Nỗ lực quảng bá linh vật Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá lại quá trình triển khai công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục...

 
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá lại quá trình triển khai công văn 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam của Bộ VHTTDL.
 
Nỗ lực quảng bá linh vật Việt - ảnh 1
Hình ảnh linh vật nghê Việt
 
Trong suốt một thời gian dài, các biểu tượng linh vật ngoại lai ồ ạt xuất hiện tại các khu di tích, đền thờ, chùa chiền và trở thành làn sóng phá vỡ cảnh quan, hủy hoại các di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi công văn 2662 của Bộ VHTT&DL được ban hành cùng với sự vào cuộc của nhiều ban ngành, các nhà nghiên cứu,việc di dời, gỡ bỏ các linh vật ngoại lai, đồ thờ, đồ trang trí không phù hợp với truyền thống Việt Nam tại các di tích đã chuyển biến tích cực, số lượng lớn linh vật lạ được chuyển đi. Hiện tượng cung tiến tràn lan tượng sư tử đá ngoại lai vào di tích xếp hạng đã không còn.Tính đến tháng 10/2017, 21/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức di dời được 180 linh vật lạ, hiện vật không truyền thống.
 
Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều địa phương, vẫn còn nhiều người dân và cán bộ làm công tác quản lý về văn hóa không phân biệt được biểu tượng, linh vật ngoại lai với các biểu tượng, linh vật thuần Việt. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người cung tiến cũng chưa nắm rõ được nội dung công văn nên cung tiến những đồ vật trang trí, biểu tượng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài vào đền chùa, di tích mà không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
 
Trước đây có thời kỳ nhiều người lẫn sư tử kiểu Trung Quốc thành nghê Việt. Theo TS Trần Hậu Yên Thế, đầu sư tử Trung Quốc phần nhiều cúi gằm xuống. Trái lại, đại đa số nghê Việt là ngước lên hoặc ghếch mặt lên trời. Cách bài trí của nghê Việt và sư tử Trung Quốc cũng rất khác nhau. Tượng sư tử luôn hướng ra phía ngoài, mặt đối diện với hướng người đi vào, hướng của nghê chầu hai con lại luôn ngoảnh mặt vào nhau. Tư thế ngồi chầu của nghê Việt khá nhất quán trong phần lớn các di tích từ Bắc vào Nam.
 
Ngoài ra, khâu xử lý hiện vật ngoại lai vẫn còn lúng túng. Có những địa phương di chuyển linh vật ngoại lai sang chỗ khác, có những nơi cất tạm ra bãi đất trống, có những nơi chọn cách đập bỏ hiện vật. Bởi vậy, cần phải có một sự xử lý thống nhất.
 
Công văn 2662 đã có tác động mạnh mẽ đến đời sống, nhận được sự hưởng ứng của xã hội, sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông. Nhiều đơn vị đã có chương trình quảng bá mạnh mẽ tới nhân dân về hình ảnh linh vật Việt. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã đề xuất cần tổ chức các lớp tập huấn về nhận diện linh vật Việt, linh vật ngoại lai cho cán bộ văn hóa địa phương, quản lý di tích… theo hướng dẫn của bộ, Cục Di sản văn hóa.
 
Ngày 19/12 vừa qua, nhóm tác giả do TS Trần Hậu Yên Thế chủ biên đã ra mắt cuốn sách “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê)”. Cuốn sách là những phác họa cụ thể về hình ảnh nghê Việt, giúp công chúng hiểu hơn về linh vật truyền thống Việt. Đây được coi là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, Sở VHTT&DL Hà Nội cùng các bộ, cơ quan ban ngành đã tìm ra được hướng đi cho việc xử lý di dời linh vật ngoại lai. Một số doanh nghiệp điêu khắc đã bắt đầu thực hiện thu nhận linh vật ngoại lai, chế tác thành linh vật thuần Việt trên tinh thần có sự chỉ đạo chung của UBND Thành phố. Cũng từ đó, công văn 2662 tiếp tục triển khai vận động nhiều cơ sở điêu khắc trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung để thu nhận, chế tác những linh vật ngoại lai thành linh vật thuần Việt.
 
Theo ông Trương Minh Tiến, PGD Sở VHTT&DL, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND Thành phố có chỉ đạo tới UBND các quận, huyện, thị xã kèm theo các thống kê cụ thể về những di tích có hiện vật lạ và lập kế hoạch vận động di dời.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.