Xé rào để “hút” hay “vét” thí sinh?

Chia sẻ

PNTĐ-Đúng như dự đoán, sau khi được Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ, năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã thông báo tuyển sinh đầu vào với nhiều phương thức, điều kiện khác nhau.

 
Đúng như dự đoán, sau khi được Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ, năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã thông báo tuyển sinh đầu vào với nhiều phương thức, điều kiện khác nhau. Sự đa dạng trong xét tuyển đã khiến cánh cửa vào đại học, cao đẳng của thí sinh trở nên rộng mở, song, lại đi kèm với không ít lo lắng của công chúng… 
  
Xé rào để “hút” hay “vét” thí sinh? - ảnh 1
Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học

Đủ kiểu xét tuyển, hạ chuẩn 
 
Đại học Công nghệ Đ.N là một trong những trường “tiên phong” phá bỏ khối thi truyền thống trong tuyển sinh. Trước đây, thí sinh muốn vào học ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp thường phải thi 3 môn Toán, Lý, Hóa thì năm nay, trường này đã thông báo xét tuyển cả thí sinh theo tổ hợp Toán, Sử, Địa; Văn, Sử, Địa… Với ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính, trường xét tuyển cả tổ hợp điểm các môn Văn, Địa, Giáo dục công dân hay Toán, Lý, Địa; Toán, Sử, Địa…
 
Tương tự, trường đại học H.V TP.HCM chấp nhận xét tuyển các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán theo tổ hợp các môn Văn, Toán, Giáo dục công dân. Đại học Nam C.T cũng xét tuyển ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Bất động sản theo tổ hợp các môn Văn, Sử, Địa.
 
Theo ông Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo ĐH Nông Lâm, thực tế đào tạo ghi nhận nhiều trường hợp thí sinh học tới năm thứ 2,3 đại học thì bỏ dở giữa chừng vì phát hiện mình không hợp với ngành, nghề đó. Ông không loại trừ cách tuyển sinh mới này sẽ làm gia tăng tỷ lệ người đi học nhưng không hiểu nghề định học, dẫn tới lãng phí tiền của, công sức của gia đình và xã hội. Thêm vào đó, nếu một thí sinh có thiên hướng về Văn, Sử, Địa nhưng lại học Y, Kế toán… sẽ khó tiếp thu. Các trường cũng khó đào tạo vì trong một lớp học mà tồn tại rất nhiều kiểu tư duy xã hội, tự nhiên.
 
Năm nay, còn ghi nhận hiện tượng một số trường ĐH, CĐ có đào tạo Sư phạm xé rào “hạ chuẩn” thấp hơn quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Theo quy định, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi, môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển. Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. 
 
Tuy nhiên, mới đây, trường CĐ V.A thông báo tuyển 30 chỉ tiêu ngành SP mầm non theo phương thức xét điểm học bạ 2 môn Văn, Toán (điểm lớp 12) và môn năng khiếu nhưng lại chỉ yêu cầu thí sinh hoàn thành chương trình THPT chứ không ràng buộc về học lực; Tương tự, trường CĐ SP K.G, thông báo ngành giáo dục mầm non xét tuyển học sinh có học lực trung bình trở lên, thấp hơn quy định hiện hành của Bộ là “học lực lớp 12 từ khá trở lên”.
 
Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc hạ chuẩn đầu vào chỉ nhằm giúp cho các trường có đào tạo ngành sư phạm tuyển được nhiều thí sinh, nhưng lại là “thảm họa” giáo dục. Bởi, không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu ngay từ đầu vào, chúng ta không tuyển chọn được những hạt giống sư phạm tốt.
 
Sự “bát nháo” trong tuyển sinh khiến Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phải yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát đề án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo để kịp thời phát hiện tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành đào tạo; thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh và đào tạo của các trường. Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nghiêm theo quy định và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, chỉ nhằm mục đích tăng số lượng học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo.
 
Hiểu sai về tự chủ tuyển sinh
 
Theo ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam, Điểm b, Khoản 2, Điều 34 Luật Giáo dục Đại học đã quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”. Mặc dù là người luôn đứng về phía các trường trong giành quyền tự chủ song theo ông Khuyến, không thể dựa vào quyền này mà các trường muốn tuyển sinh sao cũng được. “Chúng ta không nên hiểu trao quyền tự chủ tuyển sinh là đổ đồng giữa các trường. Thay vào đó, tùy vào năng lực đào tạo của các trường thể hiện qua đánh giá xã hội, tỷ lệ giảng viên, kết quả kiểm định… mà các trường có thể được trao các mức độ tự chủ khác nhau”.
 
Theo ông Khuyến, để xảy ra tình trạng bát nháo, lộn xộn trong tuyển sinh vừa qua là do Bộ GD-ĐT chưa làm hết trách nhiệm. “Lẽ ra, Bộ cần định hướng các trường cách xây dựng tổ hợp xét tuyển, xác định những kỹ năng cơ bản nào là cần với một sinh viên đại học (như ngôn ngữ, tính toán, tin học…) và kỹ năng nào thuộc về chuyên ngành, định hướng nghề nghiệp… Có như vậy mới tránh được tình trạng trăm hoa đua nở tổ hợp như thời gian qua”.
 
 Mới đây, tại cuộc họp về nhóm xét tuyển với sự tham gia của 83 trường đại học, nhiều đại diện các trường đã cho rằng, hiện nay, có tình trạng các trường đại học lớn cũng đặt ngưỡng tuyển sinh thấp để vét thí sinh của các trường tốp dưới. Thừa nhận thực tế này, theo ông Khuyến, hiện nay, trong tuyển sinh đại học có tình trạng các trường  tranh giành thí sinh của nhau. Việc mở rộng tổ hợp, hạ chuẩn đầu vào như thời gian qua cũng chính là một trong những biểu hiện của việc các trường phải cố gắng giành thí sinh về phía mình. 
 
Theo ông Khuyến, đã đến lúc cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước nhằm tạo môi trường tuyển sinh lành mạnh. “Chúng ta cần phân cấp và phân sứ mệnh rõ ràng cho từng nhóm trường. Những trường đại học thuộc top đầu cần phải đào tạo mạnh trình độ sau đại học và nghiên cứu khoa học. Các trường đại học top dưới chưa làm được điều này thì chỉ được đào tạo cử nhân”.
 
Chẳng hạn, tại bang California, Mỹ, các trường đại học cũng được phân thành 3 tầng. Tầng 1 gồm hệ thống trường đại học California gồm 9 trường đa lĩnh vực hàng đầu của nước Mỹ và thế giới. Những trường này lấy nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học làm chính. Tầng thứ 2 là đại học bang California gồm 23 trường ở mức trung bình, chỉ đào tạo đến Thạc sĩ. Tầng thứ 3 gồm 105 trường đại học Cộng đồng chỉ đào tạo bậc đại học. Các trường tầng 1 chỉ tuyển top 1/8 học sinh phổ thông; trường tầng 2 tuyển top 1/3 và trường tầng cuối tuyển đại trà. Cách tuyển sinh như vậy theo ông Khuyến sẽ tạo ra các loại trường với các đẳng cấp khác nhau và đối tượng tuyển sinh khác nhau.
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.