Những điểm nhấn về quyền phụ nữ năm 2018

Chia sẻ

PNTĐ-Năm 2018 là năm có nhiều phong trào của phụ nữ. Dưới đây là một số điểm nhấn mà tổ chức Quỹ Toàn cầu vì Phụ nữ tổng hợp lại về vấn đề nhân quyền đối với phụ nữ...

 
Năm 2018 là năm có nhiều phong trào của phụ nữ. Dưới đây là một số  điểm nhấn mà tổ chức Quỹ Toàn cầu vì Phụ nữ tổng hợp lại về vấn đề nhân quyền, công bằng và công lý đối với phụ nữ, truyền cảm hứng cho tinh thần đấu tranh mạnh mẽ trong năm 2019 tới.
 
Những điểm nhấn về quyền phụ nữ năm 2018 - ảnh 1
Một cuộc biểu tình vì phong trào nữ quyền Ni Una Menos

 
1. Tiếp tục phong trào bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ 
 
Năm 2018, nhiều nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ bị cản trở hoạt động. Ở Ai Cập, Chính phủ tiếp tục trấn áp các nhà hoạt động, trong đó gây áp lực với Mozn Hasan, một thành viên ban điều hành Quỹ Toàn cầu vì Phụ nữ và sáng lập viên tổ chức nhân quyền Ai Cập Nazra. Ở Brazil, Marielle Franco, một chính khách Brazil gốc phi nổi tiếng và là nhà hoạt động vì cộng đồng đồng tính, chuyển giới, đã bị sát hại hồi tháng 3. Ở Ukraine, nhà hoạt động nổi tiếng Katerina Gandzyuk bị sát hại. 
 
Song, bất chấp các vụ tấn công ngày càng gia tăng, những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của mình. Nhà bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ người Malaysia, Zainah Anwar đã nói: “Chúng tôi sẽ không thu mình lại trong sợ hãi và im lặng”. 
 
2. Thay đổi quan niệm xã hội về quyền được phá thai cho phụ nữ 
 
Năm qua, phong trào phụ nữ đã thu được thắng lợi đáng kể ở Chile và Ireland, nơi mà phá thai không bị hình sự hóa nữa. Trước đây, hai nước này cấm phá thai hoàn toàn. Ở Argentina, các tổ chức phụ nữ đã nhận được ủng hộ của công chúng và chính trị gia về Luật Quyền phá thai. Dù được thông qua ở Hạ viện và bị bác ở Thượng viện nhưng các tổ chức này tiếp tục hy vọng năm 2019 sẽ là năm phụ nữ Argentina giành được quyền phá thai.
 
3. Chủ động trong chống biến đổi khí hậu
 
Khi nói đến các giải pháp chống biến đổi khí hậu, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, thường bị gạt ra ngoài. Tuy nhiên, họ lại là người chịu tác động mạnh của thời tiết cực đoan. Năm 2018 này, các tổ chức phụ nữ đã đẩy mạnh giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngay tại nơi họ sinh sống. Có thể kể tới đối tác tài trợ Women’s Collective ở Ấn Độ, tổ chức thúc đẩy quyền lãnh đạo của phụ nữ trong các vấn đề khí hậu và phối hợp với nữ nông dân để đảm bảo an ninh lượng thực; hay như mạng lưới Phát triển Nông thôn và Phụ nữ ở Bắc Uganda, tổ chức đưa ra các biện pháp làm nông nghiệp bền vững.
 
4. Thủ phạm gây bạo lực phải chịu trách nhiệm
 
Hồi tháng 5, tổ chức Cooperative de Trabajo Mujer Ahora và các tổ chức khác đã gây áp lực khiến Chính phủ Uruguay phải lần đầu tiên kết án thủ phạm sát hại phụ nữ sau khi hành vi này được coi là tội ác năm 2017. Ở Israel, phụ nữ Palestine và Do Thái đã tổ chức biểu tình tháng 12 để bày tỏ sự giận dữ về vụ sát hại hai bé gái.
 
Ở Argentina, phong trào tập thể vì nữ quyền Ni Una Menos đã lan rộng ra khắp châu lục. 
 
5. Giải Nobel Hòa bình trao cho nạn nhân bị bạo lực tình dục 
 
Giải thưởng Nobel Hòa bình đã thuộc về Denis Mukwege và Nadia Murad vì những nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang. “Cả hai đều đã liều lĩnh với tính mạng của mình khi dũng cảm đấu tranh với tội ác chiến tranh và giành lại công lý cho nạn nhân”, đại diện Ủy ban Nobel Na Uy nói trong lễ công bố giải thưởng. Chiến thắng của Nadia Murad đã khiến cả thế giới phải quan tâm tới vấn đề bạo lực tình dục - vũ khí chiến tranh. Việc sử dụng bạo lực tình dục như vũ khí chiến tranh đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhưng gần đây mới được thừa nhận là tội ác chống lại loài người.
 
6. Phong trào phụ nữ ngày càng sáng tạo
 
Ở những nước Trung Đông và Mỹ Latinh, mặc dù chính phủ làm mọi thứ có thể để kiềm chế, đe dọa, loại bỏ các tổ chức nhân quyền phản đối chính sách của họ, nhưng các tổ chức phụ nữ ngày càng có nhiều cách sáng tạo để gặp gỡ, làm việc cùng nhau và lên chiến lược hành động. Họ tận dụng mạng xã họi và các công nghệ khác để kết nối, tạo kênh gây quỹ mới để vượt qua rào cản pháp lý.
 
Quỹ Toàn cầu vì Phụ nữ đã tổ chức 12 cuộc họp năm 2018, nơi các nhà hoạt động, nhà nghiên cứu và nhà tài trợ tụ hội để chia sẻ kiến thức, chiến lược và kinh nghiệm. 
 
7. Phong trào phản kháng tiếp diễn
 
Năm nay, chính quyền Mỹ tiếp tục có nhiều chính sách gây ảnh hưởng tới phụ nữ và luật pháp toàn cầu. Ví dụ quy định Global Gag Rule cấm các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cung cấp dịch vụ phá thai nếu nhận tài trợ y tế của Mỹ. Họ cũng bị cấm ủng hộ cải cách Luật Phá thai cho dù hoạt động đó không dựa vào nguồn tài trợ của Mỹ.
 
Cho dù gặp nhiều cản trở, phụ nữ luôn phản ứng mạnh mẽ. Năm 2019, khi nhiều phụ nữ tuyên thệ nhiệm kỳ nghị sĩ tại Hạ viện Mỹ, dự báo sẽ có nhiều sự ủng hộ các chính sách và các vấn đề liên quan tới phụ nữ ở Mỹ và nhiều nơi nữa.
 
 
Dương Thùy 
(theo Global Fund for Women)

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.