Tăng tuổi nghỉ hưu: Trao quyền “tự quyết” cho lao động nữ?

Chia sẻ

PNTĐ-Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung tuổi nghỉ hưu của nam được đề xuất tăng lên 62 tuổi, của nữ lên 60 tuổi. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến...

 
Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung tuổi nghỉ hưu của nam được đề xuất tăng lên 62 tuổi, của nữ lên 60 tuổi. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào hai kỳ họp thứ 7 và 8 của năm 2019 và có hiệu lực thực thi từ năm 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn một số ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này. 
 
Tăng tuổi nghỉ hưu: Trao quyền “tự quyết” cho lao động nữ? - ảnh 1
LĐN trong ngành chế biến thủy sản có mong muốn nghỉ hưu ở tuổi 45. Ảnh minh họa

 
Tuổi nghỉ hưu: Không có mẫu số chung
 
Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã thực hiện khảo sát nguyện vọng, mong muốn của lao động nữ (LĐN) tại 12 tỉnh, TP ở 3 miền về tuổi nghỉ hưu. Kết quả cho thấy, ở khu vực sản xuất kinh doanh 24% số LĐN được hỏi mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 45; 42,6% người muốn về hưu ở tuổi 50; gần 30% muốn về hưu ở tuổi 55 và 2,1% đề nghị về hưu ở độ tuổi 60. Ở khu vực hành chính thì ngược lại, phần đông chị em muốn về hưu ở tuổi 55 và có 54% ý kiến nhất trí 60 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu dành cho LĐN có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
 
Kết quả khảo sát nhận được cho thấy không có mẫu số chung có thể áp dụng để thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu cho LĐN mà mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần có những quy định cụ thể, trong đó đặc biệt xem xét yếu tố đặc thù về giới. Trên cơ sở đó, Viện Công nhân - Công đoàn đã đưa ra đề xuất về tuổi nghỉ hưu cho LĐN ở từng khối ngành làm việc. Thay vì đưa ra một mốc thời gian “cứng” về tuổi nghỉ hưu cho LĐN, trong đề xuất của mình, Viện Công nhân - Công đoàn đã đưa ra các khung tuổi linh hoạt để người LĐ có thể chủ động căn cứ tình trạng sức khỏe của mình đưa ra quyết định nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc.
 
Cụ thể, ở khu vực sản xuất kinh doanh, tuổi hưu cho LĐN chia thành 3 nhóm: tuổi hưu là 55 với LĐN làm việc trong môi trường và điều kiện bình thường; tuổi hưu từ 50 - 55 với LĐN có đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và tuổi hưu từ 47 - 50 đối với LĐN có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ở khu vực hành chính sự nghiệp, tuổi hưu cho LĐN nên nâng lên mức 58 tuổi (trừ một số ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và đặc thù). 
 
Đề xuất trên được đánh giá là linh hoạt và mới mẻ nhưng liệu áp dụng vào thực tế có gây khó cho doanh nghiệp - đối tượng thực thi quy định cũng như cơ quan quản lý? 
 
Quy định cứng hay linh hoạt trong khung độ tuổi?
 
Từ góc độ pháp luật lao động, TS. Đỗ Ngân Bình - đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm cố vấn sửa đổi Bộ luật Lao động cho rằng: để người LĐ được lựa chọn quãng thời gian tuổi nghỉ hưu sẽ không đơn giản bởi có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì họ ở thế bị động, treo “lơ lửng” trong khung tuổi nghỉ hưu của người LĐ và không biết người LĐ sẽ nghỉ khi nào để chủ động tìm người thay thế. “Nếu trong luật có ghi rõ “Người sử dụng LĐ có quyền chấm dứt hợp đồng khi người LĐ tới độ tuổi nghỉ hưu” thì rõ ràng không thể thống nhất ngay từ đầu trong hợp đồng được, trong trường hợp họ được lựa chọn một khoảng tuổi nghỉ hưu, như thế là trái với luật rồi.
 
Vì vậy, vấn đề này cần được tính toán và cân nhắc trong tổng thể chính sách và pháp luật về LĐ” - TS. Đỗ Ngân Bình phân tích và cho biết thêm: Ban soạn thảo đưa ra quy định cứng về tuổi nghỉ hưu cho người LĐ (nam tăng lên 62 tuổi, nữ tăng lên 60 tuổi) là có sự kế thừa của quy định hiện hành (nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 và nam nghỉ hưu ở tuổi 60). Với quy định này, doanh nghiệp và người LĐ có cơ sở căn cứ để chấm dứt HĐLĐ và chuyển sang dạng hợp đồng khác, vừa đảm bảo quyền nghỉ hưu của người LĐ, vừa đảm bảo doanh nghiệp không “mất” nhân sự nếu họ vẫn có khả năng làm việc.
 
Ngược lại, ở góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thúy Hương - thành viên HĐQT công ty điện tử Viettronics cho rằng, từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp thì những LĐN làm việc chân tay đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó, bà Hương đồng tình với đề xuất tuổi nghỉ hưu cho LĐN nên linh hoạt theo khung tuổi để tạo sự chủ động, nếu cảm thấy không đủ sức khỏe họ có thể xin nghỉ hưu sớm. Quy định này không gây khó bởi việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo khung thời gian căn cứ trên HĐLĐ. Chủ sử dụng LĐ và người LĐ có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe. Quy định này còn có cái hay là có thể phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người LĐ. Tuy nhiên, để trở thành hiện thực, người LĐ cần được hỗ trợ về kỹ năng mềm cũng như kiến thức pháp luật để biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.
 
Những ý kiến tranh luận này tiếp tục được ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi tiếp thu, chỉnh lý và xem xét.
 
Không phải cứ bằng nhau mới là bình đẳng
 
Đây là quan điểm của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trước dự thảo quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động. “Gốc của chúng ta là nữ giới được ưu tiên về trước 5 năm do phụ nữ có thiên chức gia đình. Giờ đây, xây dựng phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam 62 cũng chưa chắc đã là bình đẳng. Vấn đề quan trọng là chúng ta tạo cơ hội cho phụ nữ có quyền lựa chọn, đây là điều họ mong muốn. Chúng ta có thể quy định nam nữ về hưu cùng tuổi, nhưng phụ nữ có quyền được nghỉ sớm 5 năm hay 2 năm”. Quá trình xây dựng luật phải lắng nghe ý kiến của người LĐ và nghiên cứu kỹ theo nhóm đối tượng, có tính toán cụ thể, hướng tới mục tiêu ngành nghề làm việc tốt, đảm bảo sức khỏe có thể kéo dài thời gian làm việc thêm, nhưng những ngành nghề lĩnh vực điều kiện không tốt, mất an toàn thì người LĐ có thể về hưu sớm.
 
 
 
Dũng Hiếu

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: