Để việc nuôi con, chăm cháu là niềm vui của cả gia đình

Chia sẻ

PNTĐ-Hãy để công việc chăm sóc trẻ nhỏ trở thành sự kết nối tình cảm của các thế hệ trong gia đình, khiến ông bà, con cháu đều có được niềm vui trong cuộc sống.

 
Để việc nuôi con, chăm cháu là niềm vui của cả gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Sau hai tháng diễn ra cuộc thảo luận, nhiều ý kiến đã được gửi tới tòa soạn với cái nhìn đa chiều về vấn đề ông bà trông cháu. Có luồng ý kiến cho rằng, việc chăm cháu là nghĩa vụ của ông bà, là “nợ đồng lần” của quy luật cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng ông bà không có nghĩa vụ phải trông cháu, trách nhiệm đó thuộc về con cái. Tuy nhiên, một bộ phận con cái đang lạm dụng tình thương con cháu của ông bà khiến họ trở thành những người giúp việc không công ở tuổi xế chiều. Để bạn đọc có thể thảo luận các vấn đề “nóng”, thiết thực khác trong gia đình, vấn đề “Ông bà trông cháu: Niềm vui hay nghĩa vụ?” sẽ được kết thúc tại đây với ý kiến thảo luận của độc giả Dương Ngọc Vân. 
 
Gần nửa thế kỷ trước, khi vợ chồng tôi chuẩn bị sinh con đầu lòng, dù cả hai đều là viên chức Nhà nước, cơ quan có nhà trẻ nhưng trong lòng tôi luôn thầm nghĩ sau này sinh con sẽ được mẹ chồng chăm lo chu đáo. Tôi không nghĩ đến việc nhờ mẹ đẻ vì khi ấy mẹ tôi vẫn đang làm việc trong cơ quan Nhà nước còn mẹ chồng tôi thì đang nghỉ ở nhà. Ngày đón mẹ con tôi từ bệnh viện phụ sản trở về, mẹ chồng bày tỏ tâm tư như một lời giao hẹn: “Mẹ có gia đình mẹ, con có gia đình con. Cha mẹ đã nuôi các con khôn lớn trưởng thành thì việc các con làm cha làm mẹ cũng phải tự mình lo chăm sóc nuôi dạy con mình”. 
 
Lời mẹ như nhắc nhở vợ chồng tôi nghĩ tới công lao trời biển của bậc sinh thành và trách nhiệm chính của mình trong việc nuôi dạy con cái. Dù khi ấy tôi có phần tủi thân nhưng chợt ngộ ra mẹ chồng tuy đã già nhưng một tháng đôi lần về thăm quê vẫn phải kết hợp mang theo nhu yếu phẩm từ Hà Nội để đổi lấy đỗ lạc từ quê ra kiếm chút lời mưu sinh. Nếu mẹ đồng ý ở nhà trông con nhỏ cho mình thì mình cũng làm sao nuôi được mẹ với đồng lương ba cọc ba đồng thời bao cấp!
 
Ngay sau tuần đầu được hai mẹ thay nhau chăm sóc cháu, vợ chồng tôi đã biết tự lo cho con của mình. Rất may chồng tôi là người chu đáo nên chúng tôi nhanh chóng vượt qua những tháng ngày nuôi con trong thời kỳ trứng nước. Hai con trai tôi sau một tháng rưỡi chào đời đều lớn lên từ nhà trẻ của cơ quan, khôn lớn dần lên từ mẫu giáo cho đến khi tốt nghiệp đại học bước vào đời (thời ấy nghỉ chế độ khi sinh chỉ được một tháng thay vì 6 tháng như hiện nay). Sau mỗi kỳ sinh, để em bé  được cứng cáp hơn lần nào tôi cũng đi khám, được bác sỹ thông cảm cho nghỉ tiêu chuẩn ốm thêm nửa tháng nữa. 
 
Kế tục truyền thống của gia đình các con tôi đều có ý thức tự lập, dù hai bên nội ngoại có thể trực tiếp chăm cháu nhưng các con chưa khi nào lạm dụng lòng tốt của đôi bên cha mẹ. Các con tôi quan niệm tạo điều kiện cho cha mẹ sum vầy bên con cháu, chơi vui và giám sát các cháu chứ không để cha mẹ thành “Ô sin” trong nhà. Nhờ vậy tuổi già của vợ chồng tôi  vừa được gần gũi bên con cháu, vừa có thời gian tham gia các hoạt động xã hội của người cao tuổi cũng như thoải mái tham gia những chuyến đi du lịch, hội họp cùng bạn bè. 
 
Người xưa thường quan niệm “nước mắt chảy xuôi” khi nghĩ về trách nhiệm với con cháu. Đôi khi dù phải gánh trên vai trách nhiệm ấy quá nặng nề nhưng vì tình yêu thương vô bờ đối với con cháu mà các cụ đã phải gồng mình làm tròn trách nhiệm. Trong hoàn cảnh ấy các cụ chỉ còn biết tự an ủi mình với suy nghĩ: “trả nợ đồng lần”.
 
Thiết nghĩ đối với các bậc cha mẹ ngày nay, ai cũng hết mực yêu thương con cháu song cũng cần biết làm chủ tình thế. Nếu như con cái khó khăn, chúng ta hết lòng chia sẻ nhưng cũng cần có thái độ dứt khoát và đúng mực khi con cái có ý muốn dựa dẫm ỷ lại. Tuyệt đối, ông bà không nên lạm dụng quyền có tiếng nói cao nhất trong nhà để rồi chi phối quyền làm cha mẹ của con cái. Mỗi thế hệ có quan điểm và cách nuôi dạy con riêng nên cần sự thống nhất để dung hòa trong cách chăm sóc nuôi dạy trẻ.
 
Ông bà hãy truyền lại những kinh nghiệm nuôi dạy con tốt mà mình đã đúc kết qua thời gian cho con cháu, đồng thời cần lắng nghe học hỏi cái mới, cái tân tiến của cuộc sống hiện đại để không lạc hậu. Con cái phải xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi con của mình, không lạm dụng tình thương con cháu của ông bà để ỷ lại, dựa dẫm. Hãy để công việc chăm sóc trẻ nhỏ trở thành sự kết nối tình cảm của các thế hệ trong gia đình, khiến ông bà, con cháu đều có được niềm vui trong cuộc sống.
 
Dương Ngọc Vân  

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.