Giải pháp giảm tai nạn đường sắt

Chia sẻ

PNTĐ-Tàu hỏa là phương tiện giao thông có mức độ an toàn cao nhưng chỉ trong 4 ngày liên tiếp vừa qua (từ ngày 24-27/5) đã có tới 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra.

 
Tàu hỏa là phương tiện giao thông có mức độ an toàn cao nhưng chỉ trong 4 ngày liên tiếp vừa qua (từ ngày 24-27/5) đã có tới 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra làm 2 người chết và hơn 10 người bị thương. Những tai nạn nghiêm trọng này lại xảy ra đúng vào thời kỳ cao điểm chạy tàu đã khiến hành khách đi tàu và người dân lo lắng, bất an. 
 
Giải pháp giảm tai nạn đường sắt - ảnh 1
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại Thanh Hóa ngày 24/5

 
Yếu từ hạ tầng đến ý thức
 
Trong văn bản mới nhất của mình, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề cập đến một số nguyên nhân ban đầu của các 4 vụ tai nạn đường sắt. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp của 3/4 vụ tai nạn là do hành vi của tổ chức, cá nhân ngành đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, khi đón tàu, dồn tàu tại các ga; do đầu máy, toa xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật phương tiện; 2/4 vụ có liên quan đến hành vi điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định khi vượt qua giao cắt với đường sắt. Ủy ban này cũng xin rút kinh nghiệm về 4 vụ tai nạn trên.  
 
80% tai nạn đường sắt đều xảy ra tại điểm giao cắt đường sắt với đường bộ (còn gọi là đường ngang dân sinh). Theo thống kê, hiện mạng lưới đường sắt có hơn 5.700 đường ngang dân sinh nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp (hơn ¼ trong số đó, tương đương khoảng 400 đường ngang có người trực tiếp canh gác). Mặc dù đã được đầu tư nhưng vẫn có nhiều vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang có rào chắn và người canh gác.
 
Thực tế, qua kiểm tra, ngành đường sắt vẫn phát hiện tình trạng nhân viên gác tàu mất tập trung dẫn đến tình trạng quên đóng chắn hoặc đóng chắn chậm, nhất là trong những ca trực đêm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhân viên gác nhận lệnh trước khi tàu đến từ 15-30 phút. Với thời gian khá dài như vậy, chỉ cần người gác chủ quan, nghĩ rằng tàu còn lâu mới đến để rồi sao nhãng, chợp mắt thêm một chút, làm nốt công việc dang dở rồi mới đóng. Thế nhưng, với lái tàu hoặc những người đi đường, cảnh báo muộn, đôi khi cũng đồng nghĩa với tai nạn hoặc đe dọa an toàn chạy tàu.
 
Trong khi đó, theo tôi ý thức người tham gia giao thông chưa được cao. Tại ngã tư Giải Phóng – Trường Chinh, đến giờ tàu chạy qua, chuông báo động kêu vang, nhân viên gác ì ạch đẩy gác chắn ngang đường nhưng vẫn có nhiều người cố tìm cách lách xe hoặc len người qua rào chắn, tranh thủ vượt qua đường sắt bằng mọi cách, bất chấp nguy hiểm.
 
Vào cuối tuần qua, khi dư luận đang đặc biệt quan tâm đến 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt thì tại khu vực phố đi bộ Hà Nội có diễn ra sự kiện có ý nghĩa với tên gọi “Du lịch có trách nhiệm - chủ điểm an toàn giao thông”. Rất nhiều du khách đã đặt câu hỏi về an toàn giao thông để các chuyên gia tư vấn nhưng khi chuyên gia giao thông - TS Khương Kim Tạo đặt câu hỏi ngược lại về quyền ưu tiên tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thì nhiều người lại không đưa ra được trả lời. “Đường sắt là con đường độc đạo, tàu hỏa chỉ chạy được trên đường sắt với tốc độ cao, trên 60km nên không thể quay rẽ ngang dọc, khó dừng nên tàu hỏa luôn phải được ưu tiên cao nhất tại nơi giao cắt”. Vì thế các hành vi cố tình vượt hoặc không tuân thủ tín hiệu giao thông đường sắt đều vi phạm quy định an toàn đường sắt.
 
Cải tổ bắt đầu từ việc nâng cao ý thức 
 
Với tuổi đời quá cao trong khi việc đầu tư cải tạo cho đường sắt không lớn nên việc xuất hiện lỗi trong quá trình hoạt động của tàu hỏa là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để nâng cao tính an toàn cho các đoàn tàu, hạn chế thấp nhất những sự cố có thể xảy ra, theo tôi, ngành đường sắt cần một cuộc cải tổ từ hệ thống đường ray, toa tàu, đầu máy... đến hệ thống đường ngang dân sinh, nhất là đường ngang dân sinh tự phát (không có rào chắn, không có thiết bị cảnh báo…) tại các khu vực ngoại thành. Đây đều là những vấn đề bức xúc của ngành từ nhiều năm nay. Việc xử lý rất chậm do thiếu nguồn kinh phí. Như một vòng luẩn quẩn, khi tồn tại chưa giải quyết triệt để thì tai nạn vẫn có thể xảy ra.
 
Ngoài ra, trong khi chờ đợi sự đầu tư để tạo bước đột phá thì trước mắt, vấn đề ngành có thể làm được là “xem lại chính mình”, xem lại vấn đề phối hợp giữa các bộ phận trong ngành đường sắt đã chặt chẽ và nghiêm túc để đảm bảo an toàn chạy tàu; nâng cao năng lực, trách nhiệm của các nhân viên trong ngành; đầu tư hơn nữa để đảm bảo sự tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu đảm bảo sự liên thông, phối hợp nhịp nhàng, khi đó mới có thể giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn giao thông do lỗi từ con người... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là với chủ phương tiện giao thông đường bộ.
 
Hiện nay, hơn 80% tai nạn giao thông đường sắt do phương tiện đường bộ gây ra. Còn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đồng thời cần kiên quyết xử lý và nói không với đường ngang dân sinh tự phát; lắp đặt bổ sung biển cảnh báo…
Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: