Thêm phát hiện rúng động: Ông Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục đạo văn của học trò khác

Chia sẻ

PNTĐ-Không giống như phi vụ chép nguyên bản công trình của bà Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh trước kia, lần này, ông Tồn đã có sự… cách tân “đạo văn” theo một dạng thức tinh vi hơn...

 
Từ tiết lộ “gây sốc” của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm...
 
Trên báo điện tử vietnamnet.vn và danviet.vn, khi được phỏng vấn về vụ việc đạo văn “thế kỷ” của ông Nguyễn Đức Tồn, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch HĐCDGS ngành Ngôn ngữ học cáo buộc GS.TS Nguyễn Đức Tồn đã đạo phần viết về khái niệm văn hóa của ông trong cuốn sách "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" (NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA, 2010) và đem công trình có nội dung đạo văn gửi dự giải thưởng khoa học cao quý Hồ Chí Minh.
 
GS Thêm cho rằng việc đạo văn của ông Tồn là trắng trợn và tinh vi. Gọi là “trắng trợn” vì trong 3 trang 32-34 sách của mình, ông Tồn đã chép (có rút gọn một chút) quan niệm về bốn đặc trưng của văn hóa từ sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” của GS Thêm và trình bày như những sáng tạo của mình.
 
“Còn nói tinh vi là vì, tuy bốn đặc trưng của văn hóa ông không dẫn nguồn, nhưng trong khi trình bày đặc trưng thứ nhất là tính hệ thống ông lại dẫn chúng tôi với tư cách là tác giả của cấu trúc “văn hóa nhận thức - văn hóa tổ chức - văn hóa ứng xử” với các tiểu hệ và vi hệ của nó (tr. 32-33 sách “Đặc trưng văn hóa - dân tộc...”). Cách trình bày này gây nên ấn tượng về sự mập mờ, thiếu minh bạch” – GS Thêm cho biết.
 
GS Trần Ngọc Thêm cũng cung cấp thêm thông tin, ông Tồn còn “đạo” cả định nghĩa văn hóa của Tổng giám đốc UNESCO. Ông khẳng định chiêu thức đạo văn của ông Tồn trong lí luận về đạo văn gọi là “tội ác hoàn hảo” (The perfect crime).
 
Đạo văn theo dạng “tội ác hoàn hảo”
 
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã giải thích trên vietnamnet.vn "tội ác hoàn hảo" là cách trích dẫn "nửa vời", dẫn nguồn ở chỗ nhỏ nhưng đạo văn trong phạm vi lớn nhằmđể đánh lừa người đọc.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi xin nói kĩ thêm.Theo định nghĩa của Đại học Nebraska Lincoln (Mỹ), “tội ác hoàn hảo” được hiểu là đạo văn ở mức độ tinh vi cực cấp, khi người viết chỉ chú nguồn ở dăm ba chỗ lấy lệ, nhưng vẫn tiếp tục biến báo rồi lấy lại các luận điểm hoặc các đoạn văn khác từ chính nguồn trích đó và phớt lờ chuyện chú nguồn ở các phần sau.
 
Như vậy, việc chú nguồn chỉ có hiệu lực trong một đoạn văn đang xét, chứ không được phép dàn trải qua nhiều đoạn văn, luận điểm, thậm chí cả chương sách của người khác… Mặt khác, quy định về đạo văn theo dạng “tội ác hoàn hảo” cũng chỉ rõ, bất cứ một đoạn trích nào từ tác phẩm của người khác cũng phải đi kèm với những lí lẽ hay biện luận của người viết, chứ không chỉ đơn thuần nêu lại các luận điểm từ nguồn trích dẫn. 
 
Trường Đại học Arizona (Mỹ)cũng nêu rõ việc sử dụng lời văn của người khác, nhưng biến báo một đôi chỗ, hoặc tổ chức lại nó cũng được coi là hành vi đạo văn có chủ đích ngay cả khi được chú nguồn.
 
