Nguy hại khi tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ

Chia sẻ

PNTĐ-Kháng sinh được coi là một trong những phát minh y học vĩ đại. Nhưng thực tế có 80% phụ huynh không biết dùng kháng sinh đúng cách gây hậu quả đáng tiếc.

 
Nguy hại khi tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ - ảnh 1
Kháng kháng sinh khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh và tái phát bệnh hơn. ẢNh: H.N

 
Trung bình mỗi ngày, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 đến 4.000 bệnh nhi tới khám bệnh. Tiến hành nghiên cứu sàng lọc trên các bệnh nhi nhập viện, bác sĩ đã phát hiện 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Theo PGS.TS.BS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc trên xuất phát từ việc lạm dụng kháng sinh trong chữa bệnh cho trẻ. 
 
Nghiên cứu của một tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam vào năm 2009 cho thấy, 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ này là 91%. Thực tế, những người bán thuốc đa phần là dược tá, dược sĩ. Họ có thể hiểu rõ về thuốc nhưng không thể hiểu hết về tình trạng của người bệnh. Trong khi đó, để kê kháng sinh cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi, các bác sĩ phải khám, hỏi triệu chứng, làm xét nghiệm… để chắc chắn bệnh nhân cần có sự trợ giúp của kháng sinh...
 
BS CKII Phạm Đức Thịnh, khoa Nhi, bệnh viện Hồng Ngọc cho biết: do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, phổ biến là bệnh về đường hô hấp. Lúc này, cha mẹ thường lựa chọn giải pháp điều trị bằng kháng sinh. Nhưng 2/3 trẻ bị viêm đường hô hấp khởi phát bệnh là do virus, mà virus hoàn toàn không đáp ứng với kháng sinh. Bởi kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, còn tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Khi đó, lạm dụng kháng sinh có thể khiến trẻ gặp phải rắc rối như: buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, bỏ ăn.
 
Nhiều trẻ còn dị ứng, thậm chí sốc phản vệ và tử vong do dùng thuốc. Đáng nói, những trẻ bình thường chưa bao giờ sử dụng kháng sinh cũng có thể bị kháng kháng sinh do lây vi khuẩn kháng kháng sinh từ trẻ mang bệnh. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không nên vì thế mà tẩy chay việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho trẻ. 
 
Về sử dụng kháng sinh, BS Thịnh khuyến cáo cha mẹ chỉ cho con sử dụng kháng sinh khi có đơn của bác sĩ. Thời gian sử dụng kháng sinh tùy theo bệnh và mức độ bệnh: người bị lao có thể phải điều trị kháng sinh theo lộ trình từ 6 – 9 tháng liên tục; trẻ mắc bệnh thấp tim có thể phải dùng kháng sinh vài năm cho đến khi trên 20 tuổi tùy theo tình trạng tổn thương tim. Trừ những trường hợp có tính chuyên biệt, phần lớn kháng sinh sử dụng từ 5 – 7 ngày mới đủ thời gian để diệt vi khuẩn. Nếu cha mẹ cho trẻ dùng kháng sinh quá ngắn, vi khuẩn chắc chắn chưa được tiêu diệt hoàn toàn. Tại thời điểm đó, vi khuẩn sẽ nằm im, nhưng khi bùng phát trở lại sẽ khó chữa hơn do chúng đã kháng thuốc. Trường hợp đã dùng đủ liều kháng sinh nhưng không hiệu quả, cha mẹ cần xem lại loại thuốc đang điều trị cho trẻ và tiến hành đổi sang dòng khác nếu bác sĩ tư vấn là cần thiết. 
 
Giúp trẻ tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch để hạn chế việc sử dụng kháng sinh, BS Ngô Dũng Tuấn, giảng viên bộ môn Lý sinh y học, đại học Y Hà Nội khuyên rằng, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng hẹn và giữ cho trẻ một cơ thể khỏe mạnh. Bởi lẽ, mọi trẻ em dưới 6 tháng tuổi đều có sẵn một lượng miễn dịch được mẹ truyền qua nhau thai. Vì thế trẻ thường ít bị ốm trong thời gian này. Từ tháng thứ 7 trở đi, miễn dịch của trẻ xuất hiện qua 2 nguồn: tiêm chủng, và một nguồn tạo miễn dịch dù không mong muốn nhưng khó tránh khỏi là bệnh tật mà em bé vượt qua được. 
 
BS Tuấn cũng cho biết, Tổ chức Y tế thế giới xếp các loại thực phẩm nguội, chế biến sẵn: xúc xích, pate, dăm bông là nhóm thực phẩm hàng đầu gây ung thư; thịt đỏ là nhóm thực phẩm nguy cơ thứ 2. Ngoài ra, còn nhiều thực phẩm độc hại khác như: nước ngọt đóng chai, đồ ăn nhanh, bim bim, bánh kẹo… Các nhà khoa học khẳng định, phần lớn bệnh nghiêm trọng của con người thời điểm hiện nay đều xuất phát từ việc hệ vi khuẩn đường ruột bị hỏng như: loạn khuẩn ruột hoặc mất khuẩn ruột… kèm theo đó là những bệnh tưởng chừng như không liên quan gì đến bệnh (chẳng hạn: thừa cân, béo phì, tim mạch, tự kỷ, rối loạn chức năng hành vi, thoái hóa về thần kinh…). Bởi vậy, thay vì dùng các thực phẩm nguy hại trên, cha mẹ nên bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng các loại rau, củ, quả tươi, sạch trong tự nhiên như: cà rốt, táo, lê, rau xanh… 
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Hiểu biết về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

(PNTĐ) - Ngày Thalassemia thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5, là  cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.
​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.