Vì sao câu chuyện “đạo văn” của ông Nguyễn Đức Tồn vẫn chưa kết thúc?
PNTĐ-Vì sao vậy? Vì đang chờ các cơ quan chức năng kết luận!
Ông Tồn và cuốn sách đạo văn |
Trong phiên họp của Hội đồng chức danh Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học (HĐ CDGSNNH) để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội đồng CSGS Nhà nước, làm rõ việc ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn ngày 13/6 đã không làm được gì, đành đề nghị chuyển hồ sơ của ông Nguyễn Đức Tồn, vì tính chất phức tạp của nó, lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Trở lại vụ việc này, người đọc không thể không băn khoăn suy nghĩ: Vì sao lại có chuyện “lọt lưới” một ứng viên Giáo sư, một người mang tiếng là nhà khoa học, mà phẩm hạnh kém cỏi như ông Nguyễn Đức Tồn ?
Có ba sự kiện sau đây cần lưu ý khi xem xét vụ việc này:
1. Năm 2009, khi đăng ký xét phong chức danh Giáo sư, ông Tồn để “an toàn” đã chọn hai cuốn sách mới (không dính dáng đến hai cuốn bị tố “đạo văn” và đã khiến ông Tồn "nốc ao" - bị HĐ loại từ vòng Cơ sở) đó là:
- Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy-học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2003)
- Từ đồng nghĩa tiếng Việt (Nxb Khoa học Xã hội, 2006)
Ông Tồn cũng cẩn thận chọn đăng ký ở Hội đồng chức danh của Khoa Ngôn ngữ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) thay vì là ở nơi ông công tác – Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tức là nơi ông Tồn đã từng bị “nốc ao” nhiều lần trước đó.
2. Năm 2008, nghĩa là trước khi ông Tồn được phong Giáo sư, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã bổ nhiệm ông Tồn vào cương vị Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Khi đó cũng có ý kiến phản ánh về tư cách đạo đức của ông Tồn liên quan đến chuyện “đạo văn”, nhưng một "quan chức" lúc đó là PGS.TS Trần Đức Cường - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã cho rằng không có chuyện ông Tồn “đạo văn” (?). Vì vậy ông Tồn đã được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học!
3. Khi Hội đồng CDGSNNNH họp năm 2009, việc ông Tồn đã được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên trong Hội đồng, vì một cách vô tình nó “minh oan” cái tội “đạo văn” cho ông Tồn: người ta không thể bổ nhiệm một người có hành vi phi đạo đức như vậy vào vị trí đứng đầu một viện nghiên cứu khoa học!!! Thêm nữa trong phiên họp của Hội đồng, GS Nguyễn Thiện Giáp, người cao tuổi nhất Hội đồng lúc ấy, đã có ý kiến rằng vụ án đã qua nhiều năm không lẽ bắt đương sự chịu án cả đời – ý kiến đó cũng tác động đến lòng trắc ẩn của các thành viên Hội đồng.
4. Đến bây giờ sau 10 năm nhìn lại, chúng ta có thể rút ra 2 bài học sau đây:
- Nếu như ông Tồn không được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, thì mọi chuyện đã khác. Các quý vị lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong 10 năm qua có một lúc nào đó chăng, quý vị thử ngẫm nghĩ lại xem mình đã đúng hay sai khi bổ nhiệm ông Tồn?
- Cũng tương tự như vậy, các quý vị thành viên Hội đồng CDGSNNH trong 10 năm qua có một lúc nào đó chăng, quý vị thử ngẫm nghĩ lại xem mình đã đúng hay sai khi đã rất “nhân văn” thông qua trường hợp phong chức danh GS cho ông Tồn? Mà bỏ phiếu "nhân văn ủng hộ" ông Tồn là các vị đã bất chấp lẽ phải, bất chấp việc nhiều người đã/ đang bị ông Tồn cướp đoạt trắng trợn các công trình khoa học, thế mà các vị GS đáng kính đầu ngành lại không hề nghĩ cho các nạn nhân này một chút!
Bản thân tôi không tin rằng quý vị chưa bao giờ nghĩ lại? Bởi vì chắc chắn lương tâm trong chúng ta không thể băng giá trước cái xấu, cái sai!
Kết thúc bài viết nhỏ bé này, mong quý bạn đọc cũng sẽ tự mình suy ngẫm sự việc để có được cho mình câu trả lời khách quan và đúng đắn nhất. Bởi sự thật bao giờ cũng chỉ có một, và duy nhất mà thôi!
Hà Nội, tháng 8 năm 2018
Lý Thiên