiên cứu nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.
 
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cũng cho rằng, trường ĐH không thể cho ra lò những sinh viên có trình độ trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ, nhưng tăng học phí lại quá sức người dân... Đây chính là một vòng luẩn quẩn của GD ĐH Việt Nam. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với mức thu học phí mới, trường sẽ có thêm kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho sinh viên.

Cần có giải pháp dung hòa
 
Theo TS Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM, nhiều nước Tây Âu và Bắc Âu vốn có truyền thống coi giáo dục đại học là phúc lợi xã hội, và bao cấp học phí ĐH, gần đây cũng phải tăng học phí. Mỹ là nơi từ lâu có mức học phí khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Vì thế, người dân bình thường ở Mỹ phải dành dụm tiền bạc từ khi con họ còn nhỏ mới có thể chi trả nổi học phí bậc ĐH. Tuy vậy, khi tăng học phí ĐH, Mỹ cũng là quốc gia đi đầu trong các cơ chế cho sinh viên vay, nhằm bảo đảm cơ hội được học cho tất cả mọi người dân, bất kể hoàn cảnh xuất thân. Ngoài cơ chế cho vay, các loại học bổng của các trường ĐH cũng rất phong phú.
 
Trở lại với câu chuyện tăng học phí ĐH ở Việt Nam, TS Ly cho rằng, tăng học phí ĐH sẽ phải đi kèm với nhiều chính sách hỗ trợ cho học viên nghèo nhận học bổng, nâng mức và mở rộng đối tượng SV được vay tiền để đi học. Cùng với đó, tăng học phí cũng phải gắn với cơ chế minh bạch về tài chính, chất lượng của nhà trường. Nếu các trường chỉ đòi “tăng học phí” mà không sẵn sàng giải trình về những nỗ lực nâng cao chất lượng và chứng minh bằng thành quả thực tế, thì người dân khó có thể đặt lòng tin vào các trường.
 
TS Lý đưa ra quan điểm, GD ĐH cần nhiều loại hình đào tạo khác nhau, phục vụ cho các đối tượng khác nhau. Ví dụ, chương trình đào tạo đại trà thu học phí thấp; chương trình tiên tiến với mức học phí cao hơn (khoảng 20-30 triệu một năm). SV học chương trình đại trà thì ra trường sẽ có đủ kiến thức cơ bản. Nếu SV học chương trình tiên tiến, đóng học phí cao, thì ngoài kiến thức, còn được đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ, được học với giáo sư nước ngoài… Như vậy, mọi đối tượng người học đều được đáp ứng nhu cầu. Theo TS Lý, tăng học phí, nếu đi kèm các giải pháp, thì không chỉ đạt lý, mà còn được công chúng thuận tình.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.