Mâu thuẫn đào tạo giáo viên phổ thông

Chia sẻ

PNTĐ-Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên...

 
Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên và sắp xếp hợp lý các trường sư phạm. Kiến nghị này xuất phát từ thực tế đang có nhiều bức xúc, mâu thuẫn trong đào tạo sư phạm. 
 
Mâu thuẫn đào tạo giáo viên phổ thông - ảnh 1
Nhiều ngành đào tạo giáo viên đang phát triển mất cân đối

 
Nhiều mâu thuẫn trong đào tạo sư phạm 
 
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam, hiện nay, lại đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc đối với công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ và 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, các nhà trường đều tăng quy mô để có nguồn thu cho hoạt động của trường, ít quan tâm đến năng lực và cơ hội việc làm của người học. Vì thế, trừ một vài trường sư phạm có bề dày chuyên môn đang trụ ở thành phố lớn, số còn lại rất khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu. 
Mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD-ĐT đã giảm 33% chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm (từ 52.000 xuống 35.000).
 
Có những trường giảm khá “sâu”, như ĐH Sư phạm Huế giảm 37,5%, ĐH Sư phạm Thái Nguyên giảm 31,4%, ĐH Sư phạm Hà Nội giảm 21%, ĐH Phạm Văn Đồng giảm 73%, ĐH Cần Thơ giảm 46,3%, CĐ Sư phạm Hà Giang giảm 73%, CĐ Sư phạm Bắc Ninh giảm 66%… Tuy nhiên, con số 33% chỉ tiêu ngành sư phạm bị cắt giảm năm 2018 không theo một quy luật nào lại minh chứng cho sự “trôi nổi” trong đào tạo giáo viên. Các ngành đào tạo giáo viên cũng phát triển mất cân đối, giáo viên thiếu ở một số nơi nhưng lại thừa ở những nơi khác, thừa đối với một số môn học nhưng lại thiếu ở những môn khác. Giáo viên dạy môn này không thể chuyển sang dạy môn khác; giáo viên cấp này không thể chuyển sang cấp khác và địa phương này cũng không thể chuyển sang địa phương khác. 
 
Một số trường đào tạo sư phạm đã phải sáp nhập như CĐ Sư phạm (Hà Nam, Lào Cai, Long An…) trở thành phân hiệu trường ĐH Sư phạm hoặc ĐH đa lĩnh vực, tình trạng giảng viên của CĐ Sư phạm không được giữ lại khoảng 60%; Một số trường CĐ sư phạm (Cà Mau, Bến Tre…) được sáp nhập với các CĐ khác thì ngành sư phạm được nhìn nhận như các nghề nghiệp khác do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, Bộ GD-ĐT thôi không giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, dẫn đến giảng viên sư phạm thuộc cơ sở mới sáp nhập rơi vào tình trạng không có việc làm.
 
Lý giải nguyên nhân của các tình trạng trên, theo GS Trần Hồng Quân, do quản lý nhà nước về giáo dục đang bị cắt khúc, chồng chéo. Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố đều là chủ thể tổ chức đào tạo giáo viên, nay lại thêm cả Bộ LĐ-TB&XH (do sáp nhập các trường sư phạm vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp). Trong khi đó Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ mới có quyền bố trí chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên. Ngoài ra, công tác quy hoạch, dự báo từ trung ương đến các địa phương rất hạn chế, thiếu chính xác, thiếu chủ động, công tác đào tạo giáo viên bị thị trường hóa, mất kiểm soát…
 
Cần sớm có định hướng quy hoạch
 
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhận định, Nhà nước ta luôn chú trọng việc đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông. Điểm nhấn đáng chú ý là từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, một Chương trình Quốc gia về phát triển các trường sư phạm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhờ đó, một mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên khởi sắc. Hầu như tỉnh, thành nào cũng có cơ sở đào tạo giáo viên. Mỗi trường sư phạm được bố trí hàng chục ha đất ở vị trí trung tâm của tỉnh, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ ngơi khang trang. Những nỗ lực này đã góp phần để xây dựng đội ngũ giáo viên để ngày nay lên tới con số hơn 1,16 triệu người. 
 
Trong bối cảnh hiện nay, để có thể “tăng lực” cho hệ thống trường sư phạm, theo GS Trần Hồng Quân, cần có sự quản lý thống nhất vào một đầu mối của Nhà nước về đào tạo giáo viên. Nhà nước cần đặc biệt tăng cường tiềm lực cho các trường sư phạm thuộc các vùng miền khó khăn; Khuyến khích các trường sư phạm thành lập trường phổ thông liên cấp thực hành và tự chủ về tài chính. Đơn vị sư phạm có đề án chuyển đổi sang mô hình tự chủ theo Nghị định 16 của Chính phủ có tính khả thi thì không thuộc đối tượng sáp nhập. Để tránh tình trạng “tranh nhau đào tạo”, Bộ GD-ĐT điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dành phần lớn chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cho các trường CĐ Sư phạm nếu các đơn vị này đủ điều kiện. Các trường ĐH Sư phạm có nhiệm vụ chính là đào tạo trên đại học, nghiên cứu, đào tạo giáo viên trung học phổ thông.
 
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên trong đề tài KHCN cấp quốc gia: “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” của ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cũng cho rằng tới đây, chúng ta cần thực hiện quản lý của Nhà nước một cách tập trung đối với trường sư phạm. Ngoài ra, cần “phân định” đào tạo giữa các trường ĐH Sư phạm trọng điểm, trường vệ tinh. Dành từ 70 - 80% chỉ tiêu đào tạo sư phạm hệ ĐH cho các trường sư phạm trọng điểm; 20 - 30% chỉ tiêu đào tạo sư phạm còn lại dành cho các trường ĐH đa ngành khác có đào tạo giáo viên (GV). Các trường ĐH đa ngành có đào tạo GV phải giảm dần chỉ tiêu đào tạo GV, đối với một số trường không đáp ứng yêu cầu của bộ quy chuẩn trường sư phạm sẽ phải dừng đào tạo GV.
 

Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.