Phát hiện nữ Tiến sĩ đạo văn ngay trong luận án Tiến sĩ
PNTĐ-"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học...
"Thầy đạo văn" đẻ ra "trò đạo văn"! Đó là câu chuyện đáng để kể ở Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đang làm rầu lòng giới khoa học: GS.TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn vô số công trình trong suốt gần 20 năm qua không một cấp nào xử lý, thì nay "học trò cưng" được coi là “truyền nhân” của ông, đã bị phát hiện đạo văn! Đó là nữ tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi, phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí Ngôn ngữ học - Viện Ngôn ngữ.
Lấy cắp những ý tưởng nghiên cứu quan trọng của đồng môn
Như Báo PNTĐ đã từng phát hiện, trong bài báo của TS Vũ Thị Sao Chi (là nghiên cứu sinh do GS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn) “Nhịp điệu và các loại hình nhịp điệu” (T/c Ngôn ngữ, Số 1, 2008) có nhiều luận điểm trùng lặp với luận văn cao học có nhan đề “Thơ văn xuôi và nhịp điệu thơ văn xuôi” của Ths Lê Thị Hồng Hạnh (được bảo vệ trước đó - năm 2004) tại Trường ĐHSP Hà Nội.
Từ đây, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu luận án tiến sĩ của bà Vũ Thị Sao Chi có nhan đề “Nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh trên nền nhịp điệu thơ văn Việt Nam” bảo vệ năm 2009 tại Viện Ngôn ngữ học. Thật buồn thay, chúng tôi lại tiếp tục nhận thấy những bằng chứng đạo văn từ chính luận án đưa bà Sao Chi trở thành TS này!
Luận án TS của Vũ Thị Sao Chi đạo văn của Ths Hồng Hạnh |
Cụ thể, trong luận văn bảo vệ năm 2004, Ths Hạnh đưa ra một luận điểm quan trọng là chia nhịp điệu thành 2 loại: nhịp lời và nhịp ý, thì trong luận án Tiến sĩ của bà Sao Chi (bảo vệ sau đó 5 năm) cũng chia ra 2 loại nhịp, là “nhịp điệu âm” và “nhịp điệu ý”. Đây là xảo thuật thay thế từ đồng nghĩa (thay “nhịp lời” bằng “nhịp điệu âm”, trong đối lập với “nhịp điệu ý”) để đạo ý rất quan trọng của bà Hạnh: phân chia nhịp lời và nhịp ý. Xin nhấn mạnh rằng sự phân chia hai loại nhịp (nhịp lời và nhịp ý) là kết quả nghiên cứu rất quan trọng và của riêng của bà Hạnh mà chưa có nghiên cứu nào trước đó nhắc đến, kể cả bà Chi, người nghiên cứu về nhịp điệu.
Trước đó trong luận văn Ths của bà Sao Chi “Khảo sát nhịp điệu trong văn chính luận Hồ Chí Minh” (khoa Ngữ văn, ĐH SP Hà Nội, bảo vệ năm 2003), ở phần phân loại nhịp điệu, bà Sao Chi chỉ dựa vào các tác giả đi trước như Henri Morier, Chatman để phân chia “nhịp điệu tự nhiên” và “nhịp điệu nhân tạo”.
Như vậy, chỉ với một xảo thuật tinh vi, bà Chi đã ngang nhiên tước đoạt kết quả nghiên cứu riêng của bà Hạnh để đưa vào luận án tiến sĩ của mình. Cũng cần lưu ý thêm với bạn đọc là trước đó, bà Chi cũng sử dụng kết quả nghiên cứu này để công bố chính thức trên một bài báo đăng tại tạp chí Ngôn ngữ vào năm 2008, tức là trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ 1 năm. Bài báo này chính là một trong những điều kiện bắt buộc để bà Chi được phép bảo vệ luận án tiến sĩ. Tất nhiên, bà Chi cũng đủ tỉnh táo để không đạo nguyên văn theo cách mà người thầy hướng dẫn Nguyễn Đức Tồn vẫn thường xuyên làm. Bà Chi tập trung vào việc đạo các ý tưởng chính của bà Hạnh, còn diễn giải và ví dụ minh hoạ thì được viết khác.
