Cần hiểu rõ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ chính mình

Chia sẻ

PNTĐ-Những vụ kiện bản quyền phức tạp gây chú ý dư luận gần đây cho thấy vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ ở nước ta đang bắt đầu được quan tâm…

 
Những vụ kiện bản quyền phức tạp gây chú ý dư luận gần đây như vở diễn "Ngày xưa" (còn có tên là "Thuở ấy xứ Đoài") với vở diễn "Tinh hoa Bắc Bộ", hay vụ đòi quyền tác giả của bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" suốt 12 năm qua, cho thấy vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ ở nước ta đang bắt đầu được quan tâm, các nghệ sĩ đã không còn tặc lưỡi cho qua nữa…
 
Dù toà đã tuyên nhưng chưa kết thúc...
 
Tuần qua, vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” (còn gọi là “Thuở ấy xứ Đoài”) giữa Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (gọi tắt là công ty Tuần Châu) và Công ty CP Đầu tư tổng hợp truyền thông DS (gọi tắt là Công ty DS) của đạo diễn Việt Tú, nhận được sự quan tâm lớn của truyền thông và dư luận.
 
Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, sáng 20/3, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết về vụ kiện, cụ thể: HĐXX công nhận, đạo diễn Nguyễn Việt Tú là tác giả duy nhất kịch bản vở diễn “Ngày xưa”, công ty Tuần Châu không phải đồng tác giả, chỉ là chủ sở hữu tác phẩm, Công ty DS phải chuyển giao quyền sở hữu kịch bản “Ngày xưa” cho công ty Tuần Châu. Đạo diễn Nguyễn Việt Tú - Công ty DS không phải thanh toán bồi thường hơn 7,2 tỉ đồng cho công ty Tuần Châu.
 
Cùng với đó, Tòa xác định vở “Tinh hoa Bắc Bộ” của Tuần Châu không được coi là sáng tạo nghệ thuật mà chỉ coi là vở diễn phái sinh từ vở diễn “Ngày xưa”. Công ty Tuần Châu phải trả cho Công ty DS 660 triệu đồng (tiền lãi chậm thanh toán, tiền lãi phát sinh theo hợp đồng tương ứng với 10% bán vé).
 
Nhưng, chuyện không dừng lại ở đó, trong khi TAND Hà Nội xét xử vụ tranh chấp bản quyền này thì tại TP.HCM, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đệ đơn kiện lên TAND quận Bình Thạnh, yêu cầu đạo diễn Việt Tú và Công ty DS chấm dứt hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín cá nhân của ông dưới mọi hình thức, đồng thời phải công khai xin lỗi trên phương tiện truyền thông khi cho rằng vở “Tinh hoa Bắc Bộ”, do ông Hoàng Nhật Nam làm đạo diễn là phái sinh từ vở “Ngày xưa” của Việt Tú đã dàn dựng trước đó.
 
Chiều 21/3, phía công ty Tuần Châu đã nộp đơn kháng cáo đề nghị mở lại phiên toà. Sáng 22/3, đạo diễn Hoàng Nhật Nam - tác giả vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” cũng viết một bức thư tay gửi đến TAND Hà Nội đề nghị được tham gia phiên tòa với tư cách là một người liên quan trong vụ kiện. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẳng định, “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm độc lập, đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký tác quyền số 3642/2017/QTG ngày 31/7/2017. 
 
Gian nan hành trình đòi bản quyền
 
Từ trước tới nay, vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật không ít, đơn cử vụ đòi tác quyền “Thần đồng Đất Việt” kéo dài suốt 12 năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị.
  
Cần hiểu rõ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ chính mình - ảnh 1
12 năm theo kiện, hoạ sĩ Lê Linh mới được khẳng định quyền tác giả duy nhất cho bộ truyện “Thần đồng đất Việt”

Theo đó, họa sĩ Lê Linh hợp tác với bà Mỹ Hạnh và công ty Phan Thị vẽ bộ “Thần đồng đất Việt” từ năm 2002 đến năm 2005. Sau tập 78, anh ngừng sáng tác, các tập tiếp theo do các họa sĩ khác làm việc cho công ty. Năm 2007, họa sĩ Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền với Cục Bản quyền tác giả, bà Mỹ Hạnh ghi tên mình là đồng tác giả. Anh đã khởi kiện để giành quyền tác giả duy nhất.
 
Trong 12 năm, với nhiều lần hòa giải không thành và 4 lần xét xử, vừa qua ngày 18/2, Lê Linh được tòa công nhận là tác giả duy nhất của bộ truyện “Thần đồng đất Việt” và 4 hình tượng nhân vật trong truyện: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo. Tòa buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên báo. Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư phía Lê Linh là 15 triệu đồng.
 
Vụ kiện bản quyền giữa “Ngày xưa” với “Tinh hoa  Bắc Bộ” là vô cùng phức tạp bởi liên quan đến các yếu tố như: loại hình tác phẩm được bảo hộ, sự tham gia của nhiều bên, các thỏa thuận cụ thể của các bên khi ký kết hợp đồng, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu đối với quyền tác giả một tác phẩm được bảo hộ, phạm vi quyền của từng bên trong tổng thể tác phẩm sân khấu đã được dàn dựng, về tác phẩm phái sinh...
 
Theo luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc Sở hữu trí tuệ SBLAW, sở dĩ câu chuyện của “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” bị phức tạp, cũng như các vụ việc kiện tụng bản quyền trong nghệ thuật khó giải quyết đều bởi một hiện tượng phổ biến là cả bên nhận và bên bán quyền đều mơ hồ về sở hữu trí tuệ. “Chúng ta phải biết rõ mình nắm quyền gì trong tay, khi bán thì bán quyền gì. Tất cả phải được thể hiện rõ ràng, chi tiết về từng quyền và giới hạn quyền vào trong hợp đồng” - anh nói.
 
Đây là những bài học lớn cho những người làm nghệ thuật cần phải đặc biệt chú ý, nắm rõ về sở hữu trí tuệ để bảo vệ những “đứa con tinh thần” của mình. Bởi nếu khi có chuyện thì thắng - thua đều nằm trên giấy trắng mực đen, chứ không có chỗ cho cái lý hay cái tình như lúc bắt tay, nói miệng xuề xoà khi thoả thuận, hợp tác…
 
 
Bảo Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.