"Cơm không rau, đau không thuốc"

Chia sẻ

PNTĐ-Rau xanh quả là những cây cỏ gần gũi với con người, có khi vừa là lương thực (củ, quả), vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc đơn giản, rẻ tiền, công hiệu...

 
Ảnh minh họa

 
“Cơm không rau (như) đau không thuốc”. Đó là một câu tục ngữ rất quen thuộc, đã có từ rất lâu rồi trong kho tàng tục ngữ Việt. Với 6 âm tiết, ngữ nghĩa của câu này cũng rõ ràng, hiển ngôn mà có lẽ người Việt nghe đọc lên ai cũng hiểu: Trong mỗi bữa cơm mà không có rau (làm thức ăn) thì chẳng khác nào khi ốm đau không có thuốc men (để chữa cho lành).
 
Chuyện ai đó bị mắc bệnh (tiếng Bắc gọi là ốm, tiếng  Nam gọi là đau, từ chung là ốm đau) đi bệnh viện thăm khám và sau đó phải dùng thuốc (theo bác sĩ kê đơn) để điều trị là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Đó là kinh nghiệm và là chân lí bao đời của nhân loại chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhưng chuyện “cơm không rau” thì có vẻ chưa được quán triệt tới mức “không làm thế không được”. Bởi có nhiều người, nhiều gia đình vẫn không coi rau bắt buộc phải có trong mọi bữa ăn. Bằng chứng là nhiều lần ta chứng kiến những bữa cơm “nhìn đâu cũng thấy thịt cá” chứ không thấy bóng dáng cọng rau nào (có chăng chỉ là mấy thứ gia vị hành tỏi). Đi ăn cỗ bây giờ mới sợ (kể cả nông thôn đến đô thị), nhìn đâu cũng chỉ thấy tôm cua thịt cá, chế biến đủ món, còn rau thì ít ỏi.
 
Theo mạch suy nghĩ này, cũng còn một câu tục ngữ “anh em đồng hao” nữa là “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Theo Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB TP Hồ Chí Minh, 2010) thì câu này có nghĩa là “Đói thì nên ăn rau (cho đỡ xót dạ); đau thì nên uống thuốc (cho bệnh chóng qua)”. Câu này còn khẳng định rõ hơn vai trò vô cùng quan trọng của rau: Hễ đói thì ăn rau (và những thứ khác, rất thông dụng, thuộc “phạm trù rau”, như cơm, bánh trái, khoai, ngô, sắn...), như một điều hiển nhiên (như đau ốm thì uống thuốc). Hai vế thể hiện hai chân lí đời thường “như đinh đóng cột”.
 
Nói như vậy, hẳn nhân dân ta đều phải dựa vào những cơ sở khoa học mang tính dân gian chứ nhỉ?
 
Đúng vậy, từ xưa, Đông y đã coi thuốc chữa bệnh và thực phẩm ăn uống đều có chung nguồn gốc (cây củ quả lấy từ thiên nhiên). Đông y cũng đánh giá thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. “Bệnh từ miệng mà ra”. Ăn uống là cội nguồn sức khỏe của mỗi người. Ăn thế nào cho phù hợp, cho ngon, cho lành, cho khỏe luôn là vấn đề dinh dưỡng cổ truyền quan tâm hướng tới.
 
Rau xanh là thực vật từ thiên nhiên hoặc do con người trồng cấy. Vườn nhà có (rau) muống, rút, dền, đay, cải, mồng tơi…; (quả) mướp, bí, bầu, dưa chuột, su su, đậu các loại...; (củ) khoai lang, khoai tây, khoai môn, sắn, dong...; rau thiên nhiên tự mọc có (rau) dền cơm, rệu, sam, mơ lông, má, tàu bay; (củ) mài, chụp, niễng, súng... đều là những thực phẩm quen thuộc cho mọi gia đình.
 
Chúng ta biết, rau xanh có các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như protein, lipit, gluxit, vitamin, chất khoáng, chất vi lượng… Rau xanh còn có chất xenlulô (tiếp Pháp: cellulose, tức chất gluxit - thành phần cấu tạo chủ yếu của màng thực vật) giúp cho việc tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, tăng cường tiết mật, làm giảm nồng độ cholesterol trong máu… Chất xơ trong rau còn giúp cho nhu động của ruột, nhuận tràng, chống táo bón. Vì thế trong khẩu phần ăn hằng ngày, nếu ta ăn đầy đủ rau xanh sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Thân thể phát triển đồng đều, tránh được bệnh tật. Các cô gái (nhất là những người đẹp trên sàn showbiz) muốn cho làn da khỏe, mịn màng thường uống các loại sinh tố từ quả (chanh, mơ, đu đủ, bơ, xoài, chuối…).
 
Rau xanh còn là một vị thuốc “đa năng”. Mọi loại rau vườn nhà đều có công dụng chữa bệnh đó. Này nhé, ngải cứu giúp giải cảm, giảm sốt (rang với cám đánh cảm, đun nước sôi cùng lá tre, lá sả, lá kinh giới... để xông cho hạ sốt, ra mồ hôi, nhẹ người); lá mơ lông trộn trứng gà hấp chín chữa bệnh lị hay đi kiết; lá hẹ giúp chữa ho; lá ổi nhai hoặc sắc uống chữa ỉa chảy; hành và tỏi giúp tăng cường sinh lực, tăng đề kháng, kích thích tiêu hóa; gừng chườm nóng giảm đau, uống giúp làm ấm người, tiêu hóa tốt, phòng chống ung thư... Vườn rau xanh trong mỗi nhà chính là vườn thuốc nam chữa bách bệnh đó.
 
Rau xanh quả là những cây cỏ gần gũi với con người, có khi vừa là lương thực (củ, quả), vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc đơn giản, rẻ tiền, công hiệu. Chả thế mà từ hơn ngàn năm trước, Thần y Hoa Đà (145-208) đã có câu nói nổi tiếng “Thà ăn cơm không có thịt, chứ nhất định không được ăn cơm mà không có rau”. 
 
Rau xanh đơn giản, dễ trồng
Ăn nhiều cho khỏe lại không bệnh gì…
 
 
PGS.TS Phạm Văn Tình

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.