Hãy mở lại phong trào “2 không”

Chia sẻ

PNTD-“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích” là tên phong trào do ngành GD-ĐT phát động cách đây hơn 10 năm… Tiếc rằng, đến nay, phong trào “2 không” đã bị rơi vào quên lãng.

“Tiêu cực trong thi cử” là thí sinh thực hiện những hành vi gian lận khi thi cử, giám thị coi thi dung túng sai phạm của thí sinh, chấm thi không nghiêm túc dẫn tới đánh giá chất lượng bài thi sai lệch… Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” có thể hiểu là hiện tượng điểm giỏi ảo, danh hiệu thi đua ảo trong nhà trường, không phản ánh đúng khả năng và trình độ của học sinh. 
 
Phát động phong trào “2 không”, theo tôi là rất cần thiết. Bởi, nếu tiêu cực trong giáo dục còn tồn tại thì học sinh sẽ mất động lực học; thầy cô mất động lực để dạy. Tệ hại hơn, trong tương lai, khi các học sinh, sinh viên ra đời với kiến thức ảo thì xã hội sẽ phải gánh hậu quả. Nhờ có phong trào “2 không” mà đã có lúc, bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục giảm hẳn. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thời điểm đó không còn trên 90% mà ở một số tỉnh thành giảm chỉ còn 60-70%. Thành tích tuy thấp nhưng vẫn được dư luận hoan nghênh vì đánh giá đúng thực chất trình độ học sinh.
 
Những ngày này, khi thông tin về sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số tỉnh thành liên tiếp xuất hiện, tôi lại nhớ về phong trào “2 không” trước đây. Tôi cho rằng, đã đến lúc, chúng ta cần phát động trở lại phong trào “hai không”. Tuy nhiên, phong trào này không nên chỉ diễn ra trong trường học mà trước tiên phải ở trong từng gia đình. Ở đó, các cha mẹ sẽ bằng lòng với năng lực học thật của con, không dùng chiêu trò để thay con làm đẹp học bạ, chạy chọt để con vào được trường tốt. Cha mẹ sẽ luôn dạy con bài học đầu tiên về trung thực. Phong trào này cũng cần được quán triệt tới cả các nhà quản lí, thay đổi việc đánh giá xếp loại học sinh để giáo viên không cần chạy theo thành tích, HS không còn phải chạy đua điểm số. 
 
Nếu làm được như vậy, tôi tin, sẽ không còn những hiện tượng buồn “Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình” như trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 nữa.
 
 
Sỹ Lê
 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.