Một người nước ngoài và ông trại trưởng

Chia sẻ

Truyền ngắn của Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái

 
Chiếc xe con chở Bây-cơn và người phiên dịch dừng trước cổng trại giam khá lâu. Một trong hai người bảo vệ giải thích là xe phải chờ để họ còn xin ý kiến của lãnh đạo trại. Tuy bực mình, nhưng Bây-cơn thấy họ có lý, vì đoàn của ông chủ trương không thông báo chính xác ngày đến.
 
Hơn nữa ở đất nước này, ông biết từ chuyện to, chuyện nhỏ gì cũng chờ ý kiến lãnh đạo, một sự chặt chẽ đến trớ trêu mà ông không thích. Bây-cơn làm cho một tổ chức nhân quyền, lần này sang Việt Nam, cùng một lúc triển khai ba đoàn khác nhau khảo sát vấn đề quyền con người ở ba trại tù. Trước khi đến trại số 5 này, ông được một người có trách nhiệm ở bộ chủ quản cho biết, trại này có đến 2.000 phạm nhân, nơi giáp ranh của bốn huyện miền núi, diện tích của trại tới gần 300 héc ta. Bây-cơn có vẻ không tin, sao một trại tù mà rộng đến như vậy. Đã từng tham dự cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, ông ta nghĩ một trại tù có khác gì một ấp chiến lược mà có thời bọn ông dồn dân lập ấp, rào chắn bằng dây thép gai. Ngày đêm canh phòng cẩn mật, thế mà dân vẫn liên hệ được với Việt cộng và đêm đêm du kích vẫn bí mật bò vào được. Huống chi lại ở đây, ông ta nhìn ra chung quanh, hoàn toàn không thấy những rào chắn, buổi trưa im ắng và nắng, cái thứ nắng không gay gắt, nhưng lại đùng đục, ong ong làm cho Bây-cơn gai gai, khó chịu. Nóng bức quá Bây-cơn cảm giác ở đây có vẻ như chốn rừng thiêng nước độc, mà tụi lính như ông ta ngày trước ngán ngẩm nhất khi buộc phải đi càn quét. Về điều này, Bây-cơn đã thử nắn gân một người có trách nhiệm rằng, tại sao các ông muốn cải tạo người tù một cách tối đa, nhưng lại cung cấp cho họ một điều kiện tự nhiên tối thiểu? Người kia cũng trả lời hóm hỉnh:
 
Nếu ông về nước thuyết phục được nước ông đổi vị trí địa lý của Chính phủ cho người tù bên đó, thì bên này chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu làm theo. Bây-cơn nghe và cười hô hố, vì ông cũng biết trại tù thì nước nào cũng có, riêng nước ông thì ông biết đang đặt ở đâu. Còn lúc này thì Bây-cơn không thể cười được.
 
Ông ta thèm được tắm quá. Nhưng không hiểu sao người bảo vệ báo cáo cái quái gì mà lâu thế? Bây-cơn bắt đầu thấy sốt ruột và nhìn sâu vào trong. Từ xa Bây-cơn thấy người bảo vệ cùng đi ra với một người đàn ông mà Bây-cơn đoán chắc là trại trưởng. Họ đi nhanh nhưng không có vẻ vội...
 
Bây-cơn cùng uống nước khoáng với ông trại trưởng tên là Liêm trong phòng khách. Ông ta không ngờ, ở đây lại có thể có điện, ngồi dưới cái quạt trần quay tít, ông thấy người dịu đi một chút. Ông Liêm mặc thường phục, da ông ta đen vì rám nắng, nói chuyện khá cởi mở. Lúc vui chuyện, Bây-cơn thử hỏi anh phiên dịch giải thích cho nghĩa của từ “Liêm”, nhưng anh này làm cho ông không vui vì tri thức về từ Hán - Việt quá yếu, mà hỏi đích thân người mang tên đó đang tiếp chuyện tại đây thì Bây-cơn không dám. Chẳng phải ông ta giữ phép lịch sự, ngoại giao gì, mà ngược lại trong thâm tâm ông ta thấy có cái gì đấy ghê ghê, khinh khinh vị cai tù này.
 
