Ông Tồn bị phát hiện đạo văn nên 2 lần nộp hồ sơ phong Giáo sư đều bị bác

Chia sẻ

PNTĐ-Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở và Thư ký Hội đồng xét phong chức danh cấp ngành.

 
PV: - Thưa GS.TS Nguyễn Văn Lợi! Sau khi Báo PNTĐ đăng bài “Vì sao “đạo văn” mà vẫn được phong giáo sư?”, nêu trường hợp ông Nguyễn Đức Tồn (nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) đạo văn. Ngay hôm sau, ông Tồn đã phản ứng trên hãng BBC “Họ vu cáo tôi đạo văn”. Xin GS cho biết rõ hơn bằng chứng ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn? 
 
GS.TS Nguyễn Văn Lợi: - Từ năm 1995 đến 2005 tôi tham gia lãnh đạo Viện trong tư cách Phó Viện trưởng, phụ trách khoa học.Từ năm 1996 đến năm 2007, tôi nhiều lần tham gia Hội đồng xét phong chức danh (Học hàm) Giáo sư cấp Cơ sở và cấp Chuyên ngành. Ở HĐ cấp Cơ sở (Viện Ngôn ngữ học), năm 1996, tôi là Ủy viên HĐ, năm 2002 là Chủ tịch HĐ. Ở HĐ Chuyên ngành Ngôn ngữ học, từ năm 1996 đến năm 2000 tôi là Ủy viên HĐ; nhiệm kì 2000-2007, tôi là Thư kí HĐ. Ông Nguyễn Đức Tồn là cán bộ Viện Ngôn ngữ học, những lần ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong Phó Giáo sư và Giáo sư ở HĐ cơ sở Viện Ngôn ngữ học và HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học, thì tôi trong tư cách khác nhau ở các HĐ, đã xem xét các hồ sơ của ông Tồn. 
 
Cụ thể, năm 1996, Ông Nguyễn Đức Tồn xin được xét phong học hàm Phó giáo sư ở HĐ Cơ sở Viện Ngôn ngữ học và HĐ Chuyên ngành. HĐ các cấp không phát hiện trong hồ sơ của ứng viên Nguyễn Đức Tồn các trường hợp nghi đạo văn (trong hồ sơ chưa có các sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” và sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác”), do vậy, ứng viên được HĐ các cấp bỏ phiếu tán thành đủ tiêu chuẩn phong Phó giáo sư.  Năm 2002, ông Nguyễn Đức Tồn nộp hồ sơ xin phong Giáo sư ở HĐ cấp cơ sở Viện Ngôn ngữ học. HĐ đã phát hiện những điều bất minh, khuất tất trong hồ sơ của ứng viên này.
 
Theo quy định của HĐ cấp Nhà nước, sách chuyên khảo - một “tiêu chuẩn cứng” minh chứng về thành tích nghiên cứu khoa học cho ứng viên, phải được xuất bản trước khi nộp hồ sơ cho HĐ. Trong hồ sơ của mình, ông Nguyễn Đức Tồn nộp sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” như một tiêu chuẩn cứng để xét phong Giáo sư, nhưng trên thực tế lại chưa được xuất bản. Kết luận này của HĐ căn cứ vào công văn của Cục Xuất bản, Bộ văn hóa. Đồng thời, HĐ cũng phát hiện trong các sách mà ứng viên đưa ra làm bằng chứng thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học có nhiều chỗ nghi được sao chép của người khác.
 
Trong sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) có nhiều đoạn sao chép từ bài báo: “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 2 năm 2001. Còn trong sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2002), có nhiều trang chép nguyên xi từ luận án Phó tiến sĩ: “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của Nguyễn Thúy Khanh, bảo vệ cách đó 6 năm (năm 1996) tại cơ sở đào tạo Viện Ngôn ngữ học.
 
Trong cuốn sách trên của ứng viên Nguyễn Đức Tồn, cũng có hàng chục trang chép  gần như nguyên vẹn từ luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ học, đã bảo vệ cách đó 7 năm: “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu, sinh viên K36 (1991-1995) Khoa Ngôn ngữ học, trường đại học KHXH&NV Hà Nội. HĐ cơ sở đã bỏ phiếu bác bỏ hồ sơ xin phong Giáo sư của ứng viên Nguyễn Đức Tồn. 
 
Năm 2006, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ 2 nộp hồ sơ xin phong Giáo sư. Lần này ông Tồn nộp hồ sơ xin xét phong ở HĐ cơ sở Khoa Ngôn ngữ học, trường đại học KHXH và NV Hà Nội. Một số cán bộ Viện Ngôn ngữ học đã có đơn gửi HĐ Cơ sở tố cáo việc ông Tồn đạo văn. Tuy vậy, ở HĐ Cơ sở (Khoa Ngôn ngữ học trường ĐH KHXH NV Hà Nội), ứng viên này đủ số phiếu tán thành và hồ sơ được chuyển lên HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học.
 
