Kỳ 10: Có phải ông Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn là do thù hằn cá nhân?
PNTĐ-Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo PNTĐ đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Lợi để làm rõ vụ đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn.
Trong mấy tháng gần đây, công luận và giới trí thức trong ngoài nước đặc biệt quan tâm đến vụ đạo văn của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học - thuộc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam. Vụ việc được đặc biệt quan tâm là bởi nó kéo dài cả chục năm mà không giải quyết, mặt khác người bị tố đạo văn lại tố rằng ông bị tố đạo văn là do thù hằn cá nhân. PV Báo PNTĐ đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, nguyên Chủ tịch Hội đồng cơ sở, nguyên Thư ký HĐCDGS Ngành Ngôn ngữ học xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Tồn xuất hiện trên hãng BBC đổ lỗi đạo văn cho học trò |
- Trả lời trên một vài tờ báo và trên hãng BBC, cũng như trong kiến nghị gửi Thủ tướng ông Nguyễn Đức Tồn nói rằng, một số người (trong đó có GS.TS Nguyễn Văn Lợi) tố ông Tồn đạo văn vì họ trả thù việc ông Tồn chống tiêu cực. Xin GS Nguyễn Văn Lợi cho biết ý kiến về vấn đề này?
GS. Nguyễn Văn Lợi: Ông Nguyễn Đức Tồn lần đầu tiên bị phát hiện đạo văn năm 2002. Năm đó ông Nguyễn Đức Tồn (chức danh là Tổng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ trực thuộc Viện Ngôn ngữ học) nộp hồ sơ xin phong GS tại Hội đồng Chức danh cơ sở Viện Ngôn ngữ học. Tôi lúc đó (là Phó Viện trưởng phụ trách khoa học của Viện Ngôn ngữ học) là Chủ tịch HĐ. Trước khi HĐ xét hồ sơ, ông Tồn nhân danh đồng hương với tôi, đã ra sức lôi kéo tôi, mong nhận được sự ủng hộ của “đồng hương”. Xem xét hồ sơ, HĐ phát hiện có hiện tượng đạo văn và sự gian dối trong hồ sơ của đương sự Nguyễn Đức Tồn.
Cụ thể là: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sách, báo nộp trong hồ sơ phải được công bố (xuất bản) trước hạn nộp hồ sơ. Nhưng trong hồ sơ của ông Tồn cuốn sách “Đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” như minh chứng thành tích nghiên cứu khoa học của ông Tồn chỉ là bản thảo, chưa hề được xuất bản. Đồng thời cũng do thẩm định hồ sơ của ông Tồn, HĐ phát hiện trong 2 cuốn sách mà ứng viên Tồn đưa ra làm bằng chứng thành tích đào tạo và nghiên cứu khoa học có nhiều chỗ nghi được sao chép nguyên văn bài báo của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, có hàng chục trang chép nguyên xi từ Luận án Phó Tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ 6 năm trước), và có hàng chục trang chép gần như nguyên vẹn từ Luận văn tốt nghiệp ĐH ngành Ngôn ngữ học (đã bảo vệ 7 năm trước) của Cao Thị Thu.
Khi bị HĐ bóc trần sự gian trá và hành vi đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn đã la lối và đòi truy tố tôi (Chủ tịch HĐ - người chịu trách nhiệm chính) ra Tòa án hình sự. Trong phiên thẩm định và xem xét hồ sơ, HĐ buộc phải mang bằng chứng xác nhận của Cục Xuất bản Bộ Văn hóa chứng minh quyển sách của ông Tồn chưa được xuất bản trước thời hạn nộp hồ sơ. Trong cuộc họp, ngoài các thành viên HĐ, còn có sự tham dự của GS.TS Đỗ Trần Cát - Thư kí của HĐ Chức danh GS Nhà nước và Ban Thanh tra HĐ CDGS Nhà nước. HĐ bỏ phiếu bác hồ sơ của Nguyễn Đức Tồn.
