Kỳ 14: Phải xử lý nghiêm vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn

Chia sẻ

PNTĐ-Rất nhiều nhà khoa học chân chính đang chờ đợi sự xử lý nghiêm minh vụ đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn làm bài học cảnh tỉnh về đạo đức khoa học!

 
Trong khi chờ Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Viện Hàn lâm KHXHVN xử lý vụ việc GS-TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn, thì thật bất ngờ đã có rất nhiều bạn đọc liên tục cung cấp cho Báo PNTĐ những bằng chứng mới phát hiện việc ông Tồn tiếp tục đạo văn! Điều này khẳng định rằng: Rất nhiều nhà khoa học chân chính đang chờ đợi sự xử lý nghiêm minh vụ đạo văn của ông Tồn làm bài học cảnh tỉnh về đạo đức khoa học!
 
Sau khi được phong GS, ông Nguyễn Đức Tồn vẫn tiếp tục đạo văn của học trò!
 
Trong cuốn sách “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy”, của ông Nguyễn Đức Tồn - NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tức là 1 năm sau khi ông Tồn được công nhận đạt chuẩn chức danh GS (cuốn sách này đương nhiên vẫn đậm đặc những kết quả nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thuý Khanh, Cao Thị Thu, Huỳnh Thanh Trà...), chúng tôi phát hiện những bằng chứng về việc ông Tồn ngang nhiên có một vụ đạo văn mới: Đạo văn khoá luận tốt nghiệp đại học của sinh viên Nguyễn Thị Thuỳ! 
 
Khóa luận của Nguyễn Thị Thùy có nhan đề “Ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ tiếng Việt”, bảo vệ tháng 5/2008 do ông Tồn hướng dẫn, chúng tôi thêm một lần nữa sửng sốt khi thấy phần lớn Chương 3 của khóa luận này nằm trọn trong cuốn sách “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” của ông Tồn. Không giống như phi vụ chép nguyên bản công trình của bà Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh trước kia, lần này, ông Tồn đã có sự… cách tân “đạo văn” theo một dạng thức tinh vi hơn.
 
Kỳ 14: Phải xử lý nghiêm vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn - ảnh 1

 
Kỳ 14: Phải xử lý nghiêm vụ ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn - ảnh 2
Khóa luận tốt nghiệp ĐH của Nguyễn Thị Thùy bị ông Tồn đạo văn trắng trợn

 
Mục 4 trong sách của ông Tồn có nhan đề “Đặc trưng văn hóa dân tộc của tư duy người Việt qua ẩn dụ tri nhận trong thành ngữ”, ông trình bày về các nguồn và đích quy chiếu của các ẩn dụ cấu trúc trong thành ngữ tiếng Việt và chỉ ra ẩn dụ cấu trúc của thành ngữ tiếng Việt được xây dựng từ 3 sự liên tưởng: các bộ phận cơ thể của con người; các hoạt động của con người hay các sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống; các hiện tượng tự nhiên, động vật, thực vật. Đây cũng chính là toàn bộ kết quả nghiên cứu mà bà Thùy đã trình bày trong khóa luận. Điều đáng nói là ông Tồn không chỉ lấy lại các số liệu thống kê, ông còn tranh thủ bê nguyên nhiều đoạn văn của bà Thùy sau khi đã tút tát đi dăm ba chỗ. Chẳng hạn, trong khóa luận, bà Thùy viết:
 
“Chẳng hạn: Hình tượng con rồng hết sức linh thiêng với đời sống tâm linh của người dân đất Việt trong suốt lịch sử dân tộc. Rồng được coi là biểu tượng của các bậc vua chúa, được tôn thờ ở những nơi trang nghiêm như đền đài, lăng tẩm. Người Việt còn xem con rồng là biểu tượng của dòng giống cao quý: “con rồng cháu tiên” và “con Lạc cháu Hồng”. Trong sách của mình, tại trang 522, ông Tồn sửa “người dân đất Việt” thành “người Việt””, bỏ đoạn “trong suốt lịch sử dân tộc”, bỏ từ “còn”, thay từ “của” bằng “về”. Với chiêu thức này, nhoắng một cái, ông đã “úm ba la” công sức của học trò thành sản phẩm của mình. Cũng với chính chiêu trò này, ông Tồn đã “thuổng” 3 chương sách của ông Bùi Minh Toán và Đỗ Hữu Châu (đã bị báo PNTĐ phát giác trong kì trước) và nhiều công trình khoa học của các tác giả khác.
 
Mặt khác, khi đưa gần như toàn bộ chương 3 trong khóa luận của bà Thùy vào sách của mình, ngoài việc thêm bớt một vài từ ngữ, câu cú, ông Tồn không hề đưa ra bất cứ bình luận, nhận định nào của mình, hay lí do mà ông trích dẫn. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng quyền tác giả. Thế mà ông Tồn còn sử dụng chính phần này để tạo thành 1 bài đăng trong kỉ yếu Hội thảo Việt Nam học và 1 bài dài 2 kỳ trên tạp chí Ngôn ngữ. Quả là ông Tồn đang coi thường công luận, đồng nghiệp và cả học trò, không lẽ mọi hành vi đạo văn ngang nhiên của ông Tồn lại đang được các cơ quan chức năng “nhắm mắt làm ngơ” một cách khó hiểu (?!). 
 
Sự trí trá của một Giáo sư - Tiến sĩ
 
Năm 2002 và 2006, hồ sơ phong Giáo sư của ông Nguyễn Đức Tồn hai lần bị loại vì cùng một lí do chính: Hội đồng cơ sở và Hội đồng ngành đã phát giác trong hồ sơ ông nộp, cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt: Trong sự so sánh với những dân tộc khác” (NXB Đại học Quốc gia, 2002) đã đạo văn không thương tiếc từ công trình của ba tác giả nữ: Nguyễn Thuý Khanh, Cao Thị Thu và Huỳnh Thanh Trà.
 
Hai trường hợp đầu của bà Nguyễn Thuý Khanh và Cao Thị Thu được báo chí nêu ra nhiều hơn là bởi ông Tồn đã trắng trợn bê nguyên xi hầu hết các chương trong luận án và luận văn của họ vào sách của mình. Có lẽ, do sự việc đạo văn trong hai trường hợp này quá trắng trợn và liều lĩnh nên công luận và chính bản thân những người trong cuộc cũng tập trung nhiều sự chú ý hơn, và như thế dường như cũng bỏ qua hoặc không nhắc gì nhiều đến trường hợp của bà Huỳnh Thanh Trà.
 
Bà Huỳnh Thanh Trà và ông Nguyễn Đức Tồn là đồng tác giả của bài viết: “Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ “sự kết thúc cuộc đời” của con người” đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 1994. Như vậy, xét về mặt pháp lý tác quyền, ông Tồn và bà Trà có quyền ngang bằng nhau và đương nhiên không ai trong số họ được xâm phạm tác quyền của người còn lại.
 
Thế nhưng, ông Tồn đã thẳng tay rũ bỏ công sức bà Trà trong cuốn sách in năm 2002 “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt: Trong sự so sánh với những dân tộc khác” (NXB Đại học Quốc gia, 2002) kể trên. Khi đưa toàn bộ bài báo trên vào cuốn sách này, ông không hề nhắc đến Huỳnh Thanh Trà với tư cách là đồng tác giả bài viết một lần nào. Ông chỉ đưa tên bài báo này vào trong phần tài liệu tham khảo giống như vài ba trăm tài liệu tham khảo thông thường khác.
 
Cùng với hai sự việc đạo văn đối với bà Nguyễn Thuý Khanh và Cao Thị Thu ở trên, hồ sơ phong Giáo sư ông Tồn đã bị dính một vết đen rất xấu và đương nhiên bị Hội đồng Giáo sư cơ sở năm 2002 “loại từ vòng gửi xe” và Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học loại bỏ năm 2006. 
 
Năm 2009, ông Tồn nộp hồ sơ xét phong GS lần thứ 3. Ông Tồn đã áp dụng chiêu thức làm sạch hồ sơ, ông rút ra khỏi hồ sơ cuốn sách đầy tai tiếng nói trên, đưa vào hồ sơ hai cuốn sách khác. Một trong số đó là cuốn: “Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy - học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường” (NXB Đại học Quốc gia, 2003). Bài viết chung của ông với bà Trà lại lù lù xuất hiện tại đây, trong khi những công trình đạo văn khác đã được xoá sạch dấu vết. Ở cuốn sách này, ông Tồn chú thích “Phần này được viết có sự cộng tác của Huỳnh Thanh Trà” thì vẫn là không được, vì bà Trà là “đồng tác giả”.
 