Tại HĐ chuyên ngành Ngôn ngữ học, các thành viên đã thảo luận kĩ về những chỗ nghi ngờ đạo văn trong hồ sơ ứng viên này. Sau đó, HĐ đã bỏ phiếu, kết quả ứng viên Nguyễn Đức Tồn không đủ số phiếu đồng ý phong chức danh Giáo sư. Cuối năm 2006, trên một số tờ báo cũng đã có những bài viết phơi bày và lên án việc đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn.
 
Năm 2007 HĐ chức danh Giáo sư chuyên ngành Ngôn ngữ học mới được thành lập (tôi và một số thành viên khác không tham gia HĐ nữa). Năm 2008, ông Nguyễn Đức Tồn lần thứ ba nộp hồ sơ xin xét phong chức danh Giao sư, lần này, ứng viên Nguyễn Đức Tồn được thông qua ở các vòng xét phong ở cả 3 HĐ cấp cơ sở, cấp chuyên ngành và cấp Nhà nước.  
 
PV: - Thưa GS, ông Nguyễn Đức Tồn có giải thích không có chuyện ông Tồn chép của học trò, mà ở đây, chính nghiên cứu sinh đã chép lại tài liệu bằng tiếng Nga do ông Tồn mang từ Nga về. Trong trường hợp trò chép của thầy hoặc cả hai thầy trò cũng chép từ tài liệu tiếng Nga như vậy, giá trị khoa học của công trình được đánh giá ra sao? Ngay cả trong trường hợp như GS Tồn nói (nghiên cứu sinh chép tài liệu của thầy) thì luận án đã bảo vệ có cần được xem xét lại?
 
Tôi có nhiều năm làm việc ở Viện Ngôn ngữ cùng với ông Tồn và chị Nguyễn Thúy Khanh.  Tôi đã nhiều lần đọc LA của chị Khanh do ông Tồn hướng dẫn. LA đề cập đến vấn đề “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” dựa trên tư liệu tiếng Việt. Có thể, trong quá trình hướng dẫn NCS Khanh, ông Tồn đã dịch cho NCS phần cơ sở lí thuyết, còn phần tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt, là công sức nghiên cứu của chị Khanh (Khi làm LA, chị Khanh làm việc hơn 30 năm ở Phòng từ điển tiếng Việt; là một trong các tác giả của Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).
 
Cần phải khẳng định rằng, LA của NCS Khanh không phải hoàn toàn được sao chép từ LA Phó tiến sĩ bảo vệ ở Nga của ông Tồn – như ông Tồn nói: “chính nghiên cứu sinh đã chép lại tài liệu bằng tài Nga do ông Tồn mang từ Nga về”.  Trong khi đó, sách của ông Tồn sao chép nguyên xi từ dấu chấm, dấu phẩy trong LA của chị Nguyễn Thúy Khanh. Trong LA của chị Khanh, ít nhất các tư liệu và nội dung miêu tả “Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” trong tiếng Việt thuộc bản quyền của tác giả LA; ông Tồn sao chép LA của Chị Khanh tức là đã vi phạm bản quyền của tác giả LA, là đạo văn, vi phạm đạo đức của người làm khoa học. Hơn nữa, một trong các tiêu chuẩn cứng để được phong Phó Giáo sư là ứng viên phải hướng dẫn thành công NCS Phó Tiến sĩ.
 
Trường hợp NCS Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ thành công LA Phó Tiến sĩ là thành tích đào tạo, để ông Tồn được phong Phó Giáo sư (năm 1996). Khi NCS Nguyễn Thúy Khanh bảo vệ LA, tại sao trong bản nhận xét của người hướng dẫn trước HĐ chấm LA, ông Tồn vẫn cam kết, khẳng định tinh thần thái độ học tập nghiêm túc, chủ động của NCS. Nay ông Tồn nói NCS chép từ LA của mình, tức là ông Tồn đã lừa dối HĐ chấm LA các cấp và Bộ Giáo dục (cơ quan cấp bằng Phó Tiến sĩ cho NCS). Và như vậy phải xem xét lại việc phong chức danh Phó Giáo sư của ông Tồn do vi phạm đạo đức nhà giáo, lừa dối HĐ chấm luận án và Bộ Giáo dục. 
 
PV: - Việc ông Nguyễn Đức Tồn cho rằng ông Tồn bị tố “đạo văn” do “yếu tố cá nhân” vì trước đây GS Tồn từng lên tiếng về việc sử dụng kinh phí không đúng tại Viện Ngôn ngữ có liên quan đến GS Nguyễn Văn Lợi khi đó là phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ phụ trách khoa học. GS sẽ phản hồi, lý giải thế nào về ý kiến này?
 
 Giai đoạn 1995-2005, tôi làm Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học của Viện. Ông Tồn nói rằng việc tôi tố ông Tồn đạo văn là do trả thù cá nhân, do trước đây ông Tồn lên tiếng về việc sử dụng kinh phí không đúng tại Viện Ngôn ngữ học, có liên quan đến tôi. Cần phải khẳng định rằng những điều ông Tồn nói là điều gian dối. 
 
