Bài học ứng xử sư phạm sâu sắc của giáo viên

Chia sẻ

PNTĐ-Sự việc giáo viên Nguyễn Hà Trang, trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa yêu cầu học sinh lớp 2 tát bạn 50 cái vì nói bậy gây bức xúc dư luận cuối cùng đã tạm lắng...

 
Sự việc giáo viên Nguyễn Hà Trang, trường tiểu học Quang Trung, quận Đống Đa yêu cầu học sinh lớp 2 tát bạn 50 cái vì nói bậy gây bức xúc dư luận cuối cùng đã tạm lắng. Giáo viên này đã nhận thức được sai lầm và BGH nhà trường tạm đình chỉ công tác cô Trang và gửi lời xin lỗi sâu sắc tới toàn thể HS, PHHS của trường. Tuy nhiên, sự việc đã nêu bài học về kỹ năng ứng xử sư phạm của giáo viên cần phải được gióng hồi chuông cảnh báo.  
 
Bài học ứng xử sư phạm sâu sắc của giáo viên - ảnh 1
Tình yêu thương sẽ giúp thầy cô có ứng xử đúng với học trò

 
Hậu quả từ lời nói bột phát của cô chủ nhiệm
 
Theo báo cáo của UBND quận Đống Đa gửi UBND và Sở GD-ĐT Hà Nội, vào giờ Hướng dẫn tự học buổi chiều ngày 3/12, tại lớp 2A5, cô giáo Nguyễn Hà Trang đang hướng dẫn cho học sinh làm bài thì học sinh Minh Đ ở phía dưới lớp thưa bị bạn P trêu. Trong lúc đang nghe học sinh phát biểu, cô Trang có nói dọa học sinh “Tát cho bạn cái” rồi quay ra hướng dẫn cho các em học sinh khác. Học sinh Minh Đ đã quay xuống và tát bạn P Khi phát hiện học sinh P bị bạn tát, cô Trang đã xuống và cho dừng ngay sự việc. Sau đó mọi hoạt động học tập của lớp vẫn diễn ra bình thường.
 
Tối cùng ngày, cô Trang đã liên hệ với gia đình để thông báo và trao đổi vụ việc nhưng không liên lạc được với phụ huynh học sinh. Vào chiều ngày 4/12, Ban giám hiệu nhà trường và cô giáo Nguyễn Hà Trang đã đến nhà học sinh P gặp gỡ gia đình để thăm hỏi tình hình học sinh và xin lỗi gia đình học sinh về sự việc đáng tiếc trên. Tại thời điểm hiện tại, học sinh P đi học bình thường.
 
Chiều ngày 5/12/2018, Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung đã có quyết định tạm đình chỉ công tác của cô Nguyễn Hà Trang để trường trình và làm rõ vụ việc.
 
Xác định đây là vụ việc liên quan đến phương pháp giáo dục và nghiệp vụ sư phạm của giáo viên cần được xử lý nghiêm, UBND Quận sau đó đã ra quyết định thành lập Đoàn Thanh tra công vụ, xác minh làm rõ, nếu sai phạm xử lý nghiêm theo quy định Nhà nước. Lãnh đạo Quận đã yêu cầu Phòng Giáo dục cần phải rút kinh nghiệm cho các thầy cô giáo và nhân viên trong toàn ngành giáo dục quận Đống Đa; yêu cầu các trường tuyệt đối không để tái diễn hành động bột phát của giáo viên như sự việc tại trường tiểu học Quang Trung, tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, phụ huynh và chất lượng giáo dục. 
 
Tại cuộc họp báo trong sáng ngày 6/12 với sự tham gia của ông Tạ Ngọc Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Đống Đa, bà Ngô Thanh Tâm - phụ huynh học sinh P, bà Lê Anh Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung thừa nhận sự việc xảy ra là do bột phát của giáo viên. Tuy nhiên, BGH nhà trường xác định ngay cả là lời nói bột phát cũng không thể chấp nhận. Thay mặt BGH nhà trường, bà Lê Anh Vân đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể học sinh, PHHS nhà trường vì đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Được biết Sở GD-ĐT đã đề nghị Phòng GD-ĐT quận Đống Đa báo cáo hình thức kỷ luật cô giáo Trang trước 15/12. 
 
