Người ở trọ bầu trời

Chia sẻ

PNTĐ-Thơ Trần Gia Thái giữ được hồn quê, ấm áp với cha mẹ, tình làng nghĩa xóm. Anh giữ được cách quan tâm đến mọi người và vì người.

 
Người ở trọ bầu trời - ảnh 1

 
“Biển giờ không còn mặn” là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Trần Gia Thái với 71 bài gói ghém những phận người, những tỷ lệ hay ước lệ trong cách nhìn, và cách phát hiện rất riêng của một người chân quê. Một người từng làm quản lý, có chức sắc, vẫn được trời cho làm thơ, và có hẳn một tài sản thơ để dành. Hẳn trời phú cho cách nhìn, cách phát hiện tinh tế của một người từng trải qua nghề làm báo.
 
Trần Gia Thái, sớm ý thức được rằng đời người là hữu hạn, rằng mình đang ở trọ dưới bầu trời. Từ lúc sinh ra  nơi miền quê khoai lúa; cho đến khi đi học, ra ở phố, rồi học hành thành đạt, có tước vị trong đời, anh vẫn có cái nhìn trong sáng, bình dị. Thơ anh vẫn đắm đuối, thầy thầy, u tôi; quyết không đánh đổi cách xưng hô thành bố mẹ, hay cậu mợ như  những người ở thành phố vẫn gọi bậc sinh thành. Thơ Trần Gia Thái giữ được hồn quê, ấm áp với cha mẹ, tình làng nghĩa xóm. Anh giữ được cách quan tâm đến mọi người và vì người. Trong thơ ca viết giản dị là khó nhất khi bày tỏ cõi lòng mình. Trần Gia Thái đi nhiều, từng sang châu Âu sải bước ở xứ sở sương mù, khi rẽ Trung Hoa ngồi uống rượu Tiểu Hồ Đồ ở Quý Châu, nhà thơ không chỉ mượn rượu để nói về  trải nghiệm cảm xúc, cơ hồ thế sự “quá tỉnh không có thơ/quá hồ đồ tan cơ đồ”.
 
Người ở trọ bầu trời - ảnh 2
Nhà thơ Trần Gia Thái

 
Thơ Trần Gia Thái đem cả tỷ lệ hay ước lệ vào thơ, mà không khô cứng. Mỗi khổ thơ phác họa một nghề, một nghiệp, một cơ sự diễn biến, thơ suy nghĩ cho thế cuộc ngày hôm nay. Không cần một phép tính nào mà vẫn chỉ ra cái ác và cái xấu, sự vô cảm nhan nhản trên đời. Và thật hoang mang khi con người ta tiêu phí thời gian vào những thứ phù du ở giữa những đám đông, với những luật lệ bày đặt ra mà nhiều trò chỉ để xem dang dở. Rồi sau những tung hô, những lý thuyết, những phần trăm những tỷ lệ thì cuối cùng giật mình nhận ra “trên đầu trên vai các vĩ nhân/ phân chim phủ trắng”. Cái kết mở, khơi gợi sự suy tưởng ở mỗi người, mỗi tầng văn hóa khác nhau.
 
 Ở bài “Nghe lời điếu trong đám tang bạn” tứ thơ này không mới vì anh đã từng viết về sự khiêm nhường , người ẩn mình thua thiệt đến tột cùng cuộc đời của người bạn; mà khi bạn chết, trong đám tang mới có người nói ra sự thật. 
 
Trần Gia Thái trong đám tang nhìn ra lòng người thương yêu nhau, thương yêu nhau mà giờ đây khó sao, yêu thương con người thời nay lẽ nào lại hạn hẹp như trôn kim ấy. Nỗi chua xót, đau đời rất khác, nhưng đều vì lẽ sống sao cho NGƯỜI hơn, cao cả hơn.
 
Mỗi nhà thơ đều có một cần ăng ten riêng cho mình, đó là sự phát hiện mới. Ở góc nhìn rất khác này của Trần Gia Thái, anh nhìn ra cái giả trá của lòng người đang sống với nhau, đối với bạn khi chết. Tác giả chỉ ra một giá trị sống: Tình người đâu có cần gì đầu tư tiền bạc, đâu có sợ khấu hao, không vay mượn, mà tình nghĩa dành cho nhau sao vẫn còn hẹp như cái trôn kim. Và anh cho người đọc niềm hy vọng “tôi không tin ta túng quẫn lòng tốt/ tôi không tin ta cạn kiệt lời khen/ lẽ nào bụng dạ chúng ta cứ hẹp mãi trôn kim”. Lại có một cách nhớ bạn thơ cũng đơn lẻ “bao giờ áo cỏ khâu xong nhỉ/ để hồn sông ấy hết bơ vơ”. Hay cách thăm bạn vong niên, cách nhìn cúi xuống với bước trượt dài của thời gian. Sống, rồi ai cũng phải đi đến cái dốc này. Dốc cuối cùng tới vực của con người.
 
“Chợt vai rung tiếng nấc
Ông khóc mà như cười
Với tay vặn chiết áp
Ngoài thềm hoa nắng rơi”.
 
Viết về những phận người đang cùng ở trọ bầu trời với nhau, cùng thân tộc với nhau mà danh lợi cũng làm bao người đánh mất nhân tính. Một cách nhà thơ nhắn nhủ mình: “Thì xin lấy chữ trước sau/ thì mong lấy lẽ dài lâu làm bền”.
 
Người biết xin lấy chữ trước sau làm lẽ sống ấy là người sống chí tình, đằm thắm. Người cũng biết bỏ qua, thể tất cho người, là người biết sống nhất; để sau những gió giông đi qua, trời sẽ xanh và đất sẽ lành trở lại.
 
 Được biết trong gia tài thơ ca của Trần Gia Thái, anh còn đủ vốn sống và lượng bài viết dành cho một tập thơ nữa, dành riêng cho một chủ đề xã hội đương đại. Bạn đọc có quyền hy vọng sẽ được gặp nhà thơ ở những tác phẩm mới, giá trị mới và đem lại sự phát hiện của nhiều ngôi sao con người ở trọ dưới gầm trời này.
 
 
Hoàng Việt Hằng

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.