Bây-cơn tin chắc văn hóa của ông này tạm gọi là đọc thông viết thạo, vì xét cho cùng cái nghề này cần gì phải học vấn cao nhỉ? Cảm giác khó chịu lúc đầu quay lại xâm lấn Bây-cơn. Ông ta định thông qua người phiên dịch gợi ý vị trại trưởng cho phép hai người tiếp nhận phòng nghỉ vì hành trình vượt hơn 200km đường xấu, cộng với bụi đất trộn với nắng ong làm cho ông ta thấm mệt, thì may quá Liêm đã chủ động nói:
 
- Thưa Tiến sĩ Bây-cơn! Tôi đã nắm được lịch làm việc rất khẩn trương của ông ở đây. Ngay bây giờ xin mời ông theo chúng tôi đi xem xét một vòng quanh trại.
 
Ông Tiến sĩ bị chưng hửng, nhưng phản xạ cũng rất nhanh:
 
- Ồ. Hay quá! Tôi đang rất muốn được như vậy.
 
Hai người, một cao to, một thấp bé, đi bên nhau trong một không gian vắng người trông thật lạ mắt. Liêm vừa đi vừa giơ tay chỉ, vừa có lúc khoát tay vẽ một vòng nói cho Bây-cơn biết về những ao thả cá, ruộng lúa và xa kia là những vạt rừng nhỏ, những hàng cây, những bãi cỏ dưới chân núi... Tất cả đều do công sức của các anh và người tù góp lại trong nhiều năm mà thành.
 
Lúc này Bây-cơn mới thấy ngôi nhà cao to mà ông ta vừa ngồi lúc nãy có cái mặt tiền xây vút cao một cách hoành tráng, phía đầu lại nhọn, nhìn từ dưới đất lên có thể hình dung ngay ra một biểu tượng thường thấy ở các làng Nga cổ. Nhìn vào biểu tượng ấy, người ta có thể biết ngay sau ngôi nhà là một điền trang rộng lớn. Nghĩ thế mà Bây-cơn vẫn chưa tìm thấy hứng thú khi cùng đi với một người thiếu tế nhị đã đầy đoạ ông trong lúc lẽ ra cần phải nghỉ. Một đoàn người tù đi làm trưa về. Đến gần chỗ hai người thì họ đi chậm lại như cảnh ùn tắc giao thông ở đường phố. Bây-cơn nhìn rõ mặt một lũ rặt con gái, mặt thì tròn bành ra như cùng đúc ở một khuôn bị hỏng do quá nóng, mắt thì nhỏ, cùm cụp nhìn xuống gót chân người đi trước, lúc đi qua thì đuôi mắt xéo sang Bây-cơn một cái liếc nhanh như chớp. Có cảm giác họ như một lũ âm binh gớm ghiếc mà Bây-cơn đã nhiều lần thấy trong những giấc ngủ nặng nề hồi làm lính đánh thuê ở miền Nam. Họ giống đều nhau như người không có tuổi, nhưng nhìn một đốt ngắn bắp chân hở ra nơi gấu quần, Bây-cơn biết họ vẫn còn trẻ. Khoảnh khắc ấy, ông ta vừa thấy ghê ghê cái lũ tù, vừa thấy sờ sợ cái lão thợ đúc nguy hiểm đi bên cạnh. Rất đường đột, ông dừng bước, quay ngoắt lại nhìn về phía sau. Từ nhiều hướng, từng tốp từng đoàn tù nhân dài ngắn khác nhau đang di động về một hướng, ở đó là một dãy nhà không mái nhọn, lùn tịt. Thay vì cần xem xét việc làm và thành quả của người tù, Bây-cơn đề nghị Liêm cho ông được chứng kiến những gì được bày đặt ở cái chỗ mà những sinh linh kia đang trở về. Lúc này, nắng từ màu mật ong bỗng trở nên sáng láng, chói chang, nhưng không gay gắt, khó chịu. Từ xa, Bây-cơn nhìn phía trên những ngôi nhà xếp dài, thấy nhô lên những cột nho nhỏ, trông như những cây thánh giá, nhưng có cái gì đấy ở đỉnh cột loằng ngoằng hơn. Liêm giải thích, đó là những ăng-ten thu sóng truyền hình xuống cho những chiếc ti vi ít màu. Luôn tiện, Liêm nói với Bây-cơn:
 
- Chúng tôi tạo cho người tù một sự giao lưu bằng hình ảnh, người tù của chúng tôi có thể tối tối biết được chuyện gì xảy ra ở Mỹ, ở I Rắc, chuyện nội chiến ở Nam Tư và biểu tình ở Pháp, chuyện xô xát, đánh nhau trong tòa nhà quốc hội nhiều nước, và cả những cảnh làm ăn ở quê hương, gốc gác của họ...
 
