Đừng im lặng khi bị “quấy rối”

Chia sẻ

PNTĐ-Tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc không mới. Nhưng để có thể chấm dứt hành vi này, cần có chế tài pháp lý đủ mạnh và sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

 
Đừng im lặng khi bị “quấy rối” - ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ câu chuyện của bản thân tại buổi tọa đàm “Metoo, and you?”

 
Theo một báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam, phần lớn nạn nhân bị QRTD là nữ giới (78,2%). Một điều tra thực hiện năm 2014 tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, 87% nữ giới được khảo sát xác nhận họ đã bị QTRD tại nơi công cộng; song 67% người qua đường không có phản ứng gì để giúp đỡ.
 
Tại trường học, 31% nữ sinh cho biết họ đã bị QRTD nơi công cộng và trên các phương tiện công cộng. Với văn hóa Á Đông, chủ đề QRTD thường được coi là nhạy cảm nên phần lớn nạn nhân đều âm thầm chịu đựng vì tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ thị phi. Họ chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc báo cáo sự việc khi quấy rối leo thang trở thành tấn công tình dục.
 
Tại buổi tọa đàm "Metoo, and you? Phong trào vì nạn nhân quấy rối tình dục ở Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức chiều 27/4/2018, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học Ngoại thương Hà Nội đã thẳng thắn chia sẻ về câu chuyện của bản thân:
 
“Mấy chục năm qua, tôi từng vừa là nạn nhân, vừa chứng kiến rất nhiều bạn gái khác gặp phải những vấn đề tương tự. Những lần bị quấy rối khi còn trẻ, tôi cũng theo bản năng đi tìm những người chị hoặc đồng nghiệp lớn tuổi để than thở. Nhưng lần nào lời khuyên nhận được cũng là: "Em ơi những chuyện như này nhiều lắm, sau này nên cẩn thận thì hơn, con gái phải biết giữ lấy thân". Người không thiện chí lắm còn nói rằng: “Ai bảo mày ăn mặc thế này thế kia, ai bảo mày đến gặp người ta khi chỉ có một mình, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi…”.
 
Dần dần, tôi học một phản xạ khác là tự bảo vệ lấy mình, nếu gặp cảnh như vậy thì yên lặng giữ riêng cho mình mà thôi hoặc chỉ chia sẻ cho bạn bè thật thân thiết khi chuẩn bị đi gặp một nhân vật nào đó. Và vì thế, những người đó không bao giờ bị đưa ra công lý, cũng như câu chuyện bị QRTD luôn bị giấu kín trong bóng tối”.
 
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci cho biết, QRTD để lại nhiều hậu quả lớn. Nó làm tổn hại đến người bị QRTD, đặc biệt với trẻ em, thanh thiếu niên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tâm lý, cảm xúc và tình dục (tự cô lập, chán ăn, mất ngủ, thu mình khép kín...). “Khi xã hội có những cái xấu thì pháp luật phải can thiệp để xã hội không bị kéo tụt lùi và được phát triển. Ngoài việc có chế tài đủ mạnh, những nạn nhân của quấy rối tình dục cần dũng cảm nói ra, vạch trần cái xấu” – luật sư Nguyễn Văn Tú khẳng định.
 
Bộ luật Lao động 2012 (hiệu lực thi hành từ 1/5/2013) đã nêu quy định nghiêm cấm QRTD tại nơi làm việc (Khoản 2, Điều 8); cho phép người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị quấy rối tình dục (Điểm c, Khoản 2, Điều 37), và cấm người sử dụng lao động quấy rối tình dục người lao động là người giúp việc trong nhà (Khoản 1 Điều 183), nhưng chưa cụ thể. Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam.
 
Bộ Quy tắc nêu rõ định nghĩa về QRTD; đồng thời, chỉ ra các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: hành vi quấy rối thể chất, hành vi quấy rối bằng lời nói và hành vi quấy rối phi lời nói. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc đã khiến nhiều nạn nhân không trình báo, thế nên hiệu quả Bộ Quy tắc này của Bộ LĐ,TB&XH mới dừng ở mức khuyến nghị hướng dẫn cách hành xử giữa người lao động với nhau, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động tại các cơ quan, đoàn thể.
 
Bà Hoàng Thị Thu Huyền – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có việc thêm quy định về QRTD và có chế tài xử lý cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của xã hội đối với những hiện tượng QRTD. Có rất nhiều người, khi lên tiếng mình bị quấy rối tình dục thì lập tức bị nhìn nhận có thể là người phụ nữ này quá lẳng lơ, hay việc bị trêu ghẹo là bình thường. Đồng thời, các cơ quan cần xây dựng môi trường làm việc nghiêm túc, văn minh; mỗi cá nhân tự trang bị cho mình cách bảo vệ bản thân khi bị quấy rối tình dục. Với người làm công tác quản lý trong các cơ quan, công sở cũng cần nhận thức rõ ràng hơn về những biểu hiện quấy rối tình dục, để có cách điều chỉnh ứng xử từ bản thân nói riêng và tập thể nói chung.
 
Đỗ Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.