Không để trẻ mắc lao bị bỏ sót

Chia sẻ

PNTĐ-Do nhiều nguyên nhân, không ít trẻ em mắc lao hiện vẫn bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, dẫn tới không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.

 
Do nhiều nguyên nhân, không ít trẻ em mắc lao hiện vẫn bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, dẫn tới không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ và nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, chúng ta cần chủ động phát hiện, phòng ngừa sớm bệnh lao ở trẻ em.
 
Không để trẻ mắc lao bị bỏ sót - ảnh 1
Trẻ sơ sinh dễ nhiễm lao nếu không được tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh

 