Trước những bằng chứng không thể chối cãi, đương sự Nguyễn Đức Tồn buộc phải chấp nhận thất bại về chuyện xin phong chức danh Giáo sư. Nhưng tiếc là ông Tồn đã không nhận thức ra sai trái của mình để răn mình, sửa mình, mà ông này bắt đầu chiến dịch kiện cáo kéo dài lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học - những thành viên chủ chốt của HĐ đã xét duyệt hồ sơ của ông ta. Năm 2006, lần thứ 2 ông Nguyễn Đức Tồn xin phong chức danh GS, nhưng lần này ông Tồn không nộp ở HĐ cơ sở là Viện Ngôn ngữ, mà nộp ở HĐ Khoa Ngôn ngữ - trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội. Hồ sơ thông qua ở HĐ cơ sở này, nhưng khi lên HĐ chức danh Ngành Ngôn ngữ học thì vì hồ sơ của ông Tồn vẫn bao gồm những công trình đạo văn, nên đã bị bác.
Chủ tịch HĐ là GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng, Phó Chủ tịch là GS.TS Đinh Văn Đức, 2 thành viên là cán bộ của Viện Ngôn ngữ học là GS.TSKH Lý Toàn Thắng (Viện trưởng), và tôi GS.TS. Nguyễn Văn Lợi (Phó viện trưởng và là Thư kí HĐ). Lần này, ông Nguyễn Đức Tồn tiếp tục dựng lên câu chuyện chống tiêu cực ở Viện Ngôn ngữ học để trả thù những lãnh đạo của Viện tham gia HĐ đã bỏ phiếu không tán thành việc phong chức danh GS cho ông Tồn. Không chỉ nhằm vào tôi và GS Lý Toàn Thắng, mà ông Tồn còn đòi truy tố GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng là người không làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, nhưng là Chủ tịch HĐCDGS Ngành Ngôn ngữ học, nơi đã vạch trần việc đạo văn và phủ quyết hồ sơ xin phong GS của ông Nguyễn Đức Tồn.
Có thể nói một trong các nguyên nhân khiến việc giải quyết vụ đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn kéo dài hơn 10 năm vẫn bùng nhùng không xong là do ông Tồn tìm mọi cách chối tội. Một trong các chiêu trò chối tội của ông là ông biến ông từ người cần được xử lý thành nạn nhân, còn người vạch trần tội lỗi của ông lại trở thành người bị mắc tội, thậm chí ông “hình sự hóa”, đòi đưa ra tòa án để xét xử. Cách hành xử với TS Nguyễn Thúy Khanh (từ năm 2002 đến nay), GS Lý Toàn Thắng, GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Phạm Hùng Việt (từ năm 2002 - đến nay), GS. Trần Ngọc Thêm (sau 2016, khi GS Thêm vạch trần tội đạo văn trong hồ sơ xin giải thưởng Hồ Chí Minh của ông Tồn), GS. Nguyễn Quang Hồng (năm 2006) và nay đối với lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học đương nhiệm là như vậy. Chiêu trò thứ hai ông Tồn áp dụng để chối tội đạo văn là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện ngay cả khi các vụ việc đã được cơ quan có trách nhiệm, cũng như tập thể cơ quan, cấp ủy, Chi Bộ Đảng cơ quan kết luận phủ nhận những điều ông Tồn khiếu kiện.
- Trước câu hỏi bức xúc của công luận: Tại sao người đạo văn trắng trợn, tinh vi đã thành hệ thống (theo đánh giá của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm) như ông Nguyễn Đức Tồn vẫn được phong GS, trong bài báo trước, GS. TSKH Trần Ngọc Thêm giải thích rằng, biết ông Tồn đạo văn nhưng vẫn công nhận đạt tiêu chuẩn GS, vì HĐCD NNH (năm 2009) theo truyền thống “trọng tình”, “nhân văn” của văn hóa Việt. GS bình luận gì về vấn đề này?