Những quy định quốc tế về đạo văn thực chất cũng phù hợp với các quy định củaViệt Nam về đạo văn và quyền tác giả.Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, các quy định của ĐHQG HN và ĐHQG TPHCM về vấn đề đạo văn đều nhấn mạnh việc trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình và không gây phương hại tới quyền tác giả. 
 
... Đến hàng loạt các bằng chứng đạo văn “tội ác hoàn hảo” mới
 
Những manh mối từ lời tiết lộ gây sốc của GS Thêm đã thôi thúc nhóm phóng viên tiếp cận với cuốn sách "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" (NXB Từ điển Bách khoa, 2010), tức là 1 năm sau khi ông Tồn được công nhận đạt chuẩn chức danh GS. Xin lưu ý đây là cuốn sách khác với cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt trong sự so sánh với những dân tộc khác” (NXB ĐHQG, 2002), vốn đã bị báo chí phanh phui về việc “đạo văn” trắng trợn từ các công trình của các tác giả Nguyễn Thuý Khanh, Cao Thị Thu, Huỳnh Thanh Trà... trong suốt thời gian vừa qua.
 
Thêm phát hiện rúng động: Ông Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục đạo văn của học trò khác - ảnh 1

Thêm phát hiện rúng động: Ông Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục đạo văn của học trò khác - ảnh 2

Thêm phát hiện rúng động: Ông Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục đạo văn của học trò khác - ảnh 3

 
Ngoài những bằng chứng về đạo văn được GS Thêm chỉ ra, điều dễ nhận thấy là cuốn sách này vẫn đậm đặc những kết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thuý Khanh, Cao Thị Thu, Huỳnh Thanh Trà... Chúng tôi sẽ trở lại sự việc này sau. Trong bài này, chúng tôi tập trung chỉ ra những bằng chứng về việc ông Tồn tiếp tục đạo văn từ khoá luận tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Thị Thuỳ.
 
Lật giở lại cuốn khóa luận của bà Nguyễn Thị Thùy có nhan đề “Ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ tiếng Việt”, bảo vệ tháng 5/2008 do ông Tồn hướng dẫn, chúng tôi thêm một lần nữa sửng sốt khi thấy phần lớn Chương 3 của khóa luận này nằm trọn trong cuốn sách "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy"của ông Tồn. 
 
Không giống như phi vụ chép nguyên bản công trình của bà Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh trước kia, lần này, ông Tồn đã có sự… cách tân “đạo văn” theo một dạng thức tinh vi hơn, mà chúng tôi đã đề cập trên đây: Tội ác hoàn hảo. 
 
Mục 4 (trang 516) trong sách của ông Tồn có nhan đề “Đặc trưng văn hóa dân tộc của tư duy người Việt qua ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ”. Ông trình bày về các nguồn và đích quy chiếu của các ẩn dụ cấu trúc trong thành ngữ tiếng Việt và chỉ ra ẩn dụ cấu trúc của thành ngữ tiếng Việt được xây dựng từ 3 sự liên tưởng: các bộ phận cơ thể của con người; các hoạt động của con người hay các sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống; các hiện tuợng tự nhiên, động vật, thực vật. 
 
Đây cũng chính là toàn bộ kết quả nghiên cứu mà bà Thùy đã trình bày trong khóa luận. Điều đáng nói là ông Tồn không chỉ lấy lại các số liệu thống kê, ông còn tranh thủ bê nguyên nhiều đoạn văn của bà Thùy sau khi đã tút tát đi dăm ba chỗ.
 