- Cả phim nữa chứ? - Bây-cơn cắt ngang!
 
- Vâng! Thưa Tiến sĩ. Mới đây, người tù và cả chúng tôi nữa rất chăm chú theo dõi bộ phim “Trở về E-đen” của nước ông. Phim rất hấp dẫn.
 
Bây-cơn nghe nói thế, ông ta thoáng một chút vui, mỉm cười tự nhiên, ông biết bộ phim này là do ông bạn đạo diễn. Một chút tò mò, khiến Bây-cơn muốn thăm dò ông trại trưởng:
 
- Ông thấy bộ phim này thế nào, thưa ông Liêm, ở vị trí của ông hiện nay, ông tìm thấy một cái gì đồng cảm hay lợi ích trong đó?
 
Liêm:
 
- Cảnh sắc đất nước ông trong bộ phim đẹp quá, thơ mộng quá. Con người cũng đẹp trai, xinh gái nữa. Nhưng thú thật, thưa ông Bây-cơn, xem phim xong tôi thấy buồn. Con người trong phim luôn luôn phải giành giật, phải căng lên mà sống, dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng. Hình như không một phút nào được bình yên, được bình tâm, ngay cả trong tình yêu, trong tình cảm mẹ con nữa. Con người luôn luôn phải cảnh giác. Tại sao lại như thế? Ông từng là người lính, bây giờ lại là một học giả, chắc ông biết, bên nước tôi, ngay trong những ngày khói lửa, sống chết của chiến tranh, chúng tôi vẫn còn những khoảnh khắc im lặng, những khoảnh khắc bình yên để yêu, để nhớ, để ngấm ngầm một nỗi buồn hoặc cười vì niềm vui, hạnh phúc riêng lan toả.
 
Dừng một lát, Liêm nói tiếp:
 
- Còn lợi ích của tôi, thưa ông, nó rất cụ thể. Chúng tôi sẽ gắng bằng mọi cách không để người tù trở về như Giuy-li, chỉ có mưu mô và khát vọng trả thù. Tôi biết việc này quả là khó, bởi người tù vào trại chúng tôi phần lớn là do tội cướp.
 
- Hay! Hay! - Bây-cơn không kìm được thốt lên - ông rất giỏi, ông Liêm ạ. Ông là người thợ đúc đồng hồi phục các hoa văn...
 
Nói xong, Bây-cơn thấy khoái chí về sự so sánh của mình. Đằng nào ông cũng vẫn coi viên trại trưởng là thợ rèn hay thợ đúc, dù có thể có tí chút văn hóa nhưng làm sao vượt ra khỏi nghề nghiệp của mình được. Tuy nhiên, chắc ông ta cũng không phải là tay vừa.
 
Bây-cơn thấy dịu đi khi bắt gặp những luống hoa bên cạnh các nhà giam (không, phải gọi là phòng thì đúng hơn). Có luống được tỉa tót khá cầu kỳ, có luống biểu hiện sự cẩu thả của người chăm sóc nó. Vài cơn gió nhẹ thoang thoảng. Người tù đã về trước để tưới cây cho nên lúc hai người đi qua, Bây-cơn như cảm thấy những cái cây kia vừa rùng mình đón nước, bây giờ lá hoa lấp lánh, lung linh dưới nắng mặt trời.
 
Trong bữa cơm đầu tiên ở trại, Bây-cơn được Liêm chiêu đãi toàn những món không có vẻ là cao sang lắm. Lúc Bây-cơn đang thò đũa vào đĩa thịt, chuẩn bị gắp cũng là lúc Liêm vừa uống xong một ngụm bia và nói:
 
- Thưa ông Bây-cơn, những thức ăn ở đây như rau xanh, cá hay thịt gà, thịt dê... đều là do người tù trại chúng tôi làm ra cả. Ông cảm thấy ngon miệng không?
 