Nhưng không phải tất cả phần diễn giải đã xoá được hết dấu vết. Đâu đó, vẫn thấy những từ ngữ, câu cú của bà Hạnh (trong luận văn) vẫn còn sót lại trong luận án của bà Chi. Chẳng hạn, trong mục 2.1.1, bà Hạnh viết: “Mỗi ngôn ngữ có cách tạo nhịp lời đặc thù. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính. Do đó, về mặt hình thức, nó không tạo nhịp điệu bằng sự phối hợp các trọng âm từ hay bằng tương quan về độ dài âm tiết như trong các ngôn ngữ Ấn Âu…” (trang 64). Trong luận án của mình, bà Chi thay “nhịp lời” bằng “nhịp điệu âm”, thay từ “âm tiết tính” bằng “phân tiết”…
Ở phần viết về nhịp ý, bà Hạnh phát hiện ra 3 biểu hiện là sự luân phiên, lặp lại của hình ảnh, sự trùng điệp của ý tưởng, và phép lặp cú pháp, lặp hệ hình. Bà Chi cũng từng copy 3 biểu hiện của nhịp điệu ý này trong bài viết năm 2008 đã nêu ở trên và chỉ thay đổi phần ví dụ minh hoạ. Đến luận án TS của mình, bà Chi “tóm lược” 3 biểu hiện này thành 2 biểu hiện thứ nhất và thứ 2. Tuy nhiên, bà Chi cũng khôn khéo biến báo tên gọi của chúng đi một chút. Cụ thể, “sự luân phiên, lặp lại của hình ảnh” bị biến thành “sự lặp lại hình ảnh, những motip nghệ thuật”. Còn “sự trùng điệp của ý tưởng” sửa thành “sự láy lại của cấu tứ, ý tưởng...”.
Còn nhiều vấn đề, ý tưởng khác của Ths Hạnh bị bà Chi biến thành của mình, chúng tôi không thể dẫn hết ra trong khuôn khổ bài báo. Nhưng đủ bằng chứng để khẳng định bà Sao Chi đạo các ý tưởng, các nghiên cứu của Ths Hồng Hạnh vào luận án TS của mình!
Đạo văn rõ ràng, cấp nào xử lý?
Mặc dù đã sử dụng rất nhiều những ý tưởng quan trọng trong nghiên cứu đi trước của bà Hạnh, nhưng trong luận án TS của mình bà Chi không hề đả động gì đến bà Hạnh. Thậm chí, ngay phần tài liệu tham khảo của luận án cũng không thấy bà Chi nhắc gì (dẫn nguồn) đến luận văn cao học của bà Hạnh.
Theo tìm hiểu của PV thì bà Chi và bà Hạnh cùng học cao học tại trường ĐHSP Hà Nội và có cùng thầy hướng dẫn, chỉ bảo vệ cao học cách nhau 1 năm. Do đó, không thể nguỵ biện rằng bà Chi khi viết luận án lại không biết đến luận văn của bà Hạnh hoặc bà Chi vô tình có ý tưởng trùng với nghiên cứu trước đó của bà Hạnh được!
Cần nói rõ rằng trên thế giới, đạo văn được định nghĩa là "sự chiếm đoạt sai trái", là "ăn cắp và cho xuất bản" các “ý tưởng, tư tưởng, hoặc đoạn văn" của tác giả khác và coi chúng như một tác phẩm của chính mình. Ngay tại đại học Quốc gia Hà Nội, theo “Hướng dẫn số 2383/HD-ĐHQGHN” về việc thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại ĐHQG Hà Nội, ban hành ngày 27/7/2017 thì một trong số nhiều biểu hiện của hành vi đạo văn là “sao chép, biên dịch, trích dẫn nguyên văn hoặc diễn giải toàn văn đoạn văn hay ý tưởng (chúng tôi nhấn mạnh-NMA) của người khác mà không có trích dẫn phù hợp”.
Trong trường hợp luận án của bà Sao Chi, mặc dù đã sao chép, diễn giải các luận điểm nghiên cứu chính của bà Hạnh nhưng bà này hoàn toàn không hề trích dẫn bà Hạnh, kể cả trong tài liệu tham khảo, và ngang nhiên sử dụng những ý tưởng khoa học này của bà Hạnh như là ý tưởng của riêng mình. Đối với luận án tiến sĩ, theo các quy định hiện hành ở Việt Nam, việc đạo văn có thể bị xử lý theo hình thức “huỷ bỏ kết quả bảo vệ luận án, luận văn, khoá luận tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu khoa học” (theo “Quy định về trích dẫn và chống đạo văn của Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TPHCM” hiện hành).
Công luận đòi hỏi Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng có những biện pháp xử lí nghiêm khắc đối với những trường hợp đạo văn như ông Nguyễn Đức Tồn, bà Vũ Thị Sao Chi để tệ nạn này sớm chấm dứt, trả lại sự trong sạch và liêm chính cho môi trường giáo dục và học thuật nước nhà.
Nguyễn Minh Anh