Một đời kính yêu, học tập Bác Hồ!

Chia sẻ

PNTĐ-Gần như trọn cuộc đời, bà Hoàng Thị Nữ tận tụy nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và phát huy các kỷ vật về Bác, không chỉ vì trách nhiệm, mà còn bởi lòng kính yêu...

 
Gần như trọn cuộc đời, bà Hoàng Thị Nữ, nguyên cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gắn bó với những kỷ vật của Bác Hồ. Bà tận tụy nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và phát huy các kỷ vật về Bác, không chỉ vì trách nhiệm với công việc, mà còn bởi lòng kính yêu đến vô cùng của bà dành cho vị Cha già dân tộc. 
 
Càng hiểu về Bác, càng kính yêu Bác vĩ đại
 
Bà Hoàng Thị Nữ, nguyên là sinh viên khóa đầu tiên của ĐH Công an (nay là Học viện An ninh Nhân dân). Cuối năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để chuẩn bị cán bộ cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, theo sự điều động của Bộ Công an, bà Nữ được chuyển về công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch, sau đó công tác ở Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1984, sau khi bảo vệ xong luận án Phó Tiến sĩ tại trường ĐH Tổng hợp Matxcova (Liên Xô cũ) với đề tài “Vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác Lê- nin vào Việt Nam”, bà Nữ về công tác ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, được giao quản lý hệ thống kho cơ sở của bảo tàng, nơi lưu giữ toàn bộ tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác Hồ. Với bà, đây là một vinh dự, một trọng trách đòi hỏi sự cẩn thận, tỷ mỉ, kiên nhẫn, toàn tâm toàn ý.
 
Một đời kính yêu, học tập Bác Hồ! - ảnh 1
Đến nay, bà Hoàng Thị Nữ vẫn rất đam mê nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

 
Bà nhớ lại: “Năm ấy, Hà Nội mưa rất to sau cơn bão số 3, nhiều tuyến phố ngập nước. Buổi tối, tôi đã về nhà, nhưng vẫn rất lo nước sẽ tràn qua sân của Bảo tàng vào kho bảo quản tài liệu hiện vật. Tôi quyết định lội nước ngang lưng dọc phố Đội Cấn, đoạn từ khách sạn La Thành đến Bảo tàng để kiểm tra. Quả nhiên, khi đến nơi, sân cơ quan đã ngập nước, một số phòng làm việc bị nước tràn vào (qua đường ống). Tôi đã cùng bộ phận trực của cơ quan kịp thời kiểm tra từng kho và xử lý, ngăn không cho nước vào kho hiện vật. Trời mưa, người rét vì bị ướt song tôi rất vui vì kho bảo quản tài liệu, hiện vật vè Bác được an toàn”. 
 
Với bà Nữ, mỗi một kỷ vật của Bác, dù là nhỏ nhất, cũng giúp bà hiểu hơn về con người, tư tưởng, phong cách đạo đức sáng ngời của Người. “Có lẽ, trên thế giới này, không có vị Chủ tịch Nước nào giản dị, khiên tốn như Bác của chúng ta. Mỗi lần ngắm nhìn trang phục và đồ dùng thường ngày của Bác, tôi và các cán bộ của Bảo tàng đều xúc động và thương Bác. Chuyện kể lại, có một lần, thấy bộ quần áo Kaki của Bác đã bạc màu, sờn cổ, các đồng chí phục vụ Bác đã sang xí nghiệp May 10 đặt may 2 bộ quần áo Kaki mới, nhưng khi mang về báo cáo Bác, Bác cười và nói: Bộ quần áo Kaki của Bác vẫn còn dùng được, Bác đề nghị mang 2 bộ quần áo Kaki mới may để làm phần thưởng tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Cả cuộc đời, Bác Hồ chỉ lo cho dân, cho nước, cho đồng bào, chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mình…” - bà Nữ  rưng rưng nhớ lại. 
 
Bà Nữ giới thiệu với chúng tôi khối hiện vật tặng phẩm của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế tặng Người; trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến phong trào thi đua ái quốc, tiêu biểu như chiếc quạt giấy của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông tặng Bác năm 1946 nhân kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người. Chiếc quạt có kích thước khá lớn (dài 0,76m), trên hai mặt của chiếc quạt châm kim tạo nhiều hoa văn đẹp, trong đó có 2 bài thơ độc đáo ý nghĩa như bài: “Gió Xuân hây hẩy ba kỳ mát/Muỗi cỏ vo ve một phẩy tan/Gia Cát quạt lông, Hồ quạt giấy/Trước sau quét sạch lũ tham tàn”. Bác đã tặng lại kỷ vật quý này cho ông Hoàng Đạo Thúy - nguyên Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng, sau được Bác giao nhiệm vụ làm Tổng Thư ký Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương.
 