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, không phải tôi tố ông Tồn, mà tôi là Chủ tịch HĐ cơ sở (năm 2002) và Thư kí HĐ Chuyên ngành (năm 2006) cùng các thành viên HĐ các cấp xem xét hồ sơ của ông Tồn và phát hiện những bất minh, đạo văn trong hồ sơ của đương sự và cùng đa số các thành viên HĐ bỏ phiếu không tán thành phong Giáo sư cho ông Tồn. Là Phó Viện trưởng, tôi cùng lãnh đạo Viện phải giải quyết trường hợp gian trá này. Tôi cũng tham gia thảo luận và phê phán hành vi đạo văn của ông Tồn ở các cuộc họp của Viện. 
 
2- Tham gia lãnh đạo Viện, tôi được phân công phụ trách khoa học, tức là lập kế hoạch, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Tôi không liên quan đến công tác tài chính; không phải là chủ tài khoản, tôi không có quyền và trách nhiệm chi tiêu tài chính, kinh phí. Do vậy, không thể nói tôi liên quan đến “việc sử dụng kinh phí không đúng tại Viện Ngôn ngữ” như ông Tồn nói.
 
3- Năm 2002, sau khi bị HĐ cơ sở Viện Ngôn ngữ học (do tôi là Chủ tịch và các cán bộ chủ chốt của Viện là Ủy viên) phát hiện những điều gian dối, đạo văn trong hồ sơ và bỏ phiếu không đồng ý phong GS cho ứng viên Nguyễn Đức Tồn, đương sự mới bắt đầu kiện cáo lãnh đạo Viện, Chi ủy. Một trong các nội dung kiện cáo của ông Tồn là, đề tài khoa học tập trung ở một số người. Ý kiến này được đưa ra thảo luận ở Viện, nhất là ở Chi Bộ nhiều lần. Kết quả, bằng biểu quyết, những người tham dự khẳng định rằng, hầu hết cán bộ có năng lực (khoảng 40) đã tham gia các đề tài cấp Bộ, không có chuyện đề tài chỉ tập trung ở một số người như ông Tồn nói. Kết luận này hiện còn lưu trong các báo cáo tổng kết cuối năm của Viện và Chi bộ. Cần nói thêm rằng, do không được xét phong Giáo sư, từ 2002-2008, ông Tồn thường xuyên khiếu kiện, gây nên tình trạng bất ổn ở Viện. Cao trào khiếu kiện của ông Tồn xảy ra sau năm 2006 (lần thứ 2 ông Tồn không được phong GS). Tôi nghỉ quản lí trong chức trách Phó Viện trưởng từ năm 2005.
 
Như vậy, không có chuyện do ông Tồn tố cáo tôi trước mà tôi trả thù, mà ngược lại: Khi không đạt được tham vọng, bị tập thể HĐ chức danh Cơ sở Viện Ngôn ngữ học, và HĐ Chuyên ngành Ngôn ngữ học bác bỏ hồ sơ xin phong GS của ông Tồn (do hồ sơ bất minh, ăn cắp kết quả nghiên cứu của người khác trong các sách của mình), ông Tồn mới khiếu kiện, vu cáo người khác. 
 
PV: - Xin cảm ơn ơn GS.TS Nguyễn Văn Lợi!
 
Nguyễn Minh Anh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

Sinh viên thế hệ mới: Sáng tạo và nhân văn

(PNTĐ) - Hành trình Sinh viên Thế hệ mới 2024 đã khép lại sau vòng thi chung kết (được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV3 ngày 9/11) giữa ba đội đến từ ba trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM và Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Các thí sinh cuộc thi đã cho thấy sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm của Gen Z.
Viết tiếp những thành tích đáng tự hào…

Viết tiếp những thành tích đáng tự hào…

(PNTĐ) - Ngày 20/11/2024, trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã long trọng tổ chức “Lễ kỉ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô - Chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11” nhằm tôn vinh truyền thống cao đẹp của nghề dạy học, bày tỏ sự tri ân tới các thầy cô giáo - những người thầm lặng, bao dung dâng hiến bao giá trị cho đời.
Người đưa đò gieo khát vọng sáng tạo cho học sinh

Người đưa đò gieo khát vọng sáng tạo cho học sinh

(PNTĐ) - Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề và tình yêu thương đối vớihọc sinh, cô giáo Phạm Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ Chuyên biệt-Tự chọn, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) đã luôn nỗ lực, phấn đấu hết mình để ươm những mầm non, những thế hệ tương lai của đất nước. Cô giáo Hạnh là một trong những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo TP Hà Nội năm 2024.
Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài

Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về rèn đức, luyện tài

(PNTĐ) - Cả nước hiện có 1,6 triệu nhà giáo ở tất cả các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, và đại học. Với trọng trách “trồng người”, nhiều thầy, cô giáo đã vượt qua mọi khó khăn, không ngừng học hỏi, sáng tạo, đổi mới để góp phần tích cực nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.