Bất giác Bây-cơn rụt đũa ngay lại. Sợ phía chủ cảm nhận được cử chỉ thiếu tế nhị ấy, Bây-cơn vờ đặt đũa xuống cho trịnh trọng và khen ngon. Bây-cơn định nói một câu gì đấy hay hơn cho phải phép, nhưng chưa tìm được cách diễn đạt liền ngó sang người phiên dịch. Ông ta lại nghe Liêm trao đổi với anh phiên dịch một vấn đề gì đó về tiền nong thì phải. Đại loại là:
Liêm:
 
- Anh nói với Bây-cơn, khi các anh đến trại, phần ăn uống trại sẽ giúp các anh trong thời gian lưu lại ở đây. Bữa đầu tiên đến và bữa cuối trước khi đi, tôi sẽ chiêu đãi. Còn giữa hai bữa đó, thực đơn của các anh thế nào, xin cho biết để chúng tôi giúp đỡ.
 
Người phiên dịch:
 
- Thưa anh, chẳng nhẽ chúng ta lại hẹp hòi với khách...
 
Liêm:
 
- Đây là công việc của họ đấy chứ. Họ tự đến một cách bất ngờ. Tôi có mời đâu mà là khách của tôi. Quả thật, tính tôi vốn rất sòng phẳng...
 
Bây-cơn nghe chỉ hiểu loáng thoáng cuộc đối thoại của hai người, bởi họ nói nhỏ và quá nhanh. Lúc nghe người phiên dịch thuật lại, Bây-cơn có phần cảm thấy thích thú nét tính cách này ở viên trưởng trại, ông ta nhìn Liêm, hơi nheo cười:
 
- Ông Liêm ạ, tôi rất muốn được như vậy. Xin phép ông cho tôi được trả tiền cả bữa đón và bữa tiễn luôn thể.
 
Liêm cũng cười nói một câu mà Bây-cơn không thể nào biết được là thật hay đùa:
 
- Xin ông yên tâm, tôi sẽ lấy lại phần còn thiếu ở cấp trên của tôi là bộ chủ quản. Đằng nào trại chúng tôi cũng không thiệt cơ mà.
 
Bây-cơn nghe, cảm giác viên trại trưởng này thật khó giải thích. Lúc giọng gợi cảm như một nhà văn, lúc chân thật bông đùa mà không vô lối, lúc thẳng thắn quyết liệt trong đối đáp, có lúc lại sẵn lòng tâm sự nếu người kia chủ động cởi mở... Bây-cơn nhớ lại lúc chiều, người phiên dịch bị Liêm quát cho một mẻ. Đó là lúc Bây-cơn phỏng vấn một nữ tù nhân can tội lừa đảo về những gì phái nữ được hưởng riêng trong tù, tay phiên dịch đã gợi ý nữ tù nhân phải xưng hô với Bây-cơn là ông, con. Ông Liêm không đồng ý. Tay phiên dịch cự lại:
 
- Anh Liêm ạ. Đây là một tù nhân đã mất quyền công dân. Còn ông Bây-cơn là người mang quốc tịch hai nước, làm việc cho một tổ chức quốc tế. Xưng hô như thế là phải đạo chứ ạ?
 
- Sao lại chuyện đạo với đời ở đây. Một bên không phải là công dân nước Việt, một bên tạm thời mất quyền công dân. Như vậy đối với cùng một chủ thể thì cả hai người đều bình đẳng chứ. Anh cứ dịch sang tiếng Pháp là “toa” “moa” gì đó, còn tiếng Anh thì tôi không biết, nhưng đại loại như thế.
 
Anh phiên dịch có vẻ ngượng rút lui ý kiến bằng cử chỉ xua hai tay trước ngực. Bây-cơn không cảm thấy tự ái mà ngược lại ủng hộ viên trại trưởng có tính nguyên tắc, vẻ sù sì của ông ta ẩn chứa một cái gì lạ lắm.
 