GS.TS Nguyễn Văn Lợi: Cách giải thích này đã gây nên sự bức xúc đến bất bình của công luận; nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ và phủ nhận công tác xét phong chức danh GS không chỉ của ngành Ngôn ngữ học, mà của các ngành KH khác (nhất là sau lùm xùm của đợt xét phong GS năm 2017). Trước bức xúc của dư luận, HĐCDNNH lần này mang hồ sơ của ông Tồn năm 2009 ra xét “án tại hồ sơ” và khẳng định hồ sơ sạch sẽ, “không đạo văn”. Khẳng định điều này, HĐ cũng muốn nói với công luận rằng, họ làm việc nghiêm túc, trong sáng, minh bạch, công tâm, không hề vì “trọng tình”, “nhân văn” như ông Chủ tịch HĐ (năm 2009 và hiện nay) đã nói trước đây, khiến công luận càng bức xúc, bất bình.
Ở đây, cần phải khẳng định rằng, đạo văn là sự vi phạm đạo đức khoa học, là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo, vi phạm tiêu chuẩn trung thực của người được xét phong GS, và người được xét phải được xem xét trong cả quá trình để đảm bảo luôn luôn có đạo đức khoa học, tức trung thực, không dính đến đạo văn. Đối với trường hợp ông Nguyễn Đức Tồn người đạo văn một cách hệ thống, lẽ ra HĐCDNNH năm 2009 cần phải bác bỏ, dù trong hồ sơ xin xét phong năm 2009, dấu vết đạo văn đã được tẩy xóa. Do được bênh vực, dung dưỡng, nên năm 2016, ông Nguyễn Đức Tồn mới lấn tới, đem công trình có nội dung đạo văn tham gia xét tặng giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh, xúc phạm đến uy tín của giải thưởng cao quý nhất Việt Nam này.
Điều nực cười là, trong hồ sơ xin giải thưởng Hồ Chí Minh, đương sự lại ngang nhiên đạo văn công trình của chính GS.TSKH Trần Ngọc Thêm!
Nhân bàn về sự trong sạch của lá phiếu ủng hộ ông Tồn của các thành viên HĐ, xin dừng lại ở một chuyện. Gần đây, trên mạng lan truyền một tin nhắn từ số điện thoại của ông Tồn gửi cho một thành viên HĐ muốn xin số tài khoản để biếu tiền vị thành viên của HĐ này, gọi là “làm quà cho các cháu” nhân Giáng sinh sắp đến. Có người nghĩ rằng người được ông Tồn nhắn tin là thành viên HĐCD Ngành NNH năm 2009. Nhưng thực ra, cuộc “trao đổi” qua tin nhắn này xảy ra năm 2016, người được xin số tài khoản để ông Tồn “gửi quà cho các cháu” là thành viên (phản biện) của HĐ xét giải thưởng Hồ Chí Minh, mà GS Nguyễn Đức Tồn là ứng viên duy nhất.
PV: - Như vậy đã sáng rõ vấn đề rằng, vụ việc ông Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn nhiều công trình khoa học của người khác, thực chất là sự lên tiếng của những người muốn góp phần làm trong sạch nền giáo dục, lấy lại niềm tin cho những nhà khoa học chân chính. Còn việc bản thân ông Tồn đã nhiều năm liên tục khiếu kiện lãnh đạo thực sự chỉ là “chiêu trò”! Xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Lợi đã công khai, thẳng thắn tham gia ý kiến về vụ việc này! Hy vọng rằng Bộ GD-ĐT và HĐ CDGS Nhà nước sẽ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xem xét xử lý nghiêm minh vụ việc đạo văn này, sớm trả lại sự trong sáng và tinh thần yêu khoa học cho những người làm khoa học trong ngành Ngôn ngữ học nói riêng, vì một nền khoa học chân chính, lành mạnh của Việt Nam nói chung!
Nguyễn Minh Anh