Đầu tư giải pháp ứng phó mưa lũ

Chia sẻ

PNTĐ-Đợt mưa lũ kéo dài từ nửa cuối tháng 7 vừa qua đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân tại các vùng trũng, vùng phân lũ ngoại thành Hà Nội.

 
Đợt mưa lũ kéo dài từ nửa cuối tháng 7 vừa qua đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân tại các vùng trũng, vùng phân lũ ngoại thành Hà Nội như huyện Chương Mỹ, Quốc Oai...  So với đợt lũ lớn năm 2017, mưa lũ năm nay nghiêm trọng và để lại những thiệt hại lớn hơn nhiều. 
 
Khẩn trương khắc phục hậu quả
 
Trong số các địa phương thường xuyên chịu cảnh ngập lụt, Chương Mỹ là huyện phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do đây là vùng “rốn lũ” của Hà Nội. Trong đợt mưa vừa rồi, mực nước đỉnh điểm đo được tại huyện Chương Mỹ là 7,51m vào ngày 30/7. Đây là mực nước cao lịch sử trong hàng trăm năm nay, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác rộng lớn ở vùng Hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng Tả Bùi - Hữu Đáy. Đến sáng 6/8, theo văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, mực nước trên sông Bùi đã rút chậm, chỉ còn 6,21m; giảm 1,3m so với đỉnh lũ và ở mức dưới báo động II. Nước đã bắt đầu rút nên còn 700 hộ dân bị úng ngập, giảm 2.983 hộ so với ngày cao điểm ngập úng.
 
Tại xã Nam Phương Tiến - nơi ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng, đến sáng 6/8 còn 190 hộ bị úng ngập và 205 hộ vẫn phải đi sơ tán chưa thể về. Nếu thời tiết thuận lợi, trời không mưa trong 3 ngày liên tiếp thì theo dự báo, đến 8/8 xã Nam Phương Tiến sẽ không còn bị ngập lụt cô lập, người dân đi sơ tán sẽ trở về nhà.
 
Cùng với Chương Mỹ, huyện Quốc Oai cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ đợt mưa lũ. Hơn 600 hộ dân ở vùng trũng bị ngập và cô lập; hơn 1.300 ha lúa và rau màu bị ngập trắng, không có khả năng phục hồi; một số tuyến đường trong khu dân cư bị sạt lở, trong đó, con đường tỉnh lộ 421B đoạn chạy qua địa bàn xã Cấn Hữu và Đông Yên đã ngập khoảng 60cm, các phương tiện bị cấm lưu thông, người dân phải đi lại bằng cano. Sau hơn 10 ngày ngập nặng, đến 5/8, nước rút, giao thông trên tuyến mới trở lại bình thường.
 
Theo ông Phạm Quang Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện mực nước sông Tích đang xuống nhưng huyện Quốc Oai vẫn yêu cầu toàn bộ lực lượng canh đê của các xã ven sông Tích, sông Đáy trực 24/24 giờ để kiểm tra, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời huy động hơn 5.000 người tập trung vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng; dọn dẹp trường lớp bị ngập nước để chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. Tính đến sáng 6/8 chỉ còn 10 hộ dân ở xã Cấn Hữu bị ngập.
 
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Chương Mỹ cũng đang tích cực, khẩn trương do diện tích bị ngập nặng lớn. Toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm tiêu được huy động để khơi thông dòng chảy; nhân dân cùng các hội đoàn thể và công ty môi trường đô thị Xuân Mai tập trung thu gom xử lý rác thải, phun thuốc khử trùng, hỗ trợ nhân dân lau dọn nhà cửa… ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
 
Đối với các khu vực nước chưa rút, địa phương bố trí thuyền chuyển rác đến vị trí tập kết để công ty môi trường thu gom xử lý ngay trong ngày. Từ ngày 16 - 20/8 tới, sau khi nước rút hết, ngành y tế Hà Nội sẽ cử y bác sĩ của 3 bệnh viện về khám bệnh, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho 8.500 người dân tại 7 thôn úng ngập nặng của 3 xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến và Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ); kết hợp với việc tổng vệ sinh môi trường chung, phun hóa chất khử khuẩn môi trường, thau rửa các giếng nước để đảm bảo người dân có nước sạch sử dụng... 
 
Quan tâm, hỗ trợ người dân vùng lũ kịp thời
 
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 4/8, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục lũ lụt và làm việc với UBND huyện Chương Mỹ. Biểu dương tinh thần chủ động ứng phó với mưa lũ của chính quyền và người dân Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị chính quyền hỗ trợ đảm bảo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng; tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng ngập úng… Các sở ngành liên quan phải phối hợp chặt với huyện để chuẩn bị chương trình phục hồi sản xuất sau mưa lũ. 
 
Đầu tư giải pháp ứng phó mưa lũ - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi, động viên người dân vùng bị ngập tại huyện Chương Mỹ

 
Theo dự báo khí tượng thủy văn, 15 ngày đầu tháng 8 trên địa bàn TP vẫn sẽ tiếp tục có mưa ở mức mưa vừa và mưa to, có thể mưa 100mm. Trong khi đó, mức nước ở vùng ngập úng hiện rút chậm, chỉ khoảng 10-15 cm/ngày nên tình hình ngập lụt sẽ còn kéo dài. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị, các cấp, các ngành, trước hết là các lực lượng trực tiếp, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan; phải rà soát lại toàn bộ công tác ứng phó, đặc biệt bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản, chăm lo đời sống cho người dân, không để đứt bữa cũng như không để xảy ra thêm trường hợp nào bị đuối nước. “Các đồng chí phải xuống tận nơi, tuyên truyền, nhắc nhở để bà con không chủ quan, mất cảnh giác”, Bí thư Thành ủy nói.
 
Về những giải pháp lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết: Sau trận lụt lịch sử năm 2008, TP đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực tiêu thoát nước của Thủ đô và sắp tới TP  tiếp tục đầu tư giai đoạn 3 để đáp ứng việc ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan đang diễn ra. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp căn cơ để phòng, chống mưa lũ như: kè cứng đê, tổ chức lại sản xuất, có phương án tiêu lũ tốt hơn… 
 
Trước đó, ngày 30/7 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã có buổi kiểm tra tình hình khắc phục úng ngập trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Bên cạnh những việc làm cấp thiết cần làm ngay để chống lũ, để đảm bảo đời sống người dân lâu dài, Chủ tịch UBND TP cho biết, ngay sau đợt lũ này, TP sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho TP kè tuyến đê tả Bùi bằng bê tông dự ứng lực như cách các nước trên thế giới đã làm. Với chiều sâu 10m và cao trình trên 8m phục vụ chống lũ mang tính bền vững. Ngoài ra, TP sẽ tập trung nạo hút lòng sông để khơi thông dòng chảy hơn nữa.
 
Hạnh Lê 

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.