Vẫn còn băn khoăn về trường công chất lượng cao

Chia sẻ

PNTĐ-Năm học 2017-2018, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học sẽ tăng lên mức 4.300.000 đồng/học sinh/tháng; bậc THCS, THPT là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng.

 
Vẫn còn băn khoăn về trường công chất lượng cao - ảnh 1
Học sinh trường mầm non chất lượng cao 20/10
 
Năm học 2017-2018, mức trần học phí cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao đối với trường mầm non, tiểu học sẽ tăng lên mức 4.300.000 đồng/học sinh/tháng; bậc THCS, THPT là 4.500.000 đồng/học sinh/tháng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, phụ huynh cảm thấy chưa được thuyết phục về tiêu chí "chất lượng cao" cũng như cách tuyển sinh của các trường này…
 
Chưa khẳng định được chất lượng cao
 
Hà Nội hiện có 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học và 4 trường trung học đang thực hiện mô hình chất lượng cao. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tăng mức trần học phí trường chất lượng cao (CLC) là nhằm mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 toàn TP đầu tư xây dựng thêm 20 trường công lập CLC, tiếp cận với chuẩn khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh bình luận:
 
“Tôi chưa hiểu CLC là cao về cái gì, nhưng xem ra cao về học phí là chắc chắn. Trường Lương Thế Vinh là tư thục, nhà nước không cho một đồng nào... mà thu học phí không tới mức đó. Tôi không hiểu thu học phí 5 triệu đồng/tháng thì tiêu gì cho hết tiền? So với trường THPT bình thường thì trường chất lượng cao thu học phí cao gấp 100 lần”. Theo PGS Cương, mức độ tương quan giữa phí và chất lượng của trường CLC chưa thực sự rõ ràng, đủ để thuyết phục dư luận.
 
THCS Nam Từ Liêm là một trong số các trường đã được UBND TP phê duyệt thí điểm trường chất lượng cao.Trường có diện tích rộng hơn 8.600m2 với các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như: ti vi, máy chiếu, bảng điện tử tương tác; khu ngủ bán trú rộng có khả năng phục vụ cho hơn 800 HS, đảm bảo HS được học 2 buổi/ngày tại trường mà không phải ra về như nhiều trường công đại trà khác; Trường còn có tới 15 phòng chức năng, thư viện điện tử và phòng đọc, chưa kể tới sân vận động riêng với diện tích 5.000m2, bể bơi, hệ thống bếp và nhà ăn, nhà tập đa năng lát sàn gỗ và trải thảm.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia giáo dục, sau nhiều năm hoạt động CLC đến nay, trường mới chỉ khẳng định “cao” về cơ sở đào tạo. Còn chất lượng đầu ra của  HS Nam Từ Liêm có… “cao” hơn trường công lập bình thường thì vẫn cần có thống kê, khảo sát đánh giá cụ thể.
 
“Nếu căn cứ đánh giá thành thích của trường CLC chỉ là có  nhiều HS khá giỏi thì quá bình thường, nhất là trong bối cảnh VN đang lạm phát HS khá giỏi. Theo tôi, HS trường CLC phải có những phẩm chất “cao”khác biệt, phù hợp với thời kỳ hội nhập, ví dụ: giỏi ngoại ngữ, kỹ năng mềm, biết thể thao, nghệ thuật ngoài giỏi văn hóa. Điều này tôi chưa nhìn thấy ở HS các trường chất lượng cao” - vị chuyên gia này khẳng định.
 
Ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng cho rằng, chúng ta cần có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả của mô hình này trong thời gian qua.

Phải minh bạch ngay từ đầu vào
 
Song, hiện nay, có một thực tế mà ai cũng nhìn rõ, trường chất lượng cao đã trở thành đích đến của con em các gia đình có điều kiện kinh tế. Bởi, cùng với mức tiền học phí phải đóng (nằm trong sức chi trả của người khá giả), học ở trường công lập chất lượng cao vẫn tốt hơn nhiều so với gửi con vào trường dân lập.
 
Anh Phạm Hữu Hùng, một PHHS ở quận Hoàn Kiếm cho biết: Khi gửi con vào trường mầm non chất lượng cao 20/10 của quận Hoàn Kiếm, chi phí tôi chi trả hàng tháng khoảng 4-5  triệu đồng/tháng nhưng con tôi lại được thụ hưởng cả cơ sở hạ tầng rất tốt của nhà trường. Nằm giữa quận trung tâm Thủ đô mà trường có sân chơi rộng rãi, nhiều thiết bị vui chơi, lớp học vừa rộng vừa thoáng mát, sí số trẻ/lớp vừa phải. Trong khi đó, trường mầm  non ngoài công lập thu cùng với mức học phí này vẫn thua xa về điều kiện cơ sở vật chất, chưa kể giáo viên chắc chắn không được đào tạo bàn bản và gắn bó như ở trường công  chất lượng cao:
 
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh trường ngoài công lập rõ ràng “thiệt thòi” hơn trường công lập chất lượng cao vì phải vất vả tìm kiếm, thuê mướn địa điểm. Nhiều trường muốn xây dựng thành chất lượng cao nhưng nếu không có địa điểm ổn định, diện tích đủ rộng thì cũng chẳng dám đầu tư. Trong khi đó, trường công lập chất lượng cao được Nhà nước tạo điều kiện địa điểm rộng rãi, đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên ổn định… nên rõ ràng có lợi thế hơn hẳn trường ngoài công lập.
 
Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên dùng ngân sách để đầu tư nâng chất đồng đều các trường công lập thay vì đầu tư trọng điểm vào một vài trường chất lượng cao. Song, theo ông Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, kinh tế phát triển nên một bộ phận người dân mong muốn vừa được học CLC, vừa được học ở trường công lập. Nền GD có đa dạng các loại hình  trường học cũng giống như như mâm cơm có nhiều món, người ăn cũng có nhiều lựa chọn theo khả năng tài chính và nhu cầu. Vì thế, mô hình này ra đời sẽ có lợi cho HS. Song, ông Đại cũng cho rằng, ngoài việc làm rõ thế nào là trường CLC, việc tuyển sinh tại các trường công lập này càng phải rõ ràng, minh bạch để có thể đến với mọi người dân có nhu cầu.
 
Trong khi đó, theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD-ĐT, trường công lập của nhà nước thì phải dành cho mọi đối tượng HS. Không thể chỉ một nhóm nhỏ có tiền, có quan hệ được học ở trường công CLC với nhiều lợi thế về trường lớp, đội ngũ giáo viên… còn đa số phải học trường công “chất lượng bình thường”. “Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ trường ngoài công lập phát triển. Người giàu có thu nhập cao, muốn con em học tốt hơn thì hãy chọn trường tư”.

Nguyễn Thị Hương

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.