Hàng loạt nhà xưởng xả thải ra môi trường

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều năm nay, hàng loạt nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán, sơn tích điện trên địa bàn thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm (Đông Anh,HN) thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường

 
Từ nhiều năm nay, hàng loạt nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán, sơn tích điện trên địa bàn thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội) thường xuyên xả khói bụi, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
 
Hàng loạt nhà xưởng xả thải ra môi trường - ảnh 1
Nước thải từ các cơ sở sản xuất được xả thẳng ra kênh Hà Bắc

 
Theo phản ánh của người dân, hầu hết các nhà xưởng này đều nằm sát với con kênh Hà Bắc - là con kênh chính phục vụ tưới tiêu trên toàn địa bàn xã Mai Lâm. Hàng chục máy ép gỗ các nhà xưởng này hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm. Nước thải, nước sơn từ các cơ sở này xả trực tiếp xuống lòng kênh, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện công đoạn ép gỗ bằng hơi còn xả ra môi trường những đám khói đen kịt kèm bụi bẩn, mùi khét lan tỏa cả một vùng. Người già và trẻ nhỏ khi hít phải thứ khói này đều cảm thấy nôn nao, tức ngực, khó thở. Trước thực trạng nêu trên, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu di dời nhà xưởng ra xa khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa có phương án kiểm tra, xử lý triệt để.
 
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm cho biết, khu vực dựng các nhà xưởng ở thôn Lộc Hà là đất thủy lợi được UBND xã giao khoán cho các hộ dân sử dụng để trồng cây, làm hoa màu từ năm 1996. Khoảng những năm 2000, một số hộ được giao khoán xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để dựng xưởng làm gỗ ép, gỗ dán. Thời điểm đó, UBND xã đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến và đã được huyện Đông Anh đồng ý.Từ năm 2013, thực hiện Luật Đất đai, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với những chủ xưởng và không cho các đơn vị này thuê đất nữa.
 
Tuy nhiên nhận thấy Nhà nước chưa có nhu cầu sử dụng đất bờ mương đó nên các xưởng sản xuất đã xin được tiếp tục tồn tại và chủ động nộp cho xã một khoản phí nhất định mỗi năm. Khoản phí này được xã đưa vào quỹ để thực hiện các hoạt động xây dựng và phát triển địa phương. Cho đến nay, tại khu vực này còn tồn tại 5 cơ sở đang hoạt động sản xuất, trong đó có 4 cơ sở gỗ ván ép bao gồm: Cơ sở kinh doanh Ngô Thị Hòa; Công ty cổ phần công nghệ tre gỗ Tiến Bộ; Hộ kinh doanh ép gỗ Hà Thành Đoàn; Công ty TNHH một thành viên Hải Phát và 1 cơ sở sơn tĩnh điện là Công ty TNHH Thương mại HQ.
 
Ngày 16, 17, 18/8/2018, đoàn kiểm tra bao gồm thanh tra xây dựng Huyện, phòng tài nguyên môi trường Huyện và đội thanh tra xây dựng của xã đã thực hiện kiểm tra 5 đơn vị kể trên. Thời điểm kiểm tra, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nên đoàn kiểm tra chưa lập biên bản và xử phạt hành vi xả thải. Tuy nhiên, qua kiểm tra hành chính, các cơ sở này không có hồ sơ về bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, UBND huyện đã xử phạt hành chính đối với các cơ sở này với số tiền 270 triệu đồng, yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại trong thời gian 45 ngày. 
 
Về lâu dài, khu vực nhà xưởng nói trên nằm trong phần đất quy hoạch để xây dựng cầu Tứ Liên. Xã và Huyện cũng đã tổ chức gặp gỡ các đơn vị sản xuất để trao đổi, yêu cầu các đơn vị chủ động tìm vị trí, địa điểm mới. Tháng 11/2018, các đơn vị sản xuất có đơn xin tiếp tục sản xuất cho đến khi cầu Tứ Liên được triển khai nhưng xã không đồng ý và yêu cầu di dời trong năm 2018.
 
Ngày 11/12, UBND huyện Đông Anh đã ra văn bản số 1919/UBND - TNMT về việc: “Xây dựng kế hoạch bổ sung xử lý vi phạm Luật Đất đai đối với những trường hợp còn tồn đọng trên địa bàn huyện”. Theo đó, Huyện đã quyết định nới rộng hạn xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai đến tháng 9/2019. Các xã, thị trấn sẽ tham mưu cho UBND huyện trước ngày 31/12/2018; tổng hợp báo cáo vi phạm trước ngày 27 hằng tháng; báo cáo nội dung triển khai công tác xử lý vi phạm trước ngày 30/8/2019.
 
Như vậy, việc để các cơ sở sản xuất hoạt động hàng chục năm mà không có biện pháp bảo vệ môi trường chứng tỏ chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Việc UBND huyện Đông Anh ra văn bản nới dài hạn xử lý vi phạm để các chủ xưởng tìm cơ sở mới để di dời đồng nghĩa với việc các xưởng sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc gia hạn này lại không kèm theo điều kiện buộc các cơ sở sản xuất trên phải đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường tiếp tục sản xuất tới tháng 9/2019. Như vậy, nguy cơ ô nhiễm từ các nhà xưởng lại tiếp tục đầu độc người dân gần 1 năm nữa. Đề nghị chính quyền xã Mai Lâm phải kiên quyết yêu cầu các nhà xưởng có biện pháp bảo vệ môi trường mới được hoạt động.
 
 
Tuệ Liên

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.