Bữa ăn vừa xong, tự nhiên Bây-cơn tò mò muốn thử xem cảm nhận của mình chính xác đến đâu bèn gợi chuyện:
 
- Ông Liêm này, ông có vẻ như một triết gia kiêm nhà kinh tế, vừa lý luận, vừa sòng phẳng đến chi tiết? Nghề nghiệp trước đây của ông là gì?
 
Liêm cũng cười, nét mặt lộ vẻ ưu tư:
 
- Nghề của tôi bây giờ rất cần kiến thức về kinh tế và tâm lý - Liêm tự hào - Ông có cảm thấy ở đây, tôi như một vị giám đốc đặc biệt không? Vì phải quản lý và điều khiển hàng ngàn nhân công cũng đặc biệt. Đâu có cùm chân, cùm tay như các ông tưởng, mà ngược lại họ được tự do lao động, được quyền hưởng công sức của mình. Do trước đây, tôi là một người lính trong một thời gian dài nên gần đây mới học xong chương trình kinh tế. Kể ra là có muộn.
 
Không kìm được, Bây-cơn chộp ngay lấy:
 
- Ồ, ông từng là lính à? Thật tuyệt vời được gặp ông ở đây? Ở trại tù này có bao nhiêu người từng ở lính như ông đang bị giam giữ?
 
Hỏi câu này, Bây-cơn chỉ chờ Liêm thông báo xong là đề nghị được gặp họ để thẩm vấn. Biết đâu có thể tìm được một đối phương ngày xưa trong cùng một chiến trận nào đó. Bây-cơn là người không có mặc cảm về sự thất bại nhưng thực tình ông ta muốn nhắc lại kỷ niệm. Thế thôi, không ngờ, Liêm rẽ hướng câu chuyện giọng trầm ngâm.
 
- Rất may ở đây thì không. Chỉ có một mình tôi. Ông Bây-cơn! Thật may mắn cho ông, vì như ông nói, trước đây ông cũng là người từng đánh nhau trên đất nước chúng tôi.
 
Tự nhiên, Bây-cơn gật đầu như xác nhận. Ông ta quả là ít vui khi nhắc lại chuyện cũ đã qua. Nhưng trong không khí cởi mở ít thấy ở Việt Nam thế này, Bây-cơn hỏi một cách bông đùa.
 
- Bây giờ tôi và ông đã là cựu chiến binh. Có một ý nghĩ chợt đến, xin được ông trả lời thành thực, ông suy nghĩ gì về tiểu đoàn đồng minh của chúng tôi hồi ông cầm súng? Giá lúc đó ông thấy tôi...
 
Bây-cơn bỏ lửng, đón cái nhìn thẳng, hóm hỉnh của Liêm:
 
- Thưa ông Tiến sĩ! Người lính chúng tôi ra trận với khát vọng chiến thắng. Quả thật, ông là một mục tiêu dễ ngắm, nhưng rất may cho ông những viên đạn từ phía chúng tôi lại không trúng.
 
- Rồi Liêm gật đầu nhè nhẹ - Thật đáng tiếc, nếu như đất nước ông mất đi một Tiến sĩ tương lai.
Bây-cơn tin là Liêm nói thật ý nghĩ trong đầu. Bởi lúc đó ông ta nhìn rõ được thái độ biểu hiện trong từng sự thay đổi, co giãn trên khuôn mặt đen đúa của Liêm. Chẳng bù cho người phiên dịch. Có lần ông hỏi anh ta câu đó, hắn cười nhẹ nhàng mà rằng: Tôi đi bộ đội 5 năm, bắn 10 viên đạn nhưng không trúng ai! Bây-cơn cho tay phiên dịch là một kẻ nịnh đầm, nói dối một cách trâng tráo. Họ từng đã cầm súng, sao bây giờ khác nhau xa thế nhỉ? Trong thâm tâm, Bây-cơn bắt đầu thấy có cái gì đấy dễ cảm thông với Liêm.
 
- Còn ông, ông cũng là người may mắn chứ? Thưa ông Liêm.
 
