Thường xuyên hồi hộp, tức ngực… coi chừng đột quỵ

Chia sẻ

PNTĐ-Hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở... có thể là những dấu hiệu thầm lặng của bệnh “rung nhĩ” -chứng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở người cao tuổi hiện nay...

 
Hồi hộp, đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở... có thể là những dấu hiệu thầm lặng của bệnh “rung nhĩ” -chứng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở người cao tuổi hiện nay, với nguy cơ gây đột quỵ não gấp 5 lần, suy tim gấp 3 lần, tử vong gấp 2 lần so với người bình thường. Đáng nói, bệnh hiện đã xuất hiện cả ở người trẻ tuổi.
 
Thường xuyên hồi hộp, tức ngực… coi chừng đột quỵ - ảnh 1
Bác sĩ trung tâm Tim mạch bệnh viện E kiểm tra sức khỏe cho nam bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ

 
Theo các chuyên gia tim mạch, rung nhĩ là tình trạng buồng tâm nhĩ ở tim đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng tâm thất. Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập quá nhanh (chỉ rung rung chứ không co bóp thành từng nhịp đều đặn), khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập. Khi máu bị ứ trệ trong các buồng nhĩ này, có thể tạo thành cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến não, nguy cơ cao dẫn tới tắc động mạch não, gây ra đột quỵ.
 
Người bị rung nhĩ thường gặp phải một số triệu chứng như: cảm giác tim đập nhanh (đánh trống ngực), khó thở, hụt hơi, hoặc choáng váng, vã mồ hôi và đau tức ngực… Tình trạng này có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết nên người bệnh thường không để ý và điều trị sớm. Một số trường hợp bệnh tiến triển thầm lặng, thậm chí không có các biểu hiện trên.
 
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây rung nhĩ, nhưng tỷ lệ xuất hiện rung nhĩ cao hơn ở bệnh nhân có bệnh lý van tim (hở, hẹp, van 2 lá), mạch vành, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hay bệnh nhân sau phẫu thuật tại tim, tim bẩm sinh, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp… Đặc biệt, tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi. Bệnh thường gặp ở người có độ tuổi trên 75, nhưng bệnh hiện đang có xu hướng “trẻ hóa”.
 
Mới đây, một nam bệnh nhân 32 tuổi (quê Thanh Hóa), đã phải nhập viện điều trị tại khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch bệnh viện E vì thường xuyên xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, tức ngực, mệt mỏi… do chứng bệnh rung nhĩ gây ra.
 
ThS.BS Vũ Văn Bạ - khoa Nội tim mạch người lớn - người trực tiếp điều trị bệnh nhân này cho biết: Bệnh nhân được khảo sát bằng điện tim đồ trong 24 giờ liên tục, thấy xuất hiện nhiều cơn rung nhĩ trong ngày. Do bệnh nhân không dung nạp các thuốc chống rối loạn nhịp, nên bác sĩ tại trung tâm Tim mạch phải triển khai điều trị bằng phương pháp sử dụng năng lượng sóng có tần số radio với sự hỗ trợ công nghệ lập bản đồ điện học 3 chiều (3D). May mắn sau 5 giờ làm thủ thuật, các tín hiệu điện trong buồng tim gây rung nhĩ bị loại bỏ hoàn toàn, bệnh nhân không còn xuất hiện rung nhĩ khi kích thích buồng tim theo chương trình và trở lại nhịp tim bình thường…
 
GS.TS. Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện E cảnh báo: Tình trạng rung nhĩ ngày càng trẻ hóa là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Bệnh nhân mắc, điều trị rung nhĩ ở tuổi 32 có thể coi là trẻ nhất cho tới thời điểm này và chưa xác định được nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ của bệnh. Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi không có bệnh tim cấu trúc, nguy cơ thường gặp gây rung nhĩ là bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, hay một số khác đang được nghiên cứu như: liên quan đến gen, tình trạng lạm dụng chất kích thích, căng thẳng, thời gian làm việc dài trên 45 giờ/ tuần, hay trào ngược dạ dày thực quản…
 
Bệnh rung nhĩ ít khi đe dọa lập tức đến tính mạng, nhưng nó có thể dẫn tới một số biến chứng nặng nề khác, bao gồm cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động thể lực, phù, suy tim sung huyết, và nguy hiểm nhất là đột quỵ. Bởi vậy, để có thể phòng ngừa, phát hiện sớm rung nhĩ hoặc các tình trạng rối loạn nhịp tim, người dân cần đi kiểm tra nhịp mạch thường xuyên và định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện nhịp đập bất thường về tần số, nhịp điệu… Đồng thời, áp dụng lối sống lành mạnh: thường xuyên tập thể dục, có chế độ ăn hợp lý, không uống rượu bia, không hút thuốc, nghỉ ngơi điều độ, tránh để bị stress...
 
Với những người trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ tim mạch; mắc các bệnh lý mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu; người lớn trên 65 tuổi cần tầm soát bệnh tim mạch. Trong đó, xét nghiệm đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện rung nhĩ và rối loạn nhịp tim. Đặc biệt, người bệnh cần lưu ý không tự tiện uống các loại thuốc giúp an thần, tăng cường sức khỏe thông thường… nếu không có chỉ định của bác sĩ, vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nhịp hoặc tương tác với thuốc chống loạn nhịp.
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.