Hà Nội bừng lên những nét đẹp văn hóa truyền thống

Chia sẻ

PNTĐ-Tết Đinh Dậu tiết trời ấm áp. Nắng bừng lên làm rạng rỡ những vòm cây, những hoa, những lá, và cả những khuôn mặt đẹp bừng sáng trong những tà áo dài tha thướt...

 
Hà Nội bừng lên những nét đẹp văn hóa truyền thống  - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tết Đinh Dậu tiết trời ấm áp. Nắng bừng lên làm rạng rỡ những vòm cây, những hoa, những lá, và cả những khuôn mặt đẹp bừng sáng trong những tà áo dài tha thướt của rất nhiều những phụ nữ và em gái đang dịu dàng dạo trên phố… Bất ngờ trong tôi bật lên câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Tổ quốc bào giờ đẹp thế này chăng?”…
 
 “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...”
 
Sáng mồng Một Tết, bất cứ ai ra phố sáng sớm đều có chung cảm giác thanh thản, yên bình, phố ít người qua lại chứ không đông đúc đến tắc đường như ngày thường. Tôi cũng như nhiều người Hà Nội vẫn có sở thích dạo phố vào sáng Mồng Một Tết, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp trầm mặc mà hào hoa của Hà Nội. Năm nay, người Hà Nội đón Tết Đinh Dậu với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đáng ghi nhận. 
 
Thứ nhất, đó chính là “văn hóa áo dài”. Có lẽ đó là ý thức tôn vinh vẻ đẹp thời trang truyền thống, nên áo dài dường như lên ngôi trong ngày Mồng Một Tết. Dạo Bờ Hồ Hoàn Kiếm sáng Mồng Một, người xe khá tấp nập nhưng không còn vẻ vội vàng ngày thường và đặc biệt là không che lấp được những bóng áo dài tha thướt của các bà, các chị, các cô và cả các bé gái. Áo dài thướt tha đủ sắc màu, đủ kiểu dáng. Có người diện áo dài kiểu cổ điển, nhưng cũng rất nhiều áo dài cách tân với tà lửng, tay lửng, đa phần may bằng gấm. Nhiều gia đình trẻ, người mẹ trẻ và 2 con gái nhỏ đều mặc áo dài cùng một màu (đỏ, xanh, hoặc thêu hoa, hay gấm hoa) rực rỡ, ríu rít bên nhau; nhiều nhóm thanh nữ 2-3 chị em gái hoặc bạn gái cũng diện áo dài đồng màu, đồng kiểu… Những người phụ nữ ấy đã tạo nên những khối màu rất riêng, và các bà các chị đã góp phần vào việc tôn vinh vẻ đẹp y phục truyền thống Việt. Thiển nghĩ, người Nhật, người Hàn đã luôn mặc y phục truyền thống dân tộc họ (kimono, handbok) trong những dịp tết và lễ trọng, đã làm tôn lên nét đẹp văn hóa truyền thống của họ, thì áo dài Việt nếu được phụ nữ Việt có ý thức sử dụng như trong Tết này, sẽ góp phần làm rạng rỡ hơn hình ảnh nước Việt ta trong lòng bạn bè quốc tế.
 
Thứ 2, phải kể đến là “văn hóa lễ chùa”. Sáng Mồng Một, nếu bạn đi dạo phố thì tưởng như “Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô”. Nhưng không phải. Bạn sẽ gặp cảnh tắc đường ngay lập tức khi bạn đến những con phố có các ngôi chùa lớn hoặc ngôi đền thiêng. Chùa Quán Sứ (phố Quán Sứ), Chùa Trấn Quốc, Đền Trấn Vũ (đường Thanh Niên), Phủ Tây Hồ (đường Âu Cơ), Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm), Chùa Hưng Ký (phố Minh Khai)… đều là những điểm mà mọi người phải kiên nhẫn vượt qua… tắc đường thì mới tới được. Tuy nhiều lúc tắc nghẽn như vậy nhưng do tâm thế đi lễ đầu năm cầu tài  lộc, cầu sức khỏe, nên không ai cáu kỉnh hay bực bội. Mặt khác thì các điểm đền chùa thiêng này đều có cảnh sát và đội tự quản của phường hỗ trợ phân luồng nên mọi người đều thứ tự đến được điểm mình cần đến. Đến với tín ngưỡng, đó là nét văn hóa quý, bởi bất cứ ai đến lễ đền, chùa, cũng là mong muốn sự may mắn, cũng là hướng đến điều thiện.
Hà Nội bừng lên những nét đẹp văn hóa truyền thống  - ảnh 2
Ảnh minh họa
 
Thứ 3, không thể không bất ngờ, là “văn hóa đọc” lên ngôi. Dạo qua phố sách Đinh Lễ, thật ngạc nhiên là “các áo dài”, các nam thanh nữ tú, các em học sinh tấp nập ùa vào các cửa hàng sách. Khá nhiều cửa hàng sách trên phố này mở cửa cả sáng Mồng Một. Nhiều bạn trẻ hớn hở chọn được những cuốn sách yêu thích. Các bậc cha mẹ thì nhanh nhẹn rút ví trả tiền, vì chắc chắn ai cũng mong cho con mình ham đọc sách. Yêu sách, đó là cách đến với tri thức nhân loại nhanh nhất và có con đường ngắn nhất để đi tới tương lai tươi sáng cho mỗi người! 
 
Hà Nội bừng lên những nét đẹp văn hóa truyền thống  - ảnh 3
Em Thảo Anh (HS lớp 9A trường
THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội)
 
Tại cửa hàng sách Ngân Nga, em Thảo Anh (HS lớp 9A trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội) chọn được bộ sách nhiều tập nguyên bản tiếng Anh “Percy Jackson”, tỏ vẻ thích thú: “Cháu rất thích đọc những bộ sách lịch sử Việt Nam và thế giới, hoặc các bộ sách truyện, tiểu thuyết nguyên bản tiếng Anh. Cháu rất thích bộ sách này vì nó viết về những cuộc phiêu lưu của chú bé Á Thần Percy Jackson rất thú vị và hấp dẫn. Những vị thần trong quyển này cháu đã gặp ở bộ sách Thần thoại Hy Lạp nên cháu sẽ dành tiền mừng tuổi để mua trọn bộ”. 
Khi văn hóa đọc “lên ngôi”, tâm hồn sẽ mở cửa với bao điều tốt đẹp. Hy vọng rằng các bậc cha mẹ sẽ dành nhiều thời gian đưa con đến cửa hàng sách, định hướng cho con mua và đọc những quyển sách hay, sách quý, đó chính là sự chắp cánh tri thức cho con bay vào tương lai. Tương lai tươi đẹp của con bạn, của mỗi người, cũng chính là tương lai của dân tộc! Như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Mỗi trang thơ đều dội tiếng ta cười”…
 
Những nét đẹp trong ngày Tết của người Hà Nội hôm nay đã làm bừng lên nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu của một Thủ đô Văn hiến, Anh hùng!
Trần Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.