Sắc màu văn hóa Việt ở đấu trường nhan sắc thế giới

Chia sẻ

PNTĐ-Sau sự thành công của Nguyễn Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái đất 2018, việc các người đẹp Việt nô nức đi thi nhan sắc quốc tế thời điểm này được công chúng quan tâm hơn...

 
Sau sự thành công của đại diện Việt Nam Nguyễn Phương Khánh đăng quang Hoa hậu Trái đất 2018, việc các người đẹp Việt nô nức đi thi nhan sắc quốc tế thời điểm này được công chúng quan tâm hơn. Hình ảnh của Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy tại cuộc thi Hoa hậu thế giới đang rất được dư luận chú ý…
 
Tưng bừng “khoe” sắc màu văn hóa Việt
 
Ngày 11/11 vừa qua, Hoa hậu Trần Tiểu Vy đã tham gia phần thi “Dance of the world” tại cuộc thi Hoa hậu thế giới diễn ra tại Sanya (Trung Quốc), cô gây bất ngờ khi dự thi với bài múa “Cô Đôi Thượng Ngàn”. Đây là lần đầu tiên một ứng viên dự thi nhan sắc thế giới đem văn hóa Đạo Mẫu giới thiệu với bạn bè quốc tế. Trước khi lên đường, Tiểu Vy cũng đã kịp chụp bộ hình với trang phục Cô Đôi Thượng Ngàn. Cô cũng đã tập cả phần múa đuốc lửa theo Nghi lễ hầu đồng, nhưng Ban tổ chức Hoa hậu thế giới đã không cho phép sử dụng vì sợ không an toàn. 
 
Sắc màu văn hóa Việt ở đấu trường nhan sắc thế giới - ảnh 1
Hoa hậu Trần Tiểu Vy trong trang phục Cô Đôi Thượng Ngàn 

 
Trước Tiểu Vy, Hoa hậu trái đất Phương Khánh cũng góp mặt trong phần thi tài năng của cuộc thi Hoa hậu trái đất bằng ca khúc “Tiếng trống Mê Linh” với trang phục của các nữ tướng Việt Nam khá thu hút. Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh từng chọn việc thể hiện tài năng chơi đàn bầu - loại nhạc cụ dân tộc nổi tiếng của người Việt ở cuộc thi Hoa hậu thế giới 2017…  
 
Tuy nhiên, việc khoe bản sắc văn hóa Việt tại cuộc thi là điều khiến các người đẹp và ekip vô cùng đau đầu. Vừa cần lựa chọn đúng bản sắc, không “đụng hàng”, phải phù hợp với khả năng của người đẹp, lại phải gây ấn tượng mạnh khi xuất hiện. Chừng ấy tiêu chí hội tụ lấy đi của ekip hỗ trợ các người đẹp không biết bao nhiêu trí tuệ. Cũng có thể thấy phần lớn cách “khoe bản sắc nước nhà” đều tập trung vào trang phục dân tộc. Chính vì vậy, cuộc đua bản sắc Việt trên các thiết kế dân tộc dự thi là cuộc đua khá căng thẳng ngay trong nước, làm sao để các thiết kế vừa khoe được nhiều nhất sắc màu Việt Nam, lại vừa không “đụng hàng” khi các người đẹp “ùn ùn đi thi Quốc tế” như hiện nay. 
 
Điều khá mừng là gần đây các nhà thiết kế cũng đã biết vượt khỏi vòng an toàn của chính mình để thiết kế những trang phục dân tộc với nhiều cảm hứng từ các sắc màu văn hóa khác nhau chứ không chỉ có áo dài như áo tứ thân, trang phục các dân tộc anh em. Trang phục dân tộc H’Mông của người đẹp Nguyễn Diệu Linh thể hiện tại cuộc thi Nữ hoàng du lịch Quốc tế vừa qua rất được khen ngợi. Trong một số trang phục được chuẩn bị cho Hoa hậu Hoàn Vũ H’Hen Niê, trang phục lấy cảm hứng bộ trang phục dân tộc Ê Đê cũng khá thú vị, hoặc trang phục cảm hứng từ tuồng cổ Việt Nam cũng khiến khán giả thích thú. 
 
