Sôi động kỷ niệm Ngày di sản Việt Nam

Chia sẻ

PNTĐ-Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2018), hàng loạt các hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa tiêu biểu của Hà Nội và cả nước đã được diễn ra...

 
Suốt trong thời gian gần đây cho đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2018), hàng loạt các hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa tiêu biểu của Hà Nội và cả nước đã được diễn ra, giúp người dân thấy được những giá trị cần phát huy và bảo tồn của di sản…
 
Hà Nội - xứng danh “cái nôi” di sản
 
Vừa qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Tư liệu linh vật Nghê Việt”. Triểm lãm cho người dân thấy hình ảnh chuẩn mực của linh vật gắn bó với người Việt bấy lâu nay đồng thời giúp phân biệt rõ hình tượng linh vật Nghê của Việt Nam với các linh vật của nước ngoài qua hơn 200 hình ảnh, tư liệu linh vật Nghê theo các nội dung: Nguồn gốc - Đặc điểm tạo hình - Phân loại linh vật Nghê Việt - So sánh linh vật Nghê Việt với linh vật một số quốc gia; Nghê chốn chùa chiền; Nghê chốn cung vua, phủ chúa; Nghê chốn lăng tẩm, đền miếu; Nghê tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Nghê chốn đình làng và các hiện vật bảo tàng và một số phiên bản tượng linh vật Nghê thế kỷ XVII tại Di tích Quốc gia đặc biệt đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư, Ninh Bình). Triển lãm mở cửa từ 15/11/2018 - 15/2/2019.
 
Sôi động kỷ niệm Ngày di sản Việt Nam - ảnh 1
Quan khách tham quan triển lãm “Tư liệu linh vật Nghê Việt” 

 
Tại không gian văn hóa phố cổ, rất nhiều các sự kiện nhân Ngày di sản đã và đang được diễn ra. Buổi tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” diễn ra vào ngày 18/11 đã cho công chúng thấy bức tranh lịch sử xẩm ở từng thời kỳ: Hát xẩm trước Cách Mạng tháng 8 (1945), hát xẩm từ Cách Mạng tháng 8 đến khi thống nhất đất nước (1975) và hát xẩm đương đại (từ 1975 đến nay). Chương trình có sự tham gia của những tên tuổi nghệ nhân nổi tiếng của làng xẩm như NSND Xuân Hoạch, Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Hải Phòng) và một số nghệ nhân dù chưa được phong tặng danh hiệu nhưng rất nổi tiếng trong làng xẩm như bà Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu), ông Lê Văn Vượng cùng đến từ chiếu xẩm mang tên cố nghệ nhân Hà Thị Cầu tại Yên Mô, Ninh Bình và một số nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng đến từ nhiều nhóm, hội, địa phương khác nhau. 
 
Vào ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh gặp mặt các đại biểu, cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, các nhà khoa học, nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa và các cán bộ làm công tác di sản văn hóa của Thủ đô. Cũng trong ngày này, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội với hình ảnh và một số hiện vật về 13 di tích được Thủ tướng xếp hạng. Cùng với đó là hoạt động giới thiệu, trình diễn một số loại hình văn hóa phi vật thể của Hà Nội như: Ca trù, hát văn, hát dô, chèo tàu… Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/12.
 
Tôn vinh tinh hoa di sản cả nước
 
Từ ngày 21 - 23/11, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Hà Nội tổ chức trưng bày “Không gian di sản văn hóa Việt Nam 2018”. Từ ngày 23/11 đến 2/12, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hoá “Nét xưa” với tâm điểm là chương trình Hương sắc Cố đô. Hàng loạt các hoạt động thú vị được diễn ra thời điểm này như: chương trình giới thiệu trang phục áo dài và âm nhạc truyền thống hai miền Bắc - Trung; chương trình giao lưu âm nhạc hai miền Bắc và miền Trung với chủ đề “Ai vô xứ Huế, Ai ra Bắc thành”; trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập trang phục truyền thống Huế của TS Thái Kim Lan; trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập đạo cụ nhạc khí Cung đình Huế của nhóm Nhã nhạc Phú Xuân và nhóm Đông Kinh Cổ nhạc. 
 
Cũng trong dịp này, Ban Quản lý Phố cổ còn tổ chức tọa đàm “Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu” và triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các đình tổ Nghề trong khu Phố cổ Hà Nội tại đình Kim Ngân (số 42, 44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm)... Từ ngày 23/11 đến 25/11 tại Ngôi nhà di sản - 87 Mã Mây, Hà Nội, BQL Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu trà Cao Sơn tổ chức hoạt động văn hóa với chủ đề: “Nét nhạc thanh trong lòng phố thị” giới thiệu tới du khách về các thú chơi tao nhã của người Hà Nội: thú chơi cây cảnh, thú chơi chim, văn hóa trà Việt. 
 
Hoàng Nhi

Tin cùng chuyên mục