Hội đồng chức danh GS các cấp năm 2009 đã vì lý do nào đó mà bao che ông Tồn, hoặc hời hợt và sai lầm khi vội vàng thừa nhận sự sửa chữa đạo văn của ông này. Chúng tôi nói “hời hợt và sai lầm” vì theo QĐ 174 thì tiêu chí đạo đức, trung thực của các ứng viên GS/PGS phải được xét trong cả quá trình, trong tổng thể các công trình đã công bố chứ không phải chỉ xét trong số các công trình được khai trong hồ sơ. Sự hời hợt này theo GS Trần Ngọc Thêm giải thích gần đây là do “trọng tình”, để thanh minh cho việc Hội đồng đi đến quyết định “mang tinh thần nhân văn”: Thông qua hồ sơ phong GS cho ông Tồn năm 2009. Thế nhưng, những kì vọng về một ông Giáo sư Nguyễn Đức Tồn thực sự “cải tà quy chính” cuối cùng đã tan biến như bong bóng xà phòng. Nhiều phát hiện đạo văn liên tục được công bố mới đây khẳng định bản chất đạo văn không thay đổi của ông Tồn.
 
Đó là sau khi được nhận GS vào năm 2009, ông Tồn lại liên tục xào xáo cho ra lò một loạt các sách chuyên khảo. Năm 2010, GS Nguyễn Đức Tồn sửa chữa và bổ sung rồi tái bản lần 1 cuốn “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy” (tên có khác đôi chút so với cuốn bị tố đạo văn trước đó, là “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt: Trong sự so sánh với những dân tộc khác”. Năm 2015, GS Nguyễn Đức Tồn lại tiếp tục tái bản lần 2, có sửa chữa bổ sung cuốn “Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy”. Năm 2016, ông còn liều lĩnh đem cuốn sách xuất bản năm 2010 kể trên đi đăng kí… Giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Xen kẽ vào đó, ông GS Tồn cũng cho ra cuốn “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lí thuyết Ngôn ngữ học hiện đại” để dạy cho bậc Tiến sĩ ở Học viện Khoa học Xã hội. Theo thông tin mà chúng tôi có được, ông Tồn nhiều lần tuyên bố ông là người duy nhất trong ngành Ngôn ngữ học viết được giáo trình cho bậc học Tiến sĩ. Những tưởng ông bổ sung thêm được ý tưởng gì cao siêu, hoá ra ông thuổng thêm khóa luận tốt nghiệp ĐH của bà Nguyễn Thị Thuỳ và nhặt nhạnh lại phần lớn các công trình đã công bố trước đây vào cuốn sách mới này. Trong số đó, bài viết chung của ông Tồn với bà Huỳnh Thanh Trà xuất hiện đầy đủ trong cả ba cuốn sách “hậu Giáo sư” kể trên (xuất bản năm 2010, 2013, 2015). Thật không thể chấp nhận, thứ duy nhất trong bài viết đó mà ông Tồn “sửa chữa, bổ sung” so với cuốn sách mà ông đã nộp cho Hội đồng phong GS là... vứt bỏ tên bà Huỳnh Thanh Trà ra khỏi phần chú nguồn. Thật chua xót và không tài nào hình dung và lý giải nổi về những gì mà ông Tồn đã làm đối với nền khoa học nước nhà. Chẳng lẽ một Giáo sư, một nhà khoa học lại trí trá đến nhường đó hay sao?
 
 
Thật đáng mừng là vụ việc đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn mà Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét xử lý, nay đã có thông tin xử lý bước đầu từ Viện Ngôn ngữ học (nơi đang ký hợp đồng sử dụng ông Tồn - sinh 1/1952, với tư cách Giáo sư hàng năm được xét kéo dài công tác sau khi ông này nghỉ hưu năm 2012). Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, đã thảo luận dân chủ, và bỏ phiếu biểu quyết, kết quả 15/17 phiếu nhất trí không kéo dài thời gian cho ông Tồn (2 phiếu trắng).
 
Viện Ngôn ngữ học đã có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, không kéo dài cho một người liên tục vi phạm đạo đức khoa học, làm ảnh hưởng thanh danh Viện, thanh danh Ngành Ngôn ngữ học. Công luận vẫn chờ đợi Bộ GD-ĐT và HĐCDGS Nhà nước sớm xem xét xử lý nghiêm minh.
 
 
Nguyễn Minh Anh

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.