Lỏng lẻo như… quản lý trung tâm ngoại ngữ

Chia sẻ

PNTĐ-Những sự vụ đáng buồn liên quan đến hoạt động của trung tâm ngoại ngữ thời gian qua đã cho thấy lỗ hổng quản lý của cơ quan chức năng đối với các cơ sở này.

 
Chưa có giấy phép nhưng trung tâm vẫn ngang nhiên hoạt động; giáo viên phát âm sai, không có bằng Sư phạm, sỉ nhục học viên là “mặt người óc lợn”… Những sự vụ đáng buồn liên quan đến hoạt động của trung tâm  ngoại ngữ thời gian qua đã cho thấy lỗ hổng quản lý của cơ quan chức năng đối với các cơ sở này. Trách nhiệm sàng lọc trung tâm ngoại ngữ bỗng dưng bị “đá” vào chân người học. 
 
Lỏng lẻo như… quản lý trung tâm ngoại ngữ - ảnh 1
Hình ảnh bà Nguyễn Kim Tuyến, trung tâm MST English thóa mạ học viên gây bức xúc

 
Đủ kiểu lùm xùm ở các trung tâm ngoại ngữ
 
Như báo Phụ nữ Thủ đô đã đưa tin, mới đây, dư luận đã dậy sóng về hành vi chửi học viên xối xả, vô văn hóa của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, dạy tiếng Anh tại trung tâm tiếng Anh MST. Sau sự việc trên, Sở GD-ĐT Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của trung tâm tiếng Anh MST và sự thật được hé lộ: Cả 3 cơ sở của Trung tâm này ở các quận Hai Bà Trưng, Hà Đông, Bắc Từ Liêm… đều chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ tại Sở GD-ĐT Hà Nội theo quy định, vì vậy hoạt động của MST English là vi phạm các quy định hiện hành. Bản thân bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng  không xuất trình được bằng sư phạm.
 
Sự vụ ở MST English còn chưa lắng lại, trên mạng xã hội lại xuất hiện 2 đoạn video clip vạch trần một trung tâm ngoại ngữ khá lớn khác ở Hà Nội có tên Langmaster English có cả trăm video bài giảng “đạo” của BBC Learning English, University of Japan, ông AJ Hoge - tác giả hệ thống giảng dạy Effortless English và nhiều nguồn khác.
 
Trước sự việc trên, ông Tony Dzung - người sáng lập hệ thống Langmaster đã phải đưa ra lời xin lỗi trong một đoạn video dài gần 3 phút đăng tải trên mạng xã hội sau đó. Tuy nhiên, từ đạo bài giảng, Langmaster lại dính tiếp nghi vấn có “hoạt động không phép” khi trên website của trung tâm này hiển thị có tới 10 chi nhánh trên địa bàn Hà Nội nhưng theo danh sách các trung tâm ngoại ngữ được Sở GD-ĐT Hà Nội cấp phép tính đến tháng 1/2018 lại chỉ có 3 chi nhánh của Trung tâm Langmaster.
 
Không chỉ vậy, nhiều trung tâm tiếng Anh còn khiến công chúng mất niềm tin với cung cách hoạt động cẩu thả, giảng viên phát âm sai, giáo trình “đầy sạn” nhưng vẫn in rồi bán thu tiền. Chẳng hạn như giáo viên của trung tâm tiếng Anh Elight dù phát âm sai vẫn đứng lớp, trong đó có cả bà Phan Kiều Trang sáng lập trung tâm. Trung tâm này còn xuất bản cuốn sách học tiếng Anh cơ bản, mặc dù được giới thiệu là cẩm nang tiếng Anh cho người mất gốc nhưng trong sách lại chứa đầy lỗi sai ngữ pháp rất cơ bản. Bà Kiều Trang còn bị cộng đồng mạng bóc phốt vì không hề có tên trong danh sách những người giành được học bổng toàn phần danh giá Endeavour của Chính phủ Úc như cô tự nhận. 
 
Tại một hội nghị mới đây về quản lý các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP.Hà Nội cũng khẳng định, trên thực tế, có hiện tượng đơn vị quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo; không thực hiện đúng cam kết với người học...
 