Hãy để tình yêu thươnglà kim chỉ nam
 
Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra các sự việc ứng xử phi sư phạm của giáo viên với học sinh, gây bất bình trong dư luận. Vừa mới đây là vụ việc cô giáo ở Quảng Bình cũng phạt học sinh bằng 231 cái tát khiến em này phải nhập viện, tinh thần hoảng loạn. Còn cũng tại Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa cũng đã có kết luận về vụ một nữ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của trường THCS Vân Đình, huyện Ứng Hòa đã tát 2 học sinh và đuổi một học sinh lớp 8 khác ra khỏi lớp. Ngoài ra, cô giáo này còn có lời xúc phạm học sinh khi biết bố mẹ em làm nghề thợ xây và bán thịt. 
 
Điểm chung trong các sự việc trên, là các học sinh đều được cho là vi phạm nội quy trong lớp học. Tuy nhiên, thay vì chỉ bảo, dạy dỗ các em, giáo viên đứng lớp lại chọn cách ứng xử sai lầm, cho dù là vô tình hay hữu ý. 
 
Ông Lê Sĩ Tứ, nguyên giáo viên trường THPT Trần Phú cho rằng: Trong mọi tình huống, giáo viên phải luôn luôn lấy tình yêu thương học trò lên hàng đầu. Giáo viên không được cho rằng mình là bề trên, còn học sinh là kẻ dưới nên có quyền bạo hành học sinh. Những vụ việc vừa qua cũng cho thấy, nhiều giáo viên đã thiếu sự tôn trọng học sinh của mình, ngay cả khi các em còn nhỏ tuổi. Vì vậy, họ sẵn sàng vi phạm thân thể, lòng tự trọng, danh dự của các em. 
 
Cô giáo Lê Thị Hồng Hoa, trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, người thầy khi đứng lớp phải đối mặt với nhiều tình huống xảy ra. Trong đó, có thể có những học sinh nghịch ngợm, chưa chăm học, mất trật tự trong lớp… “ở hoàn cảnh nào, người thầy cũng phải giữ được hình ảnh, từ suy nghĩ, tác phong, cách ăn mặc… đúng mực với học trò. Giáo viên cần nhớ rằng, mình không được phép đánh, mắng học trò. Các em chưa ngoan thì mới cần tới vai trò định hướng của giáo viên còn giáo viên, hãy luôn lấy tình yêu thương trò làm kim chỉ nam cho mình”.
 
Cô giáo Trần Quyến, trường THPT Kim Liên, Hà Nội cũng cho rằng, giáo viên cần luôn giữ hình ảnh chuẩn mực trong quá trình đứng lớp. Một cách ứng xử thiếu suy nghĩ, nóng vội có thể gây hậu quả lớn, ảnh hưởng tới nhiều học sinh. Giáo dục, cảm hóa học trò là hành trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, tinh tế và cao hơn hết là cái tâm của người thầy. Việc chỉ buông một lời nói bâng quơ, nhưng không có ý nghĩa giáo dục, phản sư phạm, ảnh hưởng tới học trò cũng không được phép chứ không nói đến hành vi bạo lực như tát, đánh học trò. “Người thầy có sức ảnh hưởng rất lớn tới học sinh. Đôi khi, chỉ một lời nói, cử chỉ nhỏ nhưng có thể cảm hóa, lay động một con người, giúp các em trở lại con đường đúng. Ngược lại, sự cáu giận, thóa mạ của thầy lại làm học sinh tổn thương và rất có thể càng đẩy trò tới chỗ có những hành vi tiêu cực hơn”. 
 
Vì thế, theo cô Quyến, sẽ không bao giờ là thừa để giáo viên luôn tự trau dồi kỹ năng ứng xử sư phạm, rèn luyện đạo đức trong cuộc đời làm nghề của mình.
 
P.V 

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.