Dân kêu cứu vì chủ đầu tư chậm khắc phục hậu quả

Chia sẻ

PNTĐ-Mặc dù dự án đã xây dựng kéo dài gần 2 năm và chuẩn bị đi vào hoàn thiện nhưng chủ đầu tư chưa có giải pháp khắc phục, giải quyết đền bù thiệt hại cho các hộ dân.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô nhận được phản ánh của 32 hộ dân tổ dân phố 10A, phường Vĩnh Tuy về việc xây dựng dự án Imperia Sky Garden - 423 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng khiến nhà của nhiều hộ dân bị sụt lún, nghiêng nứt; cuộc sống bị ảnh hưởng bởi khói bụi và tiếng ồn suốt ngày đêm. Mặc dù dự án đã xây dựng kéo dài gần 2 năm và chuẩn bị đi vào hoàn thiện nhưng chủ đầu tư chưa có giải pháp khắc phục, giải quyết đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
 
Xây tòa cao ốc khiến hàng chục nhà dân nứt toác, sụt lún
 
Dự án Imperia Sky Garden - 423 Minh Khai (ISG 423 Minh Khai) có Chủ đầu tư là Terra Gold Việt Nam, đơn vị thi công là Công ty CP xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Dự án được khởi công từ tháng 10/2016.
 
Ông Nguyễn Xuân Lãi, số nhà 15, ngách 42, ngõ 379 Minh Khai cho biết, quá trình xây dựng dự án đã làm nhiều nhà dân ảnh hưởng. Cụ thể, tường bao nhà ông đã nứt vỡ, mặt sân bị lún nghiêng; tường nhà chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, số 27, cùng ngõ bị đổ; nhà bà Đinh Thị Thắm bị nứt từ chân móng tới gần mái nhà, riêng phần dầm có 14 vết nứt. Bể nước ngầm của nhiều hộ dân cũng bị nứt vỡ gây thất thoát nước sạch, dẫn đến có gia đình phải chịu chi phí tiền nước lên tới hơn 3 triệu/ tháng, ngoài ra nước bẩn còn ngấm ngược vào đường nước sinh hoạt gây mất vệ sinh.
 
Dân kêu cứu vì chủ đầu tư chậm khắc phục hậu quả - ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Lãi, số nhà 15, ngách 42, ngõ 379 Minh Khai chỉ cho phóng viên hàng loạt vết nứt vỡ, hậu quả của dự án xây cao ốc ở 423 Minh Khai - HN

 
Bên cạnh đó, công trình tôn nền cao hơn nền nhà của các hộ dân nên những hôm trời mưa, nước mưa cuốn theo sỏi, cát, xi măng, phế thải của công trình trôi xuống đường thoát nước của ngõ dẫn đến ngõ bị ngập úng.
 
Chưa hết, việc xây dựng kéo dài với 3 máy trộn bê tông hoạt động chủ yếu vào ban đêm, phát ra những tiếng ồn đinh tai nhức óc, phả khói bụi độc hại khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đơn cử như hộ nhà bà Sáu, số 22 ngõ 379 nhiều năm qua sống bằng nguồn thu nhập từ việc cho thuê nhà trọ là 1,5 triệu/ tháng nhưng 6 tháng nay, nhà trọ của bà vắng bóng người thuê.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, tổ trưởng tổ dân phố 10A, phường Vĩnh Tuy cho biết, 2 năm qua (từ tháng 10/2016 đến nay) người dân đã 3 lần gửi đơn (vào các ngày 24/2/2017, 22/5/2017, 4/5/2018) đến Chủ đầu tư dự án, UBND phường Vĩnh Tuy, gặp trực tiếp các cơ quan chức năng để phản ánh sự việc, nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được sự khắc phục hậu quả nhỏ giọt của chủ đầu tư như trát lại qua loa các vết nứt.
 
