Giáo dục – đến bao giờ thì ổn định?

Chia sẻ

PNTĐ-Đến bao giờ, giáo dục Việt Nam mới ổn định và ra được biển lớn là câu hỏi mà xã hội đang tiếp tục đặt ra với ngành GD, trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017.

 
Những năm gần đây, cải cách giáo dục luôn là đề tài nóng trong câu chuyện của các gia đình. Điều đó chứng minh sự quan tâm của người dân tới giáo dục, nhưng cũng cho thấy một thực tế buồn là trong bối cảnh hội nhập thế giới, giáo dục Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm đường ra biển lớn.
 
Giáo dục – đến bao giờ thì ổn định? - ảnh 1
Học sinh trường THCS Tân Mai trong ngày khai giảng.
(Ảnh: Nguyễn Thực)
 
Thay đổi… “vòng quanh”
 
Không cần phải là giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia nghiên cứu giáo dục, bất kỳ một người dân thường nào cũng có thể nhìn thấy thực trạng, giáo dục Việt Nam đang sửa đổi quá nhiều, từ những quyết sách mang tầm vĩ mô đến những thay đổi nhỏ, áp dụng trong phạm vi một bậc học.
 
Năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, thay cho Thông tư 32 trước đây (đánh giá học sinh bằng điểm số). Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai tại các trường tiểu học, Thông tư 30 đã bộc lộ nhiều bất cập khi làm giáo viên quá tải vì phải “nhận xét quá nhiều”, còn HS và PHHS hoang mang vì phải đọc những lời “nhận xét chung chung, không có giá trị”. Trước thềm năm học mới 2016-2017, Bộ GD-ĐT đã trưng cầu dân ý một dự thảo Thông tư 30 sửa đổi theo hướng lại chuyển sang đánh giá học sinh theo các mức đạt A, B, C (có tiêu chí cụ thể). Ngay lập tức, sửa đổi này, đã nhận nhiều “gạch đá” vì bị cho rằng, từ chấm điểm học sinh bằng số chuyển sang… chấm học sinh bằng chữ cái. Hai cách đánh giá này không khác nhau mà chỉ là… hình thức khác nhau mà thôi. Tóm lại, chúng ta lại tiếp tục trở về thời kỳ… chưa cải cách.
 
Tương tự như vậy, năm 2013, ngành GD-ĐT triển khai mô hình trường học mới (VNEN), đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với hơn 2.000 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Với mô hình này, ngành GD-ĐT mong muốn sẽ thay đổi cách dạy học truyền thống, phát huy tính tự chủ của học sinh. Nhưng, ưu điểm đâu chưa thấy, mô hình này hiện cũng đang bị dư luận mổ xẻ dữ dội. Nhiều hiệu trưởng đánh giá, ngay bộ SGK của mô hình không những không giảm mà vẫn nặng nề kiến thức, cách giảng mới lại không thể phát huy hiệu quả trong hoàn cảnh sĩ số lớp quá đông. Thay vì tiếp tục nhân rộng mô hình, năm học 2016-2017, một số tỉnh như Hà Giang lại đã quyết định dừng việc sử dụng sách giáo khoa chương trình thử nghiệm và việc thực hiện mô hình VNEN trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh để trở lại phương pháp học truyền thống. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng: Cần phải khẩn trương xem lại hiệu quả của VNEN.
 
Việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ cũng không… “khá khẩm” hơn khi nhà nhà, người người đang phải “xoay” tít mù cùng những thay đổi như cơm bữa của ngành. Trước kia, các thí sinh chỉ được dự thi vào một, hai trường ĐH, nếu không may thiếu 1/4 điểm cũng bị trượt. Sau đó, Bộ GD-ĐT cải tiến, thực hiện thi 3 chung, thí sinh chỉ tham gia một kỳ thi và dùng kết quả đó nộp vào nhiều trường khác nhau. Tiếp đó, kỳ thi “3 chung” bị xóa bỏ và thay bằng kỳ thi THPT quốc gia vừa xét tốt nghiệp vừa lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ (với TS có nhu cầu).
 
Năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép TS ở đợt xét tuyển 1 mỗi thí sinh chỉ được đăng ký các nguyện vọng trong một trường nhưng được tự do thay đổi nguyện vọng, gây ra tình trạng lộn xộn. Năm 2016, Bộ thay đổi cho phép thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 2 trường trong đợt xét tuyển đầu và không được thay đổi nguyện vọng lại gây ra tình trạng đỗ ảo.
 
Năm 2017, Bộ GD-ĐT lại dự kiến sẽ bỏ kỳ thi THPT quốc gia, trả việc xét tốt nghiệp cho các địa phương và tuyển sinh về cho các trường ĐH, CĐ. Như vậy, công cuộc cải cách tuyển sinh ĐH sẽ hoàn thiện một vòng tròn và trở lại với điểm xuất phát trước kia. Chị Nguyễn Thu Phương, một PHHS có hai con gái, một học lớp 12, một lớp 10 tâm sự: “Việc thay đổi chính sách thi cử quá nhiều khiến cả gia đình tôi bị động. Tôi không biết tới đây, con tôi sẽ thi theo cách gì. Học sinh đâu phải “chuột bạch” để ngành GD-ĐT thử nghiệm”.

Ngẫm kỹ rồi hãy quyết
 
Năm 2013, ngành GD-ĐT đã nhận về một bài học xương máu cho việc “ban hành quy định ngớ ngẩn”, thể hiện sự thiếu trí tuệ và suy nghĩ thấu đáo khi công bố cộng 2 điểm ưu tiên cho Mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học. Chỉ 12 ngày sau, trước sự chê trách của công chúng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phải ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên này.
 
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học Phá hủy thuộc Khoa Kỹ thuật Hàng không Không gian, Đại học Liege, Vương quốc Bỉ cắt nghĩa, những cải cách của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa đồng bộ, chưa thấu tình đạt lý, chưa được tham khảo kỹ lưỡng. Vì thế, ông không lạ trước tình trạng cải cách giáo dục rồi ít lâu sau lại… cải cách lại cải cách giáo dục. “Tôi đánh giá là những cải tiến gần đây của ngành GD vẫn chưa thấm vào đâu, chưa thay đổi được cục diện, chưa tạo được đột phá cần thiết”.
 
Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT, đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, nếu không sẽ để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới hàng triệu con người. Ông ví von, ngành GD đang thực hiện một trận đánh, nhưng hiện không biết bắt đầu từ đâu. Việc Bộ GD-ĐT đổi mới thi cử thực ra chỉ là phần ngọn trong khi gốc của vấn đề là thay đổi chương trình SGK, quan điểm dạy và học trong nhà trường. “Điều quan trọng hiện  nay là chúng ta phải loại bỏ được tâm lý học nặng về thi cử, lấy bằng cấp, để đào tạo ra được những người có năng lực, phẩm chất. Nhưng, triết lý giáo dục này chưa được nhìn thấy rõ”. 
 
Theo GS Hạc, nếu chúng ta không sớm hoàn thiện đổi mới thì giáo dục sẽ ngày càng tụt hậu. Chúng ta sẽ khó có thể đào tạo ra những thế hệ thanh niên hội tụ cả về trí tuệ, đạo đức, ngoại ngữ… bắt kịp với thế giới vốn đang chuyển động rất nhanh về phía trước.
 
Đến bao giờ, giáo dục Việt Nam mới ổn định và ra được biển lớn là câu hỏi mà xã hội đang tiếp tục đặt ra với ngành GD, trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017.

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.