Nữ Anh hùng Hoàng Ngân: Người lãnh đạo đầu tiên Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam

Chia sẻ
 
 
Nữ Anh hùng Hoàng Ngân: Người lãnh đạo đầu tiên Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam - ảnh 1
Nữ Anh hùng Hoàng Ngân

Năm 1947 tôi 17 tuổi, công tác ở ban Tuyên huấn tỉnh hội Phụ nữ cứu quốc (PNCQ) Hưng Yên. Thời gian ấy hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương chung một mặt trận kháng chiến chống đế quốc Pháp. Chị Hoàng Ngân, Bí thư PNCQ Liên khu Ba Quyết định thành lập Đội tuyên truyền phụ nữ liên tỉnh Hải Hưng. 
 
Đội tuyên truyền được thành lập gồm mười hai người có nhiệm vụ đi sâu đi sát vận động khuyến khích nhân dân nhất là phụ nữ hăng hái nhiệt tình tham gia kháng chiến, tích cực sản xuất, ủng hộ bộ đội, vận động chồng con, anh em gia nhập bộ đội, dân quân du kích, giúp đỡ đồng bào tản cư... Chương trình của chúng tôi là diễn thuyết, sau đó hát đơn ca, đồng ca, ngâm thơ, diễn kịch… Ngoài việc biểu diễn, chúng tôi còn làm tờ tập san Tia sáng 24 trang viết tay trên thếp giấy học sinh, làm triển lãm. Sau đó, cả đội được triệu tập lên khu hội ở Thái Bình.
 
Đội chúng tôi lên khu hội còn đang bỡ ngỡ thì may sao gặp Tâm Ninh (Tâm Ninh tên thật là Tâm, đi công tác đổi là Ninh, về sau là Bạch Diệp - NSND Điện ảnh). Tâm Ninh vốn là bí thư phụ nữ thị xã Hải Dương, đến chơi với đội tuyên truyền và thân với tôi. Ninh kể, chị Hoàng Ngân sinh ra trong gia đình khá giàu có. Mẹ chị có hàng cá rất lớn ở chợ Sắt (Hải Phòng), chị tên thật là Phạm Thị Vân, đi hoạt động cách mạng mới đổi là Hoàng Ngân. Chị thường tìm sách hay và báo Bạn dân của Đảng để đọc, đọc xong còn đem cho các bạn gái bán hàng ở các chợ đọc. Sau đó, chị  trở thành đảng viên và làm được rất nhiều việc cho phong trào phát triển. 
 
Đến cuối tháng 9/1939, Hoàng Ngân thoát ly gia đình đi làm công tác binh vận, rồi giữ đường dây liên lạc với Trung ương theo sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Trong công tác nhiều khó khăn gian khổ nhưng chị vẫn vượt qua, mấy lần chị bị bắt giam rồi được tha. Nhưng có lần chị bị bọn cảnh sát mật thám bắt và bị tù ở Hỏa Lò cùng trại giam nữ. Rồi anh Hoàng Văn Thụ cũng bị chúng bắt và cũng giam ở Hỏa Lò. Bọn địch biết anh Thụ là cán bộ lãnh đạo quan trọng nên cố thuyết phục anh nhưng không được. Chúng quyết định đưa anh đến Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì xử bắn. Trong trại giam nữ Hoàng Ngân nằm khóc nức nở. Lúc ấy chị em mới biết là anh Thụ và Hoàng Ngân yêu nhau nhưng không dám hỏi.
 
Mãi đến 3/1945, Nhật đảo chính Pháp chị Hoàng Ngân mới được ra tù. Chị lại đi đến các cơ sở cũ và tìm được các đồng chí của mình, lại hoạt động ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội. Cách mạng thành công rồi kháng chiến chống Pháp, chị Hoàng Ngân trở về làm bí thư PNCQ Hải Dương rồi hiện giờ là Bí thư PNCQ Liên khu Ba.
 
Thế rồi, chúng tôi được gặp chị Hoàng Ngân. Trước kia tôi cứ hình dung chị là một người đứng tuổi, khỏe mạnh, toát lên vẻ cương nghị. Không ngờ, chị còn quá trẻ và xinh đẹp, da trắng hồng, đôi môi không thoa son mà tươi hồng tự nhiên, đôi mắt đen hơi xếch, dáng người thon thả. Chị tươi cười hỏi han chúng tôi, căn dặn hãy phát huy khả năng làm tốt nhiệm vụ. Rồi chị khen tôi viết bài “Chú tiểu Bình” rất hay, chị rất thích. Bài đó tôi viết ngày chúng tôi ở chùa Phù Tải về một cô bé 11 tuổi, bố mất sớm, mẹ không nuôi nổi ba đứa con nên đem Bình gửi vào nhà chùa. Bình ngoan ngoãn, chăm chỉ nên được các sư thương. Trí nhớ của chị Ngân thật tuyệt vời, biết bao công việc quan trọng bận rộn mà chị vẫn nhớ tới từng bài báo nhỏ. Vài giờ đồng hồ lần đầu tiên được gặp chị, đâu có ngờ đến là không một lần gặp lại.
 
Đầu tháng 3/1949 tôi bất ngờ nhận được bức công văn, trong đó chị Hoàng Ngân viết đích danh tôi đi học lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng do Tổng bộ Việt Minh mở ở Việt Bắc. Thì ra chị Hoàng Ngân là Bí thư Đoàn PNCQ Việt Nam. Hôm đi họp Tổng bộ Việt Minh, anh Xuân Thủy nói với chị là Tổng bộ mở lớp đào tạo cán bộ viết báo, bên phụ nữ hãy cử người đi học. Chị chẳng làm báo bao giờ mà chỉ vài năm lãnh đạo Đoàn PNCQ Việt Nam chị đã thấy cần thiết và sáng lập ra tờ báo Phụ nữ Việt Nam.
 
Một tháng trời tôi đi bộ mới tới lớp học ở Bờ Rạ thuộc xã Phúc Trừu, Đại Từ, Thái Nguyên. Sau ba tháng học tập lớp bế mạc vào 6/7/1949. Tôi về khu Ba thì nhận được thư của chị Hoàng Ngân, mở ra xem thì thư chị đề 21/6/1949 thì ngày này lớp đang còn học mà thư lại chuyển về Khu Ba? Chị Bí thư Khu Ba xem bức thư chị Ngân viết do tôi đưa, chị bảo tôi thế thì cô Ngân mất sau ngày viết thư khoảng gần một tháng. Tôi bàng hoàng không ngờ chị lại ra đi sớm thế, mới 28 tuổi đời. Sau này hỏi ra mới biết chị chỉ kêu nhức đầu, có lúc ôm đầu vật mình rất khổ sở, thuốc men không có, bệnh viện thì xa. Chị em phải khiêng võng đưa chị đi, gặp mưa to phải tránh. Lúc khiêng chị gần tới bệnh viện thì chị đã tắt thở.
 
Tôi đã trân trọng lưu giữ bức thư của chị Hoàng Ngân trong suốt 70 năm qua. Để các chị em lớp sau này biết được tấm lòng và tài năng của chị, bức thư của chị, nay tôi đã gửi vào Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
 
 
Nhà văn Lý Thị Trung

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.