Chung tay vì sự an toàn của trẻ em gái

Chia sẻ

PNTĐ-Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức tập huấn mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái” cho cán bộ Hội Phụ nữ.

 
Nhằm triển khai Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức tập huấn mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái” cho cán bộ Hội Phụ nữ.
 
Chung tay vì sự an toàn của trẻ em gái - ảnh 1
Các cán bộ Hội tham gia buổi tập huấn

 
Các cán bộ Hội Phụ nữ từ phường xã, quận huyện đã được nắm vững tổng quan chương trình “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái”, với mục tiêu nâng cao nhận thức về sự an toàn và hòa nhập của em gái vị thành niên khi sinh sống ở thành phố/đô thị; xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy các hành động vì sự an toàn và hòa nhập của trẻ em gái trong thành phố như cải thiện khung pháp lý, các chương trình, kế hoạch có liên quan; xóa bỏ bất bình đẳng giới và định kiến về sự an toàn và hòa nhập của trẻ em gái, đồng thời giúp tiếp thu và nhìn nhận tốt hơn về vấn đề an toàn của trẻ em gái tại thành phố/đô thị.
 
Theo Thạc sĩ Đỗ Thị Tường Vi, chuyên gia giới, báo cáo viên của buổi tập huấn. Các yếu tố mang đặc tính giới thường làm trầm trọng hơn sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, trẻ em gái dễ bị tổn thương hơn vì các em phải chịu sự phân biệt đối xử kép: tuổi tác và giới tính. Việc hạn chế trẻ em gái được tự do tham gia vào các hoạt động ở nơi công cộng với lí do quan ngại về sự mất an toàn, là một hình thức phân biệt đối xử về giới. Đó là một sự vi phạm quyền con người, bởi tất cả mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận các phương tiện đi lại và không gian công cộng trong thành phố. 
 
“Có rất nhiều rào cản đối với sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái trong thành phố. Có thể là rào cản về mặt tâm lý như cảm giác không an toàn và sợ hãi bị bạo lực, bị quấy rối, gây ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển của trẻ em gái và phụ nữ về mặt không gian và thời gian; hay rào cản về mặt vật lý: các địa điểm công cộng trong thành phố đôi khi có những yếu tố tạo cảm giác không an toàn (các khu vực tối tăm, bẩn, quá vắng, tụ tập đông nam giới…)” - bà Tường Vi nhấn mạnh.  
 
Vì vậy, xây dựng một thành phố an toàn và thân thiện hơn cho trẻ em gái là một việc nên làm và cần sự chung tay của tất cả mọi người. Ở đó các em không phải sợ hãi hay bị quấy rối tình dục, các em được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ và phương tiện giao thông công cộng, cũng như có thể tự do sử dụng các không gian công cộng trong thành phố. Một thành phố an toàn là ở đó cả chính quyền và cộng đồng đều đảm bảo các quyền của phụ nữ và trẻ em trong tất cả các lĩnh vực. An toàn trong thành phố là một điều kiện cần thiết để các trẻ em gái được trao quyền và được tham gia vào công cuộc xây dựng thành phố thân thiện. Tất cả các thành viên trong xã hội đều có thể đề xuất giải pháp và lập ra kế hoạch hành động nhằm tạo nên những thành phố an toàn hơn và thân thiện hơn cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em gái.
 
Theo chị Đào Thị Bảo Thư, điều phối viên dự án Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái, thuộc tổ chức Plan International Việt Nam, để dự án thành công, các bên liên quan cần tiếp thu những ý tưởng của trẻ em gái vào quá trình quy hoạch phát triển thành phố, bởi các em hiểu rõ hơn ai hết về sự an toàn của bản thân mình khi sống trong thành phố. Việc đưa trẻ em gái vào quá trình quy hoạch và phát triển thành phố sẽ mở ra các chính sách và chương trình đáp ứng hiệu quả hơn. Coi trọng sự tham gia của trẻ em gái vào quá trình ra quyết định sẽ giúp các em được trao quyền, góp phần làm giảm tình trạng phân biệt đối xử. Lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách và chương trình đóng vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị thân thiện. Công tác quy hoạch thành phố/đô thị an toàn và thân thiện phải nâng cao nhận thức và sự tham gia của trẻ em gái về vấn đề an toàn, đồng thời thúc đẩy quyền của trẻ em gái trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng công bằng, bền vững. 
 
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết: Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ, giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em để các trẻ em gái được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn.
 
Đỗ Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.