Sức sống Di sản văn hóa tâm linh Việt

Chia sẻ

PNTĐ-“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

 
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cũng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại thứ 11 tại Việt Nam“... Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Hồ sơ viết với chất lượng cao và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận.
 
Sức sống Di sản văn hóa tâm linh Việt - ảnh 1
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
đã chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa
phi vật thể đại diện của nhân loại
 
Bản sắc văn hóa độc đáo
 
Thờ Mẫu và văn hóa thờ Mẫu là một tín ngưỡng bản địa đặc sắc của nước ta đã được trau luyện bền bỉ và trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử. Di sản này được coi là một phương thức quan trọng thể hiện ký ức lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết và đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng.
 
Theo quan niệm dân gian, Mẫu vừa là Mẹ (Người sinh ra nhân loại) vừa là một Đại Bản Thể của thế giới tự nhiên, vũ trụ,  Mẹ Xứ Sở, Nguồn cội.
 
Không phải ngẫu nhiên ở chính điện của các đền, miếu, phủ thờ Mẫu luôn “ngự” trên cao 3 pho tượng nữ thần cỡ lớn mang sắc diện: đỏ, xanh, trắng - tượng trưng cho sự cai quản của mỗi Nữ Thần ở mỗi cõi giới khác nhau. Tượng Mẫu Thiên màu đỏ rực tượng trưng cho Ngọn lửa - Ánh sáng - Bầu Trời. Tượng Mẫu Địa màu xanh biếc tượng trưng cho mặt đất tươi tốt cây cối, sản vật trù phú. Tượng Mẫu Thoải (Thủy) màu trắng tinh khôi tượng trưng cho nguồn nước dồi dào.  
 
Thông qua 3 biểu tượng trên có thể thấy từ xa xưa, người Việt vô cùng coi trọng môi trường tự nhiên xung quanh và rất có ý thức bảo vệ. “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một bảo tàng sống lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt” (trích lời Tiến sĩ Frank Proschan - người Pháp).
 
Các thần linh đã được lịch sử hoá. 36 giá đồng là 36 câu chuyện mang tính nhân văn của các vị thánh Mẫu, tiên cô và các quan hoàng, quan quận… các vị Thánh sinh thời đều là những người tài giỏi, đạo cao, đức trọng và có vị trí cao trong xã hội đã từng có công với nước, với dân. Họ là các vị tướng điều binh, các bậc trí sĩ, các thày giáo, thày thuốc, dạy nghề… Các Quan và các Chầu (Chúa) là những vị Thánh ở vị trí cao phục vụ cho các vị Thánh Mẫu và đức Thánh Trần triều (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Quan đệ nhất đến từ Thiên phủ (trên trời) đảm bảo sự an bình và công lý. Quan đệ ngũ kiên cường chống giặc ngoại xâm. Chầu đệ nhị cai quản 81 cửa ngàn. Chầu Đệ Tam canh giữ các vùng sông nước, biển khơi. Chầu Mười từng trợ giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi quân Minh.
Tôn thờ các Thánh trong Đạo Mẫu là một hoạt động đền ơn đáp nghĩa với tổ tiên, ôn lại những bài học lịch sử, trau dồi chủ nghĩa yêu nước...
 
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, lên đồng (hay Hầu đồng) là nghi lễ chính rất quan trọng. Đây là sự tái hiện hình ảnh các vị Thánh nhằm phán truyền, chữa bệnh, ban phúc lộc cho các tín đồ Đạo Mẫu thông qua hình thức tự nguyện cầu nhập hồn của Thanh đồng. Trong một lễ hầu đồng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu đến hàng Quan, Chầu, ông Hoàng, cô cậu… Vậy, các hàng trong 36 giá đồng không chỉ là nghi thức tôn thờ trong hệ thống Đạo Mẫu mà còn phản ánh cơ cấu thể chế xã hội của một quốc gia.
 
Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng, tâm nguyện chính đáng: cầu Tài (tiền của, vật chất), cầu Lộc (trí tuệ, danh vọng, chức tước), cầu Sức khỏe (không đau ốm, không bệnh tật…) của con người trong đời sống thường nhật. Mẫu tượng trưng cho sự đại hỷ xả, đại từ bi của Vũ trụ đối với con người qua hình thức ban lộc (tung tiền, hoa quả, nước tàn hương…).
 
Lễ hầu đồng trước cửa Mẫu tam phủ là một nghệ thuật đặc biệt và thiêng liêng hợp thành từ nhiều yếu tố: vũ đạo, âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục. 36 giá đồng (tương ứng 36 vị Thánh) thì có 36 bộ trang phục, trang sức (quần áo, mũ, khăn, quạt, hia, hài, vòng, xuyến, nhẫn, đai lưng, Cù ngọc, thẻ bài) khác nhau, được sử dụng theo quy định nghiêm ngặt về kiểu cách, màu sắc đi kèm cho từng giá. Qua đó cho thấy sự phong phú của trang phục, trang sức của người Việt qua nhiều tộc người, và nhiều thời kỳ khác nhau.

Để vĩnh hằng rạng ngời
 
Trong tình hình hiện nay phong trào duy trì thờ phụng, hầu đồng là một nét đẹp truyền thống; tuy nhiên vẫn còn những điều chưa chuẩn mực phải khắc phục. Do nhu cầu hầu đồng ngày một tăng nên đã dẫn đến hiện tượng quá tải, lộn xộn trong việc tổ chức hầu đồng ở một số đền to phủ lớn. Người ta có thể hầu đồng ở mọi ban, thậm chí ở cả ngoài sân, loa đài bật hết cỡ khiến nghi lễ hầu đồng mất đi sự uy nghiêm, tao nhã. Việc bài trí đền phủ tùy tiện: đồ cung tiến thiếu sự chọn lọc, thống nhất về kiểu cách, ai dâng cúng thế nào thì cứ đặt vào dùng. Sinh hoạt của các thanh đồng và con nhang đệ tử thường theo nhóm riêng lẻ mà chưa có sự liên kết giữa các bản hội, bản đền dẫn đến sự cạnh tranh, ganh đua thiếu lành mạnh “ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng”.
 
Việc phát lộc trong lễ hầu đồng nhiều nơi còn có sự phân biệt, nặng về vật chất, nhìn mặt mà phát lộc, làm mất đi nét đẹp trong văn hóa ứng xử của sinh hoạt văn hóa thờ Mẫu. Hiện tượng đốt vàng mã quá nhiều trong các nghi lễ hầu đồng gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trong đội ngũ các ông bà đồng vẫn còn không ít người trục lợi, phán bừa  theo kiểu "miệng trần bóng Thánh" khiến người nghe  hoang mang, sợ hãi mà cố sắm lễ, biện tiền để thầy giải hạn. Thanh đồng quá chú ý vào hình thức bề ngoài mà quên đi tính thiết yếu của nội dung là phần tu tâm dưỡng tính dưỡng.
 
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phối kết hợp với những Thày đồng, Thanh đồng để ra được hệ thống kinh sách chuẩn mực và một số quy quy ước trong nghi thức cầu cúng, lễ bái, đặc biệt là quy ước trong nghi lễ lên đồng, cách thức hầu đồng, mối quan hệ ứng xử giữa thanh đồng và cung văn, hầu dâng và tín chủ...
 
 Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chẳng khác gì việc cầm giữ trong tay viên ngọc quý của kho tàng Di sản văn hóa nhân loại. Nếu biết gìn giữ nó sẽ  tỏa sáng những giá trị nhân văn, giáo dục diệu kỳ cho mọi thế hệ soi vào hoàn thiện thêm nhân cách trong thời đại hội nhập và phát triển.

Phổ Minh - Kinh Bắc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.