Bố mẹ “sục sôi” đọ thành tích học của con

Chia sẻ

PNTĐ-Thay vì được thoải mái nghỉ ngơi sau khi hoàn thành một năm học vất vả, nhiều đứa trẻ lại khổ sở vì chưa hoàn thành kỳ vọng của bố mẹ…

 
Bố mẹ “sục sôi” đọ thành tích học của con - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Loạn nhà vì thành tích học của con
 
Cả tuần qua, chị Nguyễn Thị Thu Lệ (Đống Đa, HN) mỗi khi đón con ở trường về cũng hỏi con được học sinh giỏi không. Mỗi lần nghe con trả lời chưa biết, chị càng nóng ruột. Bởi đi làm, chị đều nghe đồng nghiệp hồ hởi thông báo chuyện con họ đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Rồi hễ mở Facebook, đập vào mắt chị là hàng loạt status của các bố mẹ khoe điểm số cao, thành tích giỏi của con. Nhà có hai đứa con, con gái lớn học lớp 8 đã bị trượt học sinh giỏi. Niềm hi vọng duy nhất để vợ chồng chị không bị mất mặt với mọi người là cậu con trai học lớp 6. Khi biết con có khả năng sẽ được học sinh giỏi chị mới thở phào. 
 
Từ hôm đó, chị luôn so sánh thành tích học tập của hai đứa con, khen ngợi con trai và chỉ trích con gái đã không hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình. Con bé bị mẹ so sánh với em nhiều quá nên ghét lây sang cả em. Thỉnh thoảng, nó lại tìm cách trút giận lên em, rồi hét lên với bố mẹ một cách bất mãn. Cứ thế cả nhà chị loạn lên vì kết quả học hành cuối năm của hai đứa con.
 
Gia đình anh Lương Tuấn Nghĩa (Cầu Giấy, HN) mấy hôm nay cũng bất ổn vì thành tích cuối năm của hai con. Trong mắt mọi người, gia đình anh Nghĩa có nề nếp. Hai con anh được đầu tư học ở các trường nổi tiếng. Ai cũng cho rằng đã học ở đó là đương nhiên phải giỏi. Vậy nên anh Nghĩa lúc nào cũng mặc định con mình phải học giỏi hơn trẻ hàng xóm học ở trường bình thường. Vậy mà hai đứa con anh Nghĩa đã không thực hiện được mong muốn của bố mẹ khi chỉ đạt học sinh tiên tiến. Trong khi đó, con nhà hàng xóm đứa nào cũng học sinh giỏi.     
 
Vợ chồng anh Nghĩa, chị Lệ không phải là bậc cha mẹ duy nhất sục sôi vì điểm số, thành tích của con cuối năm. Bởi một số cha mẹ cho rằng mang tâm lý danh hiệu học sinh giỏi không chỉ đem lại “vinh quang” cho con mà còn là danh dự của bố mẹ.
 
Đừng “bức tử” con bởi sự kỳ vọng của bố mẹ
 
Chưa bao giờ tình trạng học sinh tự tử vì áp lực học tập lại xảy ra liên tiếp như thời gian vừa qua. Ngày 10/4/2018, một học sinh lớp 10 (trường THPT Nguyễn Khuyến, Q. Tân Bình, TP.HCM) tự tử ngay tại trường vì áp lực điểm số mà bố mẹ đặt ra. Ngày 18/5 vừa qua, một học sinh lớp 11 trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cũng tìm đến cái chết nhưng được cấp cứu kịp thời vì bị hạ hạnh kiểm tốt xuống trung bình nên mất danh hiệu học sinh giỏi.
 
 Làm mẹ của hai đứa con đang tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Mai Anh (Hoàng Mai, HN) thừa nhận tâm lý chung của bố mẹ đều cho rằng con học giỏi thì mới thành đạt sau này. Và danh hiệu học sinh giỏi là thể hiện của sự thành công bước đầu. “Vợ chồng tôi từng mặc định nhiệm vụ con đi học phải đạt được học sinh giỏi hàng năm. Nhưng thời gian gần đây, trước các vụ việc học sinh tìm đến cái chết vì áp lực điểm số và sự kỳ vọng của bố mẹ khiến chúng tôi cảm thấy sợ hãi và phải thay đổi quan điểm”. 
 
Theo chuyên gia tâm lý, TS Đinh Đoàn, việc bố mẹ cho rằng tiêu chuẩn điểm số, thành tích học tập hiện tại sẽ thể hiện sự thành công hay thất bại của con trong tương lai là sai lầm. Bởi một người thành công không chỉ dựa vào thành tích học tập của 12 năm mà còn cần đến các kỹ năng sống và nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, có nhiều bố mẹ đặt gánh nặng lên cho con bởi những kỳ vọng mà cuộc đời họ không đạt được. Nếu bố mẹ tạo áp lực cho con lẫn bản thân, không thay đổi suy nghĩ, nhiều đứa trẻ sẽ vô tình bị “bức tử” chỉ để thỏa mãn kỳ vọng của bố mẹ. 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Xe ôm “ông nội”

Xe ôm “ông nội”

(PNTĐ) - 4 đứa cháu ra đời khiến ông bà quay như chong chóng trong khi trước đó ông bà tuyên bố “con ai người đó lo, ông bà chỉ chơi chứ không chăm cháu”.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.