Chẳng hạn, trong khóa luận, bà Thùy viết: “Đáng chú ýlà có hiện tượng ẩn dụ cấu trúc liên quan đến nhiệt độ với các thang độ khác nhau: nóng, mát, lạnh/rét, sôi, lửa và chúng gây cảm giác khác nhau cho con người. Mát thường cho ta cảm giác dễ chịu; nóng, lạnh/rét thường gây cảm giác khó chịu.Vì vậy, trong các thành ngữ ẩn dụ cấu trúc biểu trưng cho tình cảm, chúng tôi nhận thấy theo tri nhận của người Việt, nhiệt độ nóng biểu trưng cho trạng thái tức giận, nhiệt độ mát biểu trưng cho trạng thái vui vẻ, nhiệt độ lạnh/rét biểu trưng cho trạng thái đau buồn hay sợ hãi.Ví dụ:“mát lòng mát dạ”,“đứt ruột cháy gan”, “lạnh xương sống”, “sôi gan nổi mật”, “thét ra lửa” (tr.37).
 
Đến lượt mình, ông Tồn sửa thành: “Đáng chú ý ở đây là hiện tượng ẩn dụ cấu trúc liên quan đến nhiệt độ. Mát thường cho người ta cảm giác dễ chịu; nóng, lạnh/rét thường gây cảm giác khó chịu.Vì vậy, theo tri nhận của người Việt, nhiệt độ nóng biểu trưng cho trạng thái tức giận, nhiệt độ mát biểu trưng cho trạng thái vui vẻ, nhiệt độ lạnh/rét biểu trưng cho trạng thái đau buồn hay sợ hãi. Ví dụ:“mát lòng mát dạ”,“đứt ruột cháy gan”, “lạnh xương sống”, “sôi gan nổi mật”, “thét ra lửa”,v.v… (tr.520)
 
Có thể thấy, hai đoạn văn trên thực chất là… “anh em song sinh”. Đoạn văn dưới trong sách của ông Tồn được tỉa tót lại cho gọn hơn bằng cách lược bỏ một số thành phần phụ hoặc giải thích vô thưởng vô phạt và thêm một vài từ cũng… vô thưởng vô phạt nốt như “ở đây”…  
Ở trang 43, bà Thùy viết: “Chẳng hạn: Hình tượng con rồng hết sức linh thiêng với đời sống tâm linh của người dân đất Việt trong suốt lịch sử dân tộc. Rồng được coi là biểu tượng của các bậc vua chúa, được tôn thờ ở những nơi trang nghiêm như đền đài, lăng tẩm. Người Việt còn xem con rồng là biểu tượng của dòng giống cao quý: “con rồng cháu tiên” và “con Lạc cháu Hồng”.
 
Trong sách của mình, tại trang 522, ông Tồn sửa “người dân đất Việt” thành “người Việt”, bỏ đoạn “trong suốt lịch sử dân tộc”, bỏ từ “còn”, thay từ “của” bằng “về”. Với chiêu thức này, nhoắng một cái, ông đã “úm ba la” công sức của học trò thành sản phẩm của mình.
 
Trên đây chỉ là 2 trong số vô vàn các ví dụ trong khóa luận của bà Thùy đã bị đạo không thương tiếc.Cách làm này chính là một biểu hiện của “Tội ác hoàn hảo” mà GS Thêm đã tố cáo ở trên. Cũng với chính chiêu trò này, ông Tồn đã “thuổng” 3 chương sách của ông Bùi Minh Toán và Đỗ Hữu Châu (đã bị báo PNTĐ phác giác trong kì 12)và nhiều công trình khoa học của các tác giả khác bằng cách tô son trát phấn lòe loẹt cho lớp ngôn từ ở tác phẩm gốc.
 
Quay trở lại với vụ đạo khóa luận tốt nghiệp này, cần nhấn mạnh là ông Tồn có dẫn nguồn khóa luận của bà Thùy. Nhưng cái sự “dẫn nguồn” của ông chỉ là qua loa, lấy lệ hòng đánh lừa và che mắt độc giả. Ông dẫn nguồn “ở chỗ nhỏ nhưng đạo văn trong phạm vi lớn” như GS Thêm đã chỉ ra. Cụ thể, ông đã trích dẫn công trình của bà Thùy với những từ ngữ kiểu “theo thống kế của Nguyễn Thị Thùy”, “theo cứ liệu khảo sát trong [131, 32], qua thống kê [131, 32], theo Nguyễn Thị Thùy [131, 50] trong mục 4.2.1, phần a và b của mục 4.2.2 (từ trang 419 đến 424).Cách trích dẫn này khiến người đọc hiểu rằng ông chỉ trích dẫn số liệu thống kê của bà Thùy.Trên thực tế, với một vài thao tác biên tập, ông bứng luôn cả phần phân tích các ngữ liệu và luận điểm của bà Thùy trong các mục này vào công trình của mình.
 
Cũng cần phải nói thêm là phần c) trong mục 4.2.2 và toàn bộ mục 4.2.3 (từ trang 524 đến 529, tức 5 trang liền) cũng là “hàng nhái” từ phần c) và phần 3.1.3 (từ trang 46 đến 54, tức 9 trang liền) trong khóa luận của bà Thùy. Tuy nhiên, ở những chỗ quan trọng như vậy ông Tồn hoàn toàn không hề chú nguồn trích dẫn từ bà Thùy nữa. Phải chăng do ông đãng trí hay do ông thấy đã trích dẫn quá nhàm chán rồi?
 
Mặt khác, khi đưa gần như toàn bộ chương 3 trong khóa luận của bà Thùy vào sách của mình, ngoài việc thêm bớt một vài từ ngữ, câu cú, ông Tồn không hề đưa ra bất cứ bình luận, nhận định nào của mình, hay lí do mà ông trích dẫn… toàn bộ một chương khóa luận của học trò.
 
Điều này có nghĩa là ông Tồn không hề có phần đóng góp của mình khi trích dẫn tác phẩm của người khác.Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả và là một biểu hiện rõ rệt của “tội ác hoàn hảo” trong các quy định về đạo văn đã nêu trên. Đó là chưa kể đến việc ông Tồn còn sử dụng chính phần này để tạo thành 1 bài đăng trong kỉ yếu hội thảo Việt Nam học và 1 bài trên tạp chí Ngôn ngữ (2 kì).
 
Mang công trình đạo văn xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh!?
 
Như vậy, công trình "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" (2010)của GS.TS Nguyễn Đức Tồn có dấu hiệu đạo văn rõ ràng theo dạng “tội ác hoàn hảo”. Trớ trêu là, Đại học Nebraska Lincoln nhận định rằng hành vi đạo văn “tội ác hoàn hảo” chỉ xuất hiện trên lí thuyết và trong những lời cảnh báo, chứ từng được ghi nhận trong thực tế giới học thuật!
 
Điều này cho thấy những công trình đạo văn của ông Tồn mà báo giới chỉ ra trong suốt thời gian qua thực là “vô tiền khoáng hậu”! Và ông Tồn có lẽ là nhà vô địch không phải bàn cãi và đã thiết lập thêm nhiều kỉ lục đáng buồn về… đạo văn. Ấy thế mà, ông còn tự tin và ngang ngược đến mức độ nộp hồ sơ công trình "Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy" ứng cử “Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Hành vi này rõ ràng đã xúc phạm đến giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, nó cho thấy ông Tồn đang coi thường công luận, đồng nghiệp và cả học trò, và ông đã thể hiện một độ trơ khó tin khi mà mọi hành vi đạo văn từ nhỏ đến lớn của ông đều được “nhắm mắt làm ngơ” một cách khó hiểu. 
 
 
 
Nguyễn Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

Đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển

(PNTĐ) - Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel bày tỏ mong muốn có thêm doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với Cuba về nông nghiệp và chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghiệp ô tô, sinh học-dược phẩm và các dịch vụ y tế để phát huy hiệu quả thế mạnh của mỗi nước, đưa quan hệ Việt Nam-Cuba sang giai đoạn mới đồng hành cùng phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cả nước chung tay để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025

(PNTĐ) - Sáng 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025. Sự kiện được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự Lễ phát động tại điểm cầu UBND TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn.