Chính quyền tiếp thu ý kiến người dân

Chia sẻ

PNTĐ-Trên cơ sở thông tin bài viết đăng tải, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với báo PNTĐ, giải đáp thắc mắc của người dân.

 
Báo Phụ nữ Thủ đô số 37 ra ngày 12/9/2018 đã đăng tải bài viết “Công viên hồ điều hòa Nhân Chính: Đã mở cửa nhưng cần hoàn thiện hơn”. Trên cơ sở thông tin bài viết đăng tải, ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQLDA) đã có buổi làm việc với báo Phụ nữ Thủ đô, giải đáp thắc mắc của người dân.
 
Bài viết phản ánh ý kiến của người dân về việc công viên hồ điều hòa Nhân Chính đã chính thức mở cửa từ ngày 10/9/2018 nhưng một số hạng mục vẫn chưa hoàn thiện. Cụ thể, đường bao để người dân đi dạo quanh hồ mới thông một nửa; hệ thống ghế đá, thùng rác công cộng chưa được bố trí. Ngoài ra, nước hồ chưa được xử lý, bốc mùi hôi nên nhiều người phải đeo khẩu trang.
 
Bên cạnh đó, nhiều người dân lo ngại khoảng vỉa hè trước cổng chính của công viên được lát đá sạch đẹp nhưng do tuyến đường Hoàng Minh Giám thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm nên nhiều xe máy, thậm chí có cả ô tô vẫn lao lên vỉa hè để đi. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, e rằng lâu ngày, mặt đá tại khu vực này sẽ bị cày xới, nứt vỡ, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Ngoài ra việc các phương tiện giao thông tự do đi lại trên vỉa hè còn gây nguy hiểm cho người đi bộ.
 
Theo ông Lê Hồng Thắng, công viên hồ điều hòa Nhân Chính mở cửa phục vụ toàn thể nhân dân tham gia sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập thể dục, thể thao. Theo thiết kế, công viên bao gồm các cụm tiểu cảnh, chòi nghỉ, bồn cây được ốp lát bằng vật liệu đá tự nhiên granite. Những vị trí trên được kết hợp làm ghế ngồi cho người dân mỗi khi dừng nghỉ. Do đó công viên không bố trí thêm ghế đá. BQLDA cũng đã bố trí 50 thùng rác quanh đường dạo và các vị trí khác trong công viên để người dân tham gia sinh hoạt thuận tiện bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định.
 
Về nội dung người dân phản ánh tình trạng nước trong hồ bị ô nhiễm, bốc mùi, ông Thắng cho biết UBND quận Thanh Xuân đã làm việc và giao cho Xí nghiệp thoát nước số 6 trực thuộc công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội quản lý, duy tu, duy trì vệ sinh mặt hồ, duy trì mực nước hồ điều hòa và trạm bơm. Hiện tượng nước mặt hồ bị váng xanh, bốc mùi là do có một lượng tảo xanh lẫn trong nước. Mặt khác, do công viên mới đi vào hoạt động, dưới đáy hồ còn sót lại một số cây bụi, cây dại và rong rêu bị phân hủy nổi trên mặt hồ. Hiện tại, Xí nghiệp thoát nước số 6 đang hàng ngày thực hiện vớt rác và sử dụng các biện pháp để duy trì vệ sinh nước hồ như làm bè thủy sinh, sử dụng chế phẩm sinh học.
 
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, mặt tiếp giáp tuyến đường Khuất Duy Tiến sẽ được xây dựng tuyến cống ngầm 3*3,3*2,8m, cống hóa mương Hòa Mục và xây dựng các hạng mục đường dạo, bồn cây để trồng hoa, cây xanh và thảm cỏ. Trong quá trình thực hiện dự án, có một số hộ dân thuộc phường Nhân Chính có đơn kiến nghị về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 từ năm 2006 (đoạn tiếp giáp với công viên Nhân Chính và Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân). Về việc này, UBND thành phố Hà Nội đã giao Thanh tra Thành phố thụ lý và xác minh, giải quyết đơn.
 
Hiện tại, UBND Thành phố đang xem xét, kết luận. Sau khi UBND Thành phố ban hành văn bản kết luận của thanh tra, UBND quận Thanh Xuân sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện ngay công tác thu hồi đất theo đúng quy định để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng triển khai thi công tiếp.
 
Về những lo ngại của người dân về an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trước cổng công viên, ông Thăng cho biết, phía bên phải của công viên là khu vực trông giữ xe ô tô cho khách, được phân ô, ngăn cách bằng những bồn hoa, cây cảnh. Do đó, khoảng không gian rộng lớn phía trước cổng công viên là chỗ để xe ra vào, quay đầu. Phần diện tích vỉa hè này được được lát đá chịu lực tốt nên đảm bảo về độ bền và chịu lực. Trong thời gian tới, công viên sẽ tăng cường lực lượng bảo vệ để nhắc nhở, canh gác, đặt cọc và chăng dây phân cách, không để việc một số người dân tự ý lao xe lên vỉa hè khi tắc đường gây nguy hiểm cho người đi bộ. 
 
Mong rằng, với những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, người dân sẽ hài lòng về một được một không gian công cộng có nhiều cây xanh, thoáng mát, yên tĩnh, từ đó sẽ nâng cao ý thức chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát triển công viên trở thành không gian công cộng văn minh của Thủ đô.
 
 
Hà My

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.