Kỳ 15: Được Giáo sư rồi, vẫn đạo văn!
PNTĐ-Trong khi các cơ quan chức năng chưa giải quyết thì chúng tôi tiếp tục phát hiện GS Nguyễn Đức Tồn vẫn tiếp tục... đạo văn và sau khi đã được phong GS thì ông Tồn “đạo văn” càng nhiều!
Vừa qua, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học đã thống nhất một quyết định đúng đắn: Không kéo dài thời gian công tác đối với GS.TS Nguyễn Đức Tồn. Tuy nhiên, vẫn còn đó một uẩn khúc: Mặc dù đã có chỉ thị từ Chính phủ nhưng tại sao Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước và Bộ GD-ĐT vẫn chưa có động thái gì trong việc xử lý vụ việc đạo văn bức xúc dư luận này? Trong khi các cơ quan chức năng chưa giải quyết thì chúng tôi tiếp tục phát hiện GS Nguyễn Đức Tồn vẫn tiếp tục... đạo văn và sau khi đã được phong GS thì ông Tồn “đạo văn” càng nhiều!
Không chừa một ai!
Theo ước tính của nhiều nhà ngôn ngữ, ông Tồn ngoài việc “đạo” cương vị hướng dẫn Thạc sĩ của GS.TS Nguyễn Thiện Giáp và cương vị hướng dẫn tiến sĩ của GS.TS Hoàng Văn Hành, ông Tồn đã bị phát hiện đạo văn của hàng chục tác giả khác nhau trong hầu hết các cuốn sách đã xuất bản của ông. Tổng cộng số trang mà ông Tồn đạo văn lên đến vài trăm trang. Một con số chắc chắn được đưa vào… kỉ lục Guinness và rất khó có người vượt qua, xét ở ba khía cạnh: Tổng số công trình đạo văn, cách thức đạo văn, và các thời điểm đạo văn.
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin tóm lược lại “thành tích đạo văn” của ông Tồn đã bị phát giác như sau:
Về tác giả: ông Tồn đã đạo văn của: 1. ông Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO; 2. GS.TSKH Trần Ngọc Thêm; 3. GS.TS Đỗ Hữu Châu; 4. GS.TS Bùi Minh Toán; 5. PGS.TS Đỗ Lai Thúy; 6. NCS Nguyễn Thúy Khanh; 7. NCS Nguyễn Thị Thanh Hà; 8. NCS Huỳnh Thanh Trà; 9. sinh viên Cao Thị Thu; 10. sinh viên Nguyễn Thị Thuỳ; Ngoài ra, ông còn đạo văn từ trang wikipedia tiếng Việt và Từ điển Bách khoa Việt Nam. Như vậy, ông Tồn đã đạo văn từ ít nhất 12 tác giả/ nguồn khác nhau.
Về tác phẩm: ông Tồn đã đạo văn hàng trăm trang của Luận án Tiến sĩ, Luận văn, Khoá luận tốt nghiệp đại học của học trò mình và cả những người không do mình hướng dẫn. Tiếp đó, ông Tồn lại “chiếm đoạt” những bài nghiên cứu của người khác hoặc đứng tên chung với người khác. Chưa hết, ông còn đạo luôn cả các chương sách của đồng nghiệp để đưa vào sách của mình. Thậm chí, ông đạo luôn sách người thầy khả kính đã mất của nhiều thế hệ học trò: GS.TS Đỗ Hữu Châu (sách viết chung với GS.TS Bùi Minh Toán).
Về số lượng tác phẩm đạo văn: Tổng cộng đã có ít nhất 6 cuốn sách của ông Tồn dính líu đến đạo văn với vài trăm trang. Đây là hình thức đạo văn có chủ đích và tái diễn liên tục. Về thời điểm đạo văn, ông Tồn bắt đầu vi phạm từ năm 2002 với cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB ĐHQG Hà Nội). Đây là năm ông bắt đầu nộp hồ sơ xin phong Giáo sư. Việc đạo văn của ông xuất hiện cả từ trước khi được phong Giáo sư và sau khi được phong Giáo sư. Nếu ở giai đoạn “tiền Giáo sư” ông đạo văn trong 2 cuốn (in năm 2001 và 2002), thì ở giai đoạn “hậu Giáo sư” (sau năm 2009), ông Tồn tiếp tục cho ra lò thêm 3 cuốn sách đạo văn nữa, vào các năm 2010, 2013 và 2015.
Phát hiện thêm người thứ 13 bị ông Tồn đạo văn!
Tiếp tục rà soát thêm cuốn sách “Mấy vấn đề lí luận và phương pháp dạy - học từ ngữ tiếng Việt trong nhà trường” (NXB ĐHQG Hà Nội, 2003). Đây là cuốn sách mà ông Tồn đã nộp trong bộ hồ sơ xét phong Giáo sư năm 2009 và đã được Hội đồng Giáo sư các cấp thông qua, vì tưởng là nó “sạch”, nó không dính vào đạo văn như những cuốn trước đó.
Chúng tôi nhận thấy lại có dấu hiệu bất thường rõ ràng tại phần 2 nói về “từ trái nghĩa”, từ trang 211 đến trang 220. Phần này được ông Tồn chú nguồn ở cuối trang là “mục này có sự cộng tác của Nguyễn Thị Kim Dung”. Giở xuống phần tài liệu tham khảo, phần này được lấy ra từ bài viết “Dạy từ trái nghĩa cho học sinh trung học cơ sở” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ số 3 năm 2001 do ông Tồn và bà Nguyễn Thị Kim Dung là đồng tác giả.
Cuốn sách ông Tồn có đạo văn của bà Nguyễn Thị Kim Dung |
Như vậy, rõ ràng ngay sau khi được nhận chức danh GS, ông Tồn lại tiếp tục... đạo văn. Cũng giống hệt như số phận bài báo viết chung với bà Huỳnh Thanh Trà, bài báo viết chung với bà Nguyễn Thị Kim Dung lại bị xào đi xáo lại trong các cuốn sách khác nhau của ông vào giai đoạn “hậu Giáo sư”. Trong cuốn sách “Những vấn đề của Ngôn ngữ học cấu trúc dưới ánh sáng lí thuyết Ngôn ngữ học hiện đại” (NXB Khoa học xã hội, 2013), bài báo này lại xuất hiện từ trang 311 đến 317. Và đương nhiên, tên của đồng tác giả bài viết là Nguyễn Thị Kim Dung đã hoàn toàn biến mất.
Đến đây thì có thể tin rằng danh sách các “nạn nhân” của ông Tồn trong vụ đạo văn “thế kỉ”, “kỉ lục thế giới”, “có một không hai” này sẽ vẫn còn kéo dài mãi. Đó thực sự là một điều chua xót và nỗi xấu hổ lớn đối với nền khoa học và giáo dục của nước nhà. Khi các phi vụ đạo văn của ông Tồn không được xử lý, để kéo dài bao năm nay, thì những hậu quả và di hại của nó là không thể kể hết. Kẻ đạo văn trở nên khinh nhờn, coi thường toàn bộ giới khoa học nước nhà, tiếp tục và liên tục ăn cắp các sản phẩm khoa học của người khác ngay cả sau khi đã được nhận chức danh GS.
Cay đắng hơn cho những người làm khoa học chân chính, khi mà chính kẻ đạo văn lại ngang nhiên mượn cái danh “Giáo sư” để leo cao, lũng đoạn cả một ngành khoa học, và hàng ngày vẫn ngang nhiên đi rao giảng cho bao thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh bằng những sản phẩm đạo văn, ngang nhiên hưởng lợi. Thế mà không cấp ngành nào xử lý! Thật là lạ!
Nguyễn Minh Anh