Cảm ơn “người mẹ thứ hai” của con!

Chia sẻ

PNTĐ-“Cảm ơn người mẹ thứ hai của con. Xin lỗi mẹ vì bây giờ con mới thực hiện nhiệm vụ của một người con”.

 
Cảm ơn “người mẹ thứ hai” của con! - ảnh 1
 Ảnh minh họa

 
Đã 5 năm trôi qua, kể từ ngày bố mẹ ra tòa ly hôn, con về sống với bố còn em gái về sống cùng mẹ. Thời gian đầu rất khó khăn với con khi mà cuộc sống thiếu vắng mẹ hàng ngày. Hơn một năm sau, bố đưa dì về giới thiệu với con, bảo từ đây ba người chúng ta sẽ chung sống dưới một mái nhà. Lúc ấy, con đã nhìn dì đầy oán hận vì nghĩ rằng dì đã cướp đi vị trí của mẹ trong căn nhà này. 
 
Nhà có ba người, một mình dì là phụ nữ nhưng chẳng hiểu sao những ngày lễ 8/3, 20/10... trong nhà không hề có một lọ hoa cắm mừng dì. Đây là điều khác biệt đối với con lẫn bố. Bởi trước đây khi còn chung sống với mẹ, bố luôn có thói quen mua hoa về tặng mẹ vào những ngày lễ.
 
Bố còn nhắc con phải luôn ghi nhớ việc tặng hoa nhân các ngày lễ cho người phụ nữ mình yêu thương. Vậy mà con để ý, từ khi cưới dì về, bố chưa một lần tặng hoa cho dì. Cứ đến các ngày lễ, bố đưa con đi mua hoa rồi cả hai mang sang tặng mẹ. Trở về nhà, con nhìn dì lòng đầy đắc thắng vì nghĩ rằng trong lòng bố trân trọng mẹ của con hơn. Dì vẫn vui vẻ với việc không được chồng tặng hoa trong ngày lễ.
 
 Rồi, con phát hiện ra dì rất thích cắm hoa tươi trong nhà. Trong phòng khách và phòng ăn, dì luôn cắm một lọ hoa hồng rất đẹp. Thỉnh thoảng, con vẫn thắc mắc, rõ ràng là bố biết dì thích hoa nhưng lại chẳng bao giờ mua hoa tặng dì cả. Cho đến hôm con tình cờ nghe được câu chuyện của bố và dì. Hóa ra không phải là bố không muốn tặng hoa cho dì mà chính dì đã khuyên bố không làm điều đó cho riêng mình và hãy giữ thói quen ấy cho mẹ của con. Dì muốn con luôn được hạnh phúc và tin tưởng trong lòng bố vẫn còn dành cho mẹ con một điều gì đó trọn vẹn nhất, dù bây giờ hai người không còn chung sống cùng nhau. Dì chấp nhận là người đến sau, không tranh giành hay xóa bỏ những kỷ niệm, thói quen tốt đẹp trong cuộc sống trước đây của chồng và con riêng. 
 
Bao nhiêu năm nay, dì đối với con giống như một người mẹ. Nhưng, con vẫn không chiến thắng được lòng ích kỷ để cư xử với dì giống như mẹ của mình. Cái ngày dì bị ốm, phải nằm viện điều trị dài ngày, con mới hiểu rõ hơn tấm lòng của dì. Mỗi ngày, bố vào thăm, dì lại đưa cho bố một tờ giấy, trong đó ghi rõ những việc cần làm cho con mỗi ngày. Hôm nào, con phải học câu lạc bộ đá bóng thì pha thêm cho con một bình nước cam mang đi để uống giải khát. Hôm nào, con học thêm tiếng Anh phải mang thêm bữa phụ cho con đỡ đói, quần áo đồng phục con mặc ngày nào, ngày nào mặc áo sơ mi... Tất cả những việc ấy, trước đây con vẫn nghĩ bố làm cho mình. Nhưng hóa ra, bố vẫn là người đàn ông vô tâm phó mặc mọi việc chăm sóc con cái cho vợ giống như trước đây. Dì đã tìm hiểu việc chăm sóc con qua mẹ để con không cảm thấy bị xáo trộn trong cuộc sống. 
 
Ngày mồng 8/3 năm nay, con quyết định mổ lợn tiết kiệm để mua hai hoa bó hoa tặng hai người mẹ mà con yêu thương. Trong bó hoa đề tặng dì con viết: “Cảm ơn người mẹ thứ hai của con. Xin lỗi mẹ vì bây giờ con mới thực hiện nhiệm vụ của một người con”. 
 
 
Nguyễn Huyền Ly

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.