Tháng 6/2018, đoàn khảo sát hiện trạng nhà ở của các hộ dân ảnh hưởng do thi công xây dựng dự án ISG 423 Minh Khai trong đó có đại diện đơn vị giám định của công ty bảo hiểm Bảo Minh đã tiến hành khảo sát, lập biên bản hiện trạng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng nhưng người dân chưa nhận được hồ sơ giám định hư hại và chủ đầu tư cũng chưa có phương án giải quyết. Cư dân tổ 10A ngõ 379 Minh Khai mong muốn chủ đầu tư đến ngày 30/9 phải trả biên bản khảo sát cho các hộ dân và tiến hành thỏa thuận đền bù thiệt hại các công trình kiến trúc, đền bù về sức khỏe; có giải pháp khắc phục tiếng ồn lớn và bụi độc trong quá trình xây dựng.
 
Chủ đầu tư chậm trễ, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm
 
Về những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Cảnh Nguyên - Cán bộ BQLDA Terra Gold Việt Nam, phụ trách dự án ISG 423 Minh Khai cho biết: Đợt khảo sát tháng 6/2018 được tiến hành với hơn 100 hộ dân thuộc 4 tổ dân phố phường Vĩnh Tuy bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng dự án ISG 423 Minh Khai. Tuy nhiên, do số hộ dân trong diện khảo sát đông nên ngày 4/8, đoàn mới khảo sát xong. Việc hoàn thiện hồ sơ và giải quyết đền bù, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm cho hơn 100 hộ dân, trong đó có 32 hộ thuộc tổ dân phố 10A sẽ không thể hoàn thiện theo thời hạn các hộ dân yêu cầu mà sẽ dời đến ngày 15/10. 
 
Về việc nền công trình tôn cao hơn so với mặt ngõ, nền nhà của các hộ dân, ông Nguyên cho biết, đây là việc làm tạm thời để tập kết vật tư. Đến khi công trình hoàn thiện, phần nền này sẽ được dỡ bỏ. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ nhân lực nạo vét, khơi thông đường thoát nước cho người dân. 
 
Việc tiếng ồn do hoạt động xây dựng vào ban đêm, ông Nguyễn Đức Kết - cán bộ kỹ thuật nhà thầu Hòa Bình lý giải, do tuyến đường Minh Khai cấm xe trọng tải lớn đi vào ban ngày nên mọi hoạt động xây dựng buộc phải tiến hành vào ban đêm. Tuy nhiên, nhà thầu cũng thừa nhận, sắp tới việc hoàn thiện phần trong của căn hộ cũng không tránh khỏi những tiếng đục đẽo, khoan cắt gây ồn và bụi. Chủ đầu tư sẽ trang bị những giải pháp cơ bản nhất để hạn chế như: đóng cửa để cách âm, trang bị thêm lưới ngăn bụi để hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân.
 
Tuy nhiên, theo chúng tôi, lý giải này của chủ đầu tư vẫn chưa thỏa đáng. Thứ nhất, việc khảo sát đối với 100 hộ dân đã hoàn thiện vào ngày 4/8, chỉ còn thiếu chữ ký của một số chủ hộ. Vì thế, việc chủ đầu tư tiếp tục kéo dài thời gian đến 15/10 là không thuyết phục. Thứ hai, khi xây dựng dự án, chủ đầu tư đã phải lường trước được sự cố úng ngập cho tuyến ngõ 379 và chủ động thực hiện khắc phục ngay mà không cần phải chờ đến khi người dân phản ánh, kêu cứu mới đưa ra kế hoạch hỗ trợ. 
 
Ngoài ra, trong việc này, chính quyền địa phương phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng vẫn còn thiếu sót khi chưa thể hiện được trách nhiệm của mình. Cụ thể, mọi tranh chấp vẫn đang dừng lại ở việc người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận, dẫn đến việc chủ đầu tư hứa hẹn hết lần này đến lần khác. Chính quyền địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc khắc phục do thiệt hại của dự án xây dựng. Trong trường hợp, chủ đầu tư không thực hiện đúng thời hạn người dân yêu cầu, UBND phường có thể yêu cầu đình chỉ việc thi công và chỉ cho phép công trường hoạt động trở lại khi chủ đầu tư đã khắc phục các sự cố như đã hứa với người dân.
 
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.