Liêm trả lời sau một lát ngẫm nghĩ:
 
- Tôi không phải là người may mắn. Thưa ông Bây-cơn! Có lúc tôi cứ nghĩ đó là sự ngẫu nhiên của chiến tranh, những không phải, vì sự sống của tôi, tôi phải mất đến bảy, tám người đồng đội. Mà nếu họ sống, tôi tin trong số họ thể nào chẳng có người trở thành Tiến sĩ như ông - rồi Bây-cơn thấy Liêm nhìn sang người phiên dịch nói tiếp - Ai thế nào không biết, còn tôi, tôi tin là như thế.
 
Nói xong. Liêm như mỏi mệt hơn, ngả người tựa vào thành ghế. Bây-cơn chưa kịp nói một câu gì thì người phục vụ bưng nước giải khát vào, sự xuất hiện của cô giải thoát họ ra khỏi cảm xúc nặng nề, nếu không, chẳng biết câu chuyện sẽ đi đến đâu.
 
Đêm đầu tiên ở trại tù, Bây-cơn cảm thấy khó ngủ. Mà bất cứ ai, giấc ngủ không đến được lại thường hay nghĩ. Còn ở xa kia không biết hàng ngàn người tù mà nhóm làm việc của ông được giao sứ mệnh tìm hiểu và bảo vệ họ, có còn thức không? Đêm yên ắng quá. Gió thổi lạnh mơ hồ. Bây-cơn nghĩ, giá mà có người đưa ông bí mật quan sát được cảnh ngủ của những sinh linh tội lỗi mà ông được gặp lúc chiều. Có tiếng kêu đêm của một con chim nào đó ngang trời khiến Bây-cơn thấy chờn chợn. Ngủ gần một lũ cướp như thế này ai mà chả sợ, dù biết họ chẳng thể làm được gì mình. Thế nhưng, hình như Bây-cơn cũng cảm thấy giấc ngủ của mình bị nhuốm bẩn vì nằm chung một bóng đêm với giấc ngủ kia của tụi cướp ở một không gian rất hẹp. Vậy sao ông lại đi đấu tranh cho họ thay vì có thể giúp họ một cái gì cụ thể hơn. Ngay cả với bà lão ăn mày mà Bây-cơn bất ngờ gặp sáng nay cạnh phiên chợ quê, ông cũng không có ý định bố thí cho bà lão ấy một tí gì. Lúc ấy, gã lái xe chết tiệt dừng xe chạy vào chợ. Bây-cơn xuống xe thì thấy bà lão đang cúi chìa tay xuống mấy người bán hàng ở rìa đường. Bây-cơn nhìn rõ mấy người kia bỏ vào tay bà lão một vật gì đó khác nhau. Đột nhiên bà lão tiến đến Bây-cơn trong ánh mắt dõi theo của nhiều người. Nghĩ mình thân phận ngoại quốc, không cho bà lão thì bẽ mặt quá, còn cho thì quả thật Bây-cơn không muốn, mà nếu có hào hiệp đi nữa thì ông còn nhớ trong túi mình lúc ấy toàn tiền chẵn. Bây-cơn đảo mắt tìm người phiên dịch thì may quá, bà lão chỉ đi qua, không dừng lại. Bây-cơn thở phào... Hình ảnh của bà lão, cuộc đối thoại với viên trại trưởng và cuộc tiếp xúc với những người tù đưa đến cho Bây-cơn một nhận thức mờ ảo, chưa định hình.
 
Đấy là điều gì nhỉ? Ông đang nghĩ đến tận cùng để gom lại các sự kiện thì đột nhiên trong ký ức bỗng hiện lại hình ảnh bóng đen của một toán cướp đã đường đột chặn xe ông một đêm cách đây tám năm ở tỉnh Ninh Bình. Đó là lần đầu ông sang Việt Nam sau giải phóng, khảo sát một loại động vật quý hiếm nhằm hoàn chỉnh luận án tiến sĩ. Lúc xe dừng hẳn, ông sợ đến nghẹt thở, cứ nghĩ là mình bị toi mạng. Sự sống lúc đó mong manh lắm. Thà trước đây ông làm tù binh của Việt cộng còn hơn. Họ còn có chính sách. Chứ lúc ấy đã là tù binh của tụi cướp có vũ khí không được giáo dục thì ai bảo lãnh? Nhưng thật kỳ lạ, chúng lột sạch tiền anh lái xe người Việt, còn đối với ông, chúng xin một bao thuốc ngoại hút dở. Về đến Hà Nội, anh lái xe cũng không thể giải thích nổi tại sao tụi cướp lại làm thế? Hai người cùng chẳng nghĩ đến chuyện báo với nhà chức trách... Buổi sáng hôm sau, nhân tiện Liêm hỏi thăm về giấc ngủ của Bây-cơn, ông bộc bạch với Liêm cốt để chọc tức anh:
 
- Thưa ông! Tôi cứ thử tưởng tượng đêm qua, lũ tù của ông mà phá tung cái trại này chạy ra thì không hiểu số phận tôi sẽ như thế nào?
 
Không ngờ, Liêm không những không bị kích động, mà trái lại có vẻ vui là khác:
 
- Xin ông yên tâm cho. Tôi có thể nói với ông một nhận biết của tôi rằng, trong mấy chục năm qua, trên đất nước chúng tôi chưa từng xảy ra một vụ án mạng nào mà nạn nhân là người nước ngoài. Chưa một người ngoại quốc nào bị bọn tội phạm giết hại cả.
 
- Thật thế sao? - Bây-cơn có vẻ không tin.
 
- Nếu ông không tin, xin cứ tìm hiểu những người cấp trên của chúng tôi thì rõ. Đây mới chỉ là tổng kết của tôi mà thôi.
 
Bây-cơn vẫn chưa chịu:
 
- Còn chiến tranh thưa ông Liêm! Chẳng nhẽ ông loại trừ?
 
Lúc này. Liêm như cứng hơn, nghiêm mặt nhìn Bây-cơn:
 
- Đó thuộc về quy luật khắc nghiệt khác, thưa ông. Ông là trí thức, chắc ông đã biết chúng tôi buộc phải làm như vậy. Ngay vấn đề tù binh, thưa ông Bây-cơn, cha ông chúng tôi ngày xưa và chúng tôi bây giờ đều làm giống nhau cả.
 
- Điều này tôi xin nhất trí với ông, Bây-cơn nói không cần nghĩ lâu - Tôi rất thích áng văn Cáo Bình Ngô của nước ông mà có lần tôi được đọc qua bản dịch tiếng Pháp. Còn điều nữa, liên quan đến tội phạm thì xin thú thật với ông, tôi từng bị bọn cướp nước ông chặn xe cách đây tám năm ở Ninh Bình. Hôm qua tôi vừa nghĩ tới chuyện đó, muốn xin hỏi ông tại sao tụi cướp lại buông tha tôi?
 
Liêm nhìn Bây-cơn dò hỏi, có phần hơi ngạc nhiên về sự tự bạch chân thành của ông ta. Liêm gọi một cán bộ mang hồ sơ đến. Bây-cơn thấy Liêm lật giở từng trang như tìm một điều gì, nên càng chăm chú theo dõi. Sau một lúc đăm chiêu. Liêm nhìn Bây-cơn hỏi:
 
- Có phải đấy là đêm... tháng... năm 1986 không?
 
- Thưa ông?
 
- Đúng. Đúng như vậy! - Bây-cơn sửng sốt - Đó là đêm mà tôi không bao giờ quên. Các ông cũng biết sao.
 
Liêm cười thành tiếng mà vẫn không vui:
 
- Ông quả là người không may. Tên cướp ấy vừa chuyển đi trại khác. Hắn bị tù chung thân. Giá như ông đến sớm chút nữa, chúng tôi sẽ bố trí để ông gặp người đó thì chuyến đi của ông thú vị biết bao. Hắn đã bị bắt về một tội khác, nhưng vào đây hắn đã thành thật khai thêm chuyện chặn xe của một khách nước ngoài. Tôi không ngờ đây lại chính là ông. Thật khó tin quá. Tôi từng hỏi cung tên trưởng nhóm cướp này, cũng thắc mắc với hắn như câu hỏi của ông với tôi. Hắn bảo, hắn làm thế một cách tự phát, còn vì sao thì hắn không biết, chính tôi đây, tôi cũng chưa giải thích được.
 
