Lễ hội 2019: Nỗ lực đổi mới vẫn “vỡ trận” vì ý thức người dân

Chia sẻ

PNTĐ-Thay đổi cách tổ chức để có mùa lễ hội an toàn, văn minh, nhưng nhiều lễ hội dịp đầu Xuân vẫn “bó tay” vì ý thức yếu kém của không ít người tham gia...

 
Thay đổi cách tổ chức, nỗ lực trong quản lý lễ hội để có mùa lễ hội an toàn, văn minh, nhưng nhiều lễ hội dịp đầu Xuân vẫn “bó tay” vì ý thức yếu kém, chưa hiểu biết rõ về tín ngưỡng của không ít người tham gia, khiến mùa lễ hội 2019 còn nhiều trăn trở.
 
Lễ hội 2019: Nỗ lực đổi mới vẫn “vỡ trận” vì ý thức người dân - ảnh 1
Hàng vạn người dân đổ về các lễ hội đầu năm

 
Vui mừng trước những đổi thay
 
Năm 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về chức năng và nhiệm vụ của các địa phương. Nhiều nơi đã nỗ lực thay đổi, tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 
 
Nhờ thế, một số lễ hội được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội khắc phục được những hiện tượng lộn xộn như: Hội Gióng (huyện Sóc Sơn), Gò Ðống Ða (quận Ðống Ða), Ðền Cổ Loa (huyện Ðông Anh), Ðền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh)... Đáng chú ý, Hội Gióng có sự điều chỉnh phần rước lễ, lễ vật được chia làm nhiều mâm nhỏ, việc tranh lộc không còn dồn vào một điểm, phần cướp lộc bớt hỗn loạn như những năm trước đây.
 
Năm nay, du khách cũng cảm nhận được những chuyển biến tích cực về công tác tổ chức ở lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Ðức): Hàng quán được bố trí gọn gàng, suối Yến giảm rác thải, tổ chức phân luồng giao thông và bảo đảm an ninh trật tự tốt hơn… Lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng vốn từng gây dư luận ồn ào cũng đã được khen ngợi vì sự thay đổi, không còn cảnh đổ máu phản cảm giữa sân đình mà thay vào đó, khu vực chém lợn được quây bạt kín và chỉ có một số ít những thành viên trong ban tổ chức tham dự. 
 
Công tác chuẩn bị lễ hội như vệ sinh môi trường, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú phục vụ du khách, được ban tổ chức thực hiện tốt tại Hội Lim: 30 nhà vệ sinh cố định, các bốt vệ sinh lưu động, 100 thùng rác lưu động được lắp đặt, đặc biệt có 7 điểm cấp nước uống miễn phí phục vụ du khách trong những ngày lễ hội… 
 
Buồn vì vẫn… “vỡ trận”
 
Dù đã có nhiều cố gắng trong đổi mới công tác tổ chức, quản lý, nhưng mùa lễ hội 2019 vẫn còn nhiều hiện tượng xấu gây bàn cãi trong những ngày đầu năm. 
 
Đầu tiên phải kể tới sự việc liên quan tới lễ hội phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ). Vốn được xếp đầu danh sách lễ hội... bạo lực cần chấn chỉnh, BTC hội phết Hiền Quan đã cam kết tăng cường lực lượng an ninh để bảo đảm an toàn cho người tham gia. Tuy nhiên, thực tế lễ hội diễn ra không suôn sẻ như mong muốn, chỉ một lát sau khi quả phết được tung ra, người bên ngoài đã bắt đầu tràn vào sân, bất chấp lực lượng công an được bố trí dày đặc. Cảnh tượng xô đẩy hỗn loạn xảy ra khiến BTC lễ hội phải quyết định dừng đánh phết chiều 13 tháng Giêng. Kế hoạch thực hiện đề án đổi mới do UBND xã Hiền Quan xây dựng trước đó bị… “vỡ trận”. 
 
Tại Nam Định, năm nay lượng khách đổ về vắng hơn những năm trước nhưng ngay sau Lễ khai ấn đền Trần xuân Kỷ Hợi, cảnh chen nhau đặt lễ, cố gắng với tay xoa vào các ban thờ… liên tục diễn ra. 
 
Tình trạng chèo kéo du khách, hàng quán bói toán ven đường, lừa bán thuốc Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để; việc bày bán thịt thú rừng, thịt động vật tươi sống chưa khắc phục dứt điểm ở chùa Hương. 
 
Ở Hội Lim, Bắc Ninh cũng còn nhiều hiện tượng chưa đẹp khiến du khách bất bình, chẳng hạn như tình trạng các lán trại hát quan họ và trên sân khấu chính loa mở hết công suất khiến du khách trẩy hội có cảm giác bị “lạc” vào một thế giới âm thanh hỗn loạn; thực trạng các liền anh liền chị vừa hát, vừa cho thuyền đi sát mép hồ “ngả nón xin tiền” của khách xem vẫn diễn ra…
 
Cũng ở Bắc Ninh, tại lễ hội đền Bà Chúa Kho cũng vẫn tồn tại những hành vi phản cảm: một số tượng thờ thần trong đền vẫn bị du khách nhét tiền lẻ; nhiều du khách cũng bày tỏ bức xúc khi liên tục bị đội ngũ khấn thuê làm phiền trong quá trình lễ bái…
 
Hiện tượng người dân cứ đua nhau chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc, ấn… là do không hiểu rõ về tín ngưỡng, chỉ biết chạy theo đám đông. Thực trạng đó cũng phản ánh sự khủng khoảng niềm tin trong cuộc sống hiện tại khiến người ta phải dựa dẫm quá nhiều vào thần thánh, may - rủi... Và nỗ lực cố gắng đổi mới cách thức tổ chức lễ hội của các đơn vị dường như là chưa đủ bởi chưa nhận được sự “hợp tác”, hưởng ứng, thay đổi tích cực của người dân. 
 
 
Nguyên Vũ 

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.