Tình trạng ngập úng cơ bản được giải quyết, khẩn trương khắc phục hậu quả

Chia sẻ

PNTĐ-Nước rút, thời điểm này, các huyện tiếp tục dồn lực tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, vệ sinh môi trường…

 
Tình trạng ngập úng cơ bản được giải quyết, khẩn trương khắc phục hậu quả - ảnh 1
Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Đỗ Đức Thịnh thông tin tại hội nghị

 
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức ngày 7/8, ông Đỗ Đức Thịnh – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết: nước ở các sông nội địa trên địa bàn Hà Nội như sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ đều đã xuống dưới mức báo động. Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đã rút các lệnh báo động.
 
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, từ nửa cuối tháng 7, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn TP đã có mưa vừa, mưa to. Trung bình lượng mưa toàn TP từ 7h ngày 17/7 đến 7h ngày 6/8 là tương đối lớn, đạt mức 403.9mm. Lượng mưa lớn, diện rộng khiến nước các sông Bùi, Tích, Đáy dâng cao gây tràn một số tuyến đê vùng, gây úng ngập một số khu vực tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
 
Để đối phó với mưa bão, nhất là khắc phục tình trạng úng ngập khu vực ngoại thành, TP đã rất quan tâm và có chỉ đạo sớm, kịp thời.  Các công ty thủy lợi đã vận hành các trạm bơm tiêu; thời điểm cao nhất huy động 298 trạm bơm tiêu với 1096 máy bơm, tổng lượng bơm là 2.811.000m3/h. Hiện nay mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang rút và ở mức dưới báo động 3. Tình hình úng ngập tại một số khu vực ngoài bãi sông ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã cơ bản được giải quyết.
 
Về thiệt hại do mưa lũ gây ra, tính đến hết ngày 5/8, tổng hợp sơ bộ về công tác khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập, toàn bộ diện tích lúa ngập sâu (5167ha) đã được bơm tiêu cứu lúa. Diện tích ngập trắng (4425ha) mất khoảng 40% phải cấy lại hoặc cấy dặm (gần 2000ha). Diện tích hoa màu bị dập nát một phần đang được bà con chăm sóc và phục hồi (270ha). 
 
Tại Chương Mỹ - huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, ước tính tổng thiệt hại khoảng 264,564 tỷ đồng. Hơn 3.600 hộ dân bị ngập nặng, 1.202 ha lúa bị thiệt hại nặng, hơn 270 ha rau màu bị thiệt hại cùng nhiều diện tích cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi…; 26.105 m đê bị ngập, 35 cầu công bị cuốn trôi, hư hỏng; 5 trường học trên địa bàn bị ngập sâu trong nước; 15 đình, chùa và 11 công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế bị ngập và hư hỏng...
 
Tại huyện Quốc Oai, theo ông Nguyễn Đức Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện, tính đến ngày 6/8 mưa lũ làm 874 ha lúa bị mất trắng, 51 ha rau màu bị ngập không có khả năng phục hồi, hơn 332000 con gia cầm bị thiệt hại.
 
Lãnh đạo các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ đều khẳng định: trận mưa lũ năm nay mực nước cao và để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, các huyện, các xã và nhân dân vùng thường xuyên bị úng ngập đã có phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP, các ngành, đơn vị có liên quan, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, người dân chủ động cao trong ứng phó với thiên tai nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; bảo đảm an toàn các tuyến đê xung yếu và đời sống người dân.
 
Nước rút, thời điểm này, các huyện tiếp tục dồn lực tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, vệ sinh môi trường… Ông Hoàng Minh Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: đến nay, huyện đã nhận được hơn 6,1 tỷ đồng tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm từ các cá nhân, tổ chức; nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm khác huyện nhận được đều tăng 2-3 lần so với năm ngoái với gần 90 tấn gạo, hơn 14.000 thùng mì tôm… “Toàn bộ hàng cứu trợ đã được chuyển đến từng gia đình, không có người dân nào bị đói khát. Số tiền viện trợ, thời gian tới chúng tôi chia sẻ đến những gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, đảm bảo công bằng, chính xác”, ông Đinh Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết thêm.
 
Về các giải pháp ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới, đại diện UBND huyện Chương Mỹ khẳng định, do khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình dồn về nhưng nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.
 
Để người dân 4 xã sống bên đê hữu Bùi có cuộc sống ổn định yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải “sống chung với lũ”, UBND huyện Chương Mỹ đề xuất cho xử lý toàn bộ tuyến đê tả Bùi bằng cừ bê tông dự ứng lực để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu từ nay đến trước lũ năm 2019 thực hiện thí điểm một số đoạn trên đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500m.
 
Huyện đề nghị TP bố trí 447 tỷ đồng vốn đầu tư để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở; xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp; 7 dự án trường học để đạt chuẩn quốc gia...
 
 
 Phát biểu kết luận hội nghị giao ban báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định TP đang tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ, có cơ chế chính sách hỗ trợ để sớm ổn định lại đời sống, sản xuất của nhân dân. TP sẽ thực hiện các biện pháp quy hoạch lại dân cư, sản xuất; phối hợp với các cơ quan trung ương và cơ quan khoa học nghiên cứu, tính toán lại các công trình công cộng nhằm thích ứng được với diễn biến phức tạp của thời tiết.
 
 
Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.