Đừng sáng tạo quá đà…
 
Việc đề cao các yếu tố dân tộc đối với các người đẹp đi dự thi quốc tế là điều cần phát huy, bởi ở góc độ cộng đồng,điều này kích thích người trẻ tuổi quan tâm tới các yếu tố văn hóa truyền thống hơn. Tuy nhiên, đáng nói là chúng ta không nên vì muốn gây ấn tượng mà sáng tạo quá đà trên những yếu tố truyền thống đó. Sự quá đà hiện nay có thể thấy rõ nét trên các trang phục áo dài, nhiều thiết kế gần đây đều cố gắng lộng lẫy hóa, cồng kềnh hóa, hy vọng tạo thu hút trên sân khấu, nhưng một số gây phản tác dụng khi cái mấn quá to sẽ “nuốt” mặt người đẹp, cái áo quá cồng kềnh với long - rồng - phụng thấy na ná trang phục phim cổ trang Trung Quốc. Cuối cùng, các thiết kế ấy khiến người ta không nhận ra đâu thực sự là vẻ đẹp của áo dài Việt vốn được coi là trang phục truyền thống thanh tao, vừa kín đáo lại vừa khoe trọn vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ. 
 
Năm ngoái, trang phục dự kiến mặc dự thi dự Hoa hậu Hoàn vũ của Á hậu Lệ Hằng cũng gây nhiều trang cãi khi các tác phẩm đều có khuynh hướng tả thực như bê nguyên những chiếc đó được làm bằng mây vốn dùng để bắt cóc gắn sau lưng hay để mô tả múa rối nước thì gắn các con rối lên váy lỉnh kỉnh, thậm chí “dính” cả cái nón khổng lồ bên hông… khá thô và thiếu thẩm mỹ. Bộ trang phục trong số các trang phục chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ của H’Hen Niê đang gây “sốt” nhất hiện nay là đưa cả bánh mì kẹp thịt lên váy. Ý tưởng này bắt nguồn từ việc Việt Nam bất ngờ nổi tiếng cả thế giới với bánh mì kẹp giá 10 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi lên váy hình ảnh bánh mì kẹp kiểu tả thực lại to cồng kềnh lúc lỉu vào nhau nhìn rất khó… nuốt. Cùng với loạt thiết kế được cho vào vòng trong chọn lựa này đều có những trang phục mang tính tả thực kém thẩm mỹ, ví như lấy cảm hứng Hội An thì đưa cả cái cầu Hội An lên… đầu.
 
Thời trang là sự tinh tế, là những biến hóa và sự cách điệu, bất luận nhà thiết kế làm gì thì điều đầu tiên cũng là tôn vinh vẻ đẹp của người mặc. Những suy nghĩ giản đơn như đưa nguyên hiện thực lên trang phục sẽ làm mất giá trị của trang phục, đồng thời việc khoe bản sắc cũng kém hiệu quả. Vậy nên, điều cần thiết chính là sự chịu khó tìm tòi khai thác văn hóa trang phục của người Việt xưa và nay, khai thác hết trang phục của các dân tộc anh em của người Việt… cũng sẽ đủ cho người đẹp đi thi quốc tế vài chục năm nữa chưa hết. Chỉ mong sao, cùng với việc ngày càng nâng cao vị thế trên đấu trường nhan sắc quốc tế, các người đẹp Việt sẽ đóng góp nhiều hơn cho việc đưa hình ảnh cùng bản sắc văn hóa Việt đến với bạn bè thế giới một cách đúng đắn, đảm bảo thuần phong mỹ tục, mang tính văn hóa thực sự.
 
 
Hương Mai

Tin cùng chuyên mục

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Độc đáo Triển lãm trực tuyến giới thiệu bộ sách kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), Nhà xuất bản Kim Đồng đã phát hành bộ sách gồm 17 cuốn sách viết về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng. Trong đó, đáng chú ý là cuốn sách “Kí họa trong chiến hào” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.
Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người dân háo hức xem lễ diễu binh diễu hành Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngay từ sáng sớm sáng 7/5, đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và nhiều địa phương trong cả nước đã đến Sân vận động thành phố Điện Biên cùng theo dõi Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và dành những tình cảm hướng về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
 “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - Những khoảnh khắc hùng tráng của lịch sử dân tộc

(PNTĐ) - Tối 6/5, tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử”, tạo nên một dòng chảy nghệ thuật vừa hào hùng, vừa sâu lắng, hồi tưởng về những khoảnh khắc hùng tráng đã khắc sâu trong lịch sử dân tộc 70 năm về trước.