Trong buổi gặp mặt để giao nhiệm vụ, Bác Hồ đã nói:  “Chú dùng cái quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên”. Thực hiện lời dạy của Bác, ông Hoàng Đạo Thúy đã đem hết sức mình cùng các thành viên Ban Vận động các cấp triển khai sâu rộng phong trào Thi đua ái quốc trên cả nước. Sau 30 năm trân trọng giữ gìn kỷ vật của Bác Hồ, ông Hoàng Đạo Thúy đã tặng lại kỷ vật này cho Bảo tàng vào ngày 27/9/1978 và kể lại các kỷ niệm với Bác Hồ. 
 
Trong thời gian công tác, bà Nữ còn trực tiếp tham gia tiếp nhận các tài liệu hiện vật liên quan đến Bác Hồ do đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế tặng Bảo tàng; trực tiếp tham gia sưu tầm tài liệu hiện vật ở trong và ngoài nước. Mỗi chuyến đi lại cho bà những ký ức không thể nào quên như chuyến đi sưu tầm tài liệu ở Liên Xô năm 1991; chuyến đi sưu tầm tài liệu và khảo sát các di tích, các địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua trong thời gian Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép khi Người đi công tác ở Quảng Tây, Trung Quốc (tháng 8/1942). Qua đó, đoàn đã xác định được hành trình và địa điểm Bác viết các bài thơ trong cuốn “Nhật ký trong tù”; Đoàn cũng khảo sát được 26 nhà tù mà Bác phải trải qua từ ngày 27/8/1942 đến 10/9/1943 ở 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. “Được tận mắt nhìn các địa điểm Bác bị giam, tù, chúng tôi rất xúc động, vô cùng cảm phục tinh thần lạc quan cách mạng của Bác và càng kính phục, càng yêu Bác nhiều hơn” - Bà Nữ xúc động nhớ lại.
 
Tích cực học và làm theo gương Bác
 
Trong 35 năm công tác ở Bảo tàng và cho đến hiện nay, bà Hoàng Thị Nữ vẫn rất đam mê nghiên cứu các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà còn tham gia viết nhiều báo cáo khoa học, xác minh và cung cấp tư liệu để xác minh các sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bà biên soạn nhiều cuốn sách về Người như cuốn “Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử”, “Danh nhân Hồ Chí Minh”, “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933”, “Bác Hồ với Thái Bình, Thái Bình làm theo lời Bác”… 
 
Bà Nữ tâm sự: Hàng ngày được tiếp xúc với những di sản của Bác trong đó có những bản thảo do Bác tự đánh máy và viết tay như tác phẩm: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, các bản Di chúc Bác viết năm 1965, 1968, 1969… đã giúp tôi thấm nhuần những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức và phong cách trong sáng của Người; hiểu hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 
 
Trong suốt thời gian công tác ở Bảo tàng, bà luôn lấy tấm gương của Bác để học tập và noi theo. Năm 2014, được Nhà nước cho nghỉ hưu, về địa phương cư trú (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội), bà nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương, công tác xã hội: từ tổ phó tổ dân phố, Phó Ban Vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Phó Chủ tịch UBMTTQ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập, UVBCH Hội LHPN phường… ở cương vị công tác nào, bà cũng tận tâm với công việc, luôn sống và làm việc theo tấm gương của Bác. Nhiều năm qua, bà Nữ đều đặn tham gia tổ tiết kiệm của phụ nữ, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn. Bà cũng học Bác tận dụng mặt sau của các tài liệu đã dùng hoặc tờ lịch để viết dự thảo các văn bản, các bản thảo bài viết... thay vì viết trên giấy trắng; Cách viết của bà cũng ngắn gọn, dễ hiểu vì bà luôn học phong cách viết và nói của Bác Hồ. 
 
Bà Nữ đã được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, được tặng nhiều Huy chương, kỷ niệm chương, trong đó có Huy chương Vì sự nghiệp phát triển của Phụ nữ Việt Nam, được UBND quận Ba Đình tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2009… Tháng 5/2018, bà được chọn tham gia Lễ báo công dâng Bác và giao lưu điển hình tiên tiến, Người tốt việc tốt do Hội đồng thi đua khen thưởng, cụm thi đua số 3 Thành phố Hà Nội tổ chức.
 
 
 
Nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc
 
Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: Các cấp, ngành của TP tổ chức nhiều chương trình, hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với nhiều hình thức phong phú như tổ chức nói chuyện chuyên đề về Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước, tổ chức hoạt động gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Đáng chú ý là việc triển khai cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, thông qua đó, TP đã khen thưởng, biểu dương gần 200 điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt. Vào ngày 2/6 tới, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức chương trình biểu dương, tôn vinh các phong trào thi đua yêu nước, điển hình tiên tiến với chủ đề “Khơi nguồn sức mạnh”; Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Thi đua - Khen thưởng TP tổ chức hội thảo khoa học “Khơi nguồn sức mạnh” để làm rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội… với sự tham gia của hơn 100 đại biểu. Trong dịp này, TP Hà Nội sẽ tiến hành thẩm định và gắn biển các công trình đủ điều kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; các đơn vị trực thuộc TP tổng kết phong trào thi đua “Người tốt việc tốt” gắn với tổng kết Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2018...
 
Hoàng Lan

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.