“Hiến kế” phòng gian lận trong thi cử

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều chuyên gia giáo dục, trường đại học đã đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực trong kỳ thi năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6 tới đây.

 
Ngay sau khi Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an công bố kết luận vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, nhiều chuyên gia giáo dục, trường đại học đã đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực trong kỳ thi năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6 tới đây. 
 
“Hiến kế” phòng gian lận trong thi cử - ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm tiêu cực nên để các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức xét tuyển thí sinh đầu vào. 

 
Càng công khai, càng giảm tiêu cực
 
Theo kết luận điều tra của Cơ quan an ninh, giám định 210 bài thi trắc nghiệm của 77 thí sinh có dấu hiệu bị can thiệp, nâng điểm cho thấy 140 bài thi đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT xác định trong số 140 bài thi trắc nghiệm này, bài nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm. 3 bị can sửa chữa, nâng điểm bài thi cho nhiều thí sinh đã bị Cơ quan an ninh đề nghị VKSND Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
 Ngay sau khi có kết luận điều tra, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định của các thí sinh có bài thi gian lận điểm số lên hệ thống phần mềm quản lý thi, xét lại tốt nghiệp THPT, thông báo kết quả đã được cập nhật cho các đại học, học viện, cao đẳng, nơi thí sinh có liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.
 
Nhiều trường đại học như Bách Khoa, học viện Ngân hàng, học viện An ninh đều đã lên tiếng sẽ có xử lý đích đáng như buộc thôi học nếu phát hiện sinh viên trường mình liên quan đến gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. 
 
Ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng kết quả thanh tra ở Hòa Bình đã cho thấy nghi ngờ của xã hội về gian lận thi cử ở tỉnh này là có thật. “Đây là một sự cố đau lòng, làm ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội vào chất lượng của kỳ thi này”. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay không phải là tiếp tục chỉ trích mà cần tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng tương tự xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. “Trước đây, Bộ GD-ĐT chỉ công bố phổ điểm thi của các thí sinh.
 
Năm 2018, lần đầu tiên Bộ công khai điểm tất cả các bài thi nên cả xã hội mới có điều kiện giám sát, phát hiện ra gian lận. Điều này cho thấy quy trình thi, kết quả thi càng được công khai thì tiêu cực càng bị hạn chế”. Đó là lý do ông Khuyến cho rằng, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và các năm tới, việc công khai điểm thi của thí sinh sẽ tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra, cần có hình thức xử lý nghiêm cả người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tiêu cực thi cử chứ không chỉ dừng ở việc truy tố các cá nhân vi phạm thuộc Sở GD-ĐT như kiến nghị của Cơ quan an ninh trong sự việc ở Hòa Bình.
 
Trong khi đó, theo ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo đại học Nông Lâm TP HCM, tiêu cực xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia sẽ khó ngăn ngừa nếu quá trình tổ chức thi vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người. “Dù quy chế thi có chặt chẽ đến đâu thì con người mới là yếu tố quyết định. Sự việc ở Hà Giang đã cho thấy những lỗ hổng trong các khâu tổ chức thi/chấm thi hiện nay như thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên giấy, sau đó mới scan đáp án và chấm thi.
 
Vì thế, trong kỳ thi năm 2019, Bộ GD-ĐT cần tăng cường các giải pháp công nghệ như tổ chức thi trắc nghiệm online theo quy trình thống nhất, cùng thi và cùng chấm online trên máy tính để yếu tố con người không thể can thiệp được. Ngoài ra, cần trang bị thêm camera giám sát các phòng lưu trữ bài thi, phòng chấm thi, scan phiếu trả lời trắc nghiệm để cả xã hội cùng giám sát, hạn chế tối đa tiêu cực”.
 
Nên “trả lại tên” cho kỳ thi tuyển sinh đại học?
 
Ông Bùi Ngọc Dũng, trường ĐH Ngoại thương cho rằng, sở dĩ kỳ thi THPT quốc gia 2018 có kẽ hở cho tiêu cực là do cách tổ chức chưa hợp lý. “Chúng ta không nên đưa kỳ thi quan trọng như vậy về cho các địa phương tổ chức - nơi có các quan hệ ràng buộc “nhằng nhịt”. Trong khi đó, việc đưa lực lượng lớn giảng viên đại học về các địa phương tham gia vào quá trình tổ chức thi cũng gây rườm rà, tốn kém. Thêm nữa, việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia nhằm vào hai mục tiêu, vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh vào đại học là không phù hợp.
 
“Chúng ta không nên tổ chức một kỳ thi lớn chỉ để tìm ra tỷ lệ rất nhỏ thí sinh trượt tốt nghiệp. Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên cho xét tốt nghiệp THPT và tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học tại các trường đại học. Như vậy, các trường sẽ phải có giải pháp để xiết chặt kỷ luật phòng thi, đảm bảo chất lượng thí sinh”. 
 
Ông Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, tính chất của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học là khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT chỉ cần thí sinh đạt kiến thức phổ thông, không hạn chế về số lượng tốt nghiệp nhưng thi đại học mang tính cạnh tranh, chọn lọc, đào tạo chuyên sâu. Vì thế, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều chọn giải pháp thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, tổ chức ở địa phương, còn thi tuyển sinh đại học tổ chức ở tầm quốc gia với quy trình chặt chẽ. Trong khi đó, theo ông Hãn, việc tổ chức thi của chúng ta lại đang… đi ngược xu hướng thế giới, nghĩa là kỳ thi quan trọng để tuyển thí sinh vào đại học lại được đưa về địa phương. 
 
Ông Trần Đình Lý cũng cho rằng, giải pháp phòng gian lận lâu dài, theo lộ trình là tách việc xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng giao cho hai chủ thể khác nhau. Các địa phương, các trường THPT lo khâu xét tốt nghiệp cho học sinh. Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng do các trường đảm nhiệm và tự chịu trách nhiệm về thí sinh đầu vào theo nhiều hình thức khác nhau tùy chọn như thi, xét tuyển, tổ chức đánh giá năng lực…
 
Trung Thu

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.