Cơ quan quản lý đã ở đâu?
 
Hàng loạt những sự việc buồn liên quan đến chất lượng đào tạo của các trung tâm ngoại ngữ đã buộc công chúng phải đặt câu hỏi, vai trò quản lý của các cơ quan chức năng ở đâu? Tại sao người dạy không có đủ bằng cấp vẫn được đứng lớp? Việc kiểm tra xuất bản, lưu hành giáo trình, bài giảng dạy ngoại ngữ được thực hiện như thế nào?
 
Theo nhận định của Sở GD-ĐT, trong sự việc ở trung tâm MST English, các học viên cũng có một phần thiếu sót khi chưa kiểm tra giấy phép hoạt động của trung tâm. Tuy nhiên, thực tế, việc người học có thể kiểm tra giấy phép hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, bằng cấp của người dạy, chất lượng giáo trình… là rất khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Trong khi đó, các trung tâm vi phạm đều hoạt động công khai, tuyển sinh rầm rộ mở nhiều chi nhánh khác nhau ở nhiều quận, huyện khác nhau. 
 
Trở lại với sự việc của MST English, tháng 2/2018, Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm đã từng lập Biên bản yêu cầu trung tâm này dừng hoạt động đào tạo cơ sở ở Bắc Từ Liêm khi không xuất trình được giấy chứng nhận hoạt động do Sở GDĐT cấp, yêu cầu tiến hành đăng ký hoạt động tại Sở GD-ĐT Hà Nội theo quy định. Tuy nhiên, đơn vị này không những không chấp hành mà còn ngang nhiên tiếp tục hoạt động. Hệ quả là vẫn có học viên bỏ ra hàng chục triệu để theo học ở các cơ sở của MST English mà không hề biết “uẩn khúc” đằng sau. Hay như trung tâm Langmaster, tại sao có tới 7 chi nhánh khác chưa đăng ký với Sở GD-ĐT vẫn có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để công khai hoạt động như chốn không người. 
 
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến đầu năm 2018, TP có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó, tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%. Loại hình hoạt động này cũng ngày càng đa dạng, gồm trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ, văn hóa, kỹ năng, dịch vụ tư vấn du học... Sự ra đời của các mô hình này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người học, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề về công tác quản lý liệu có theo kịp?
 
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, rõ ràng, qua nhiều sự việc cho thấy rõ ràng, công tác quản lý trung tâm ngoại ngữ đang rất lỏng lẻo. Khi hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan chức năng mới vào cuộc là quá muộn. “Theo tôi, chúng ta cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên để tránh tình trạng “hòa cả làng” mà chỉ có người học là phải chịu thiệt thòi”. Thực tế cũng cho thấy, phần lớn lùm xùm ở các trung tâm ngoại ngữ chỉ bị lôi ra ánh sáng nhờ sự phát giác của một cá nhân hay cộng động mạng. Cơ quan quản lý dù có nhiệm vụ quản lý nhưng lại luôn “biết sau cùng”.
 
Theo ông Nguyễn Bá Trường Giang, học giả Fulbright, tốt nghiệp khoa Kinh tế, đại Học Cornell, New York và khoa Luật, đại học Luật Boston, Mỹ những năm gần đây, chúng ta ghi nhận sự phát triển của các cơ sở học tiếng Anh, trong đó có nhiều cơ sở có uy tín, nhưng cũng có cơ sở hoạt động kiểu “chộp giựt”. Sự thật giả lẫn lộn của các trung tâm đã đẩy người học vào thế rất khó chọn lựa. Việc phải học nhầm các trung tâm kém chất lượng, thầy cô không có trình độ… ảnh hưởng tiêu cực tới học viên. 
 
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đã ký ban hành văn bản yêu cầu các Sở GD-ĐT và các trường tăng cường rà soát, quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn. 
 
Theo đó, Bộ đề nghị các Sở GD-ĐT, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm trên cả nước thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể về hoạt động của các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn hoặc phạm vi quản lý; thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin về danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học cả công lập, tư thục, có vốn đề tư nước ngoài, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn được cấp phép hoạt động. Hy vọng rằng, sự vào cuộc lần này của các cơ quan chức năng sẽ không rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.