Đến lượt Bây-cơn suy nghĩ. Lần đầu tiên trong các cuộc tiếp xúc với Liêm, ông ta mới nói một câu mà Liêm cho là có thiện chí. Có lẽ đó là nhận xét của một nhà khoa học:
 
- Thưa ông trại trưởng, có thể các ông sống mà chưa nhận ra được cái vốn quý đang ngấm vào máu thịt các ông. Những hành động ngẫu nhiên hay tự phát của tên cướp, hay của ông và của nhiều người nữa chỉ có thể giải thích được bằng nền văn hóa dân tộc ông. Các ông thử đi theo hướng này có thể tìm được lời đáp.
 
Bây-cơn thấy Liêm gật đầu xác nhận, đây cũng có lẽ là lần đầu đồng ý duy nhất trong các buổi tiếp. Chờ mấy phút cho người phiên dịch nói gì đó với Bây-cơn, Liêm mới chậm rãi nói như không chỉ cho ba người:
 
- Thế mà, ông Bây-cơn ạ, chúng tôi chưa nhận được đối xử một cách công bằng. Qua báo chí tôi được biết, kiều bào vô tội nước tôi lại bị giết hại một cách dã man ở một số nước, có người lao động nước tôi còn bị giết một cách vô lý ở một vài nước tự xưng là có tính nhân đạo lâu đời...
 
Thấy biểu hiện đau đớn trên khuôn mặt Liêm lúc đó, anh phiên dịch và Bây-cơn cùng đưa mắt cho nhau, im lặng...
 
Lúc chuẩn bị tiễn Bây-cơn ra xe rời trại, cũng lần đầu tiên Liêm hỏi ông ta:
 
- Thưa Tiến sĩ! Tiến sĩ phục vụ quyền lợi của dân tộc nào?
 
Bây-cơn nhún vai:
 
- Tôi không hiểu! Thưa ông trại trưởng.
 
Liêm lại cười:
 
- Tôi được nghe giới thiệu ông mang hai quốc tịch lại làm việc cho một tổ chức quốc tế, nên thưa ông, cũng chỉ tò mò hỏi vậy.
 
Bây-cơn thấy thật khó trả lời chính xác. Ông lấy cái bắt tay tạm biệt để trốn một lời đáp. Chuyến đi của ông lẽ ra tìm hiểu về cuộc sống tù nhân lại bị lạc đề sang tìm hiểu người trại trưởng. Tuy vậy ông vẫn cho rằng, đấy là phương pháp riêng của ông - của một nhà khoa học có thể rút ngắn con đường tiếp cận chân lý. Chuyện ấy còn xa xôi nhưng lúc này ông thật sự có cảm tình với viên trại trưởng. Tay này lạ lắm, trong mấy ngày, chỉ có ông hỏi, ông thăm dò và hắn đáp. Đến lúc hắn hỏi lại ông câu đầu tiên thì lại là một câu hỏi rất khó. Ông đã đi nhiều nước, gặp nhiều người nhưng chưa thấy ai như hắn đặt câu hỏi “ông phục vụ dân tộc nào?”. Người có trình độ ứng xử đối đáp như ông trại trưởng này, đâu phải hỏi chỉ vì tò mò... Suốt buổi Bây-cơn ngồi trên xe, hình ảnh của Liêm cứ bám riết lấy ông, rồi đến hình ảnh của bà lão ăn mày không cầu xin ông, hình ảnh của tên ăn cướp tha ông rồi tù chung thân mà ông rất muốn gặp mặt, rồi những người tù khác mà ông thẩm vấn vừa rồi... Chắc chắn họ khác nhau nhiều, nhưng có một điểm chung với Liêm là rất lạ. Vậy cái lạ lùng đó là gì nhỉ? Hình như chúng nằm sâu ở tầng văn hóa thứ bao nhiêu đó. Chắc chắn, thế nào ông cũng tìm được lời đáp như đã khuyên với Liêm. Và ông sẽ nói cho đất nước của ông - nơi sinh ra ông - biết về kết luận của mình. Nếu có sang Việt Nam lần sau, ông có thể trả lời câu hỏi của viên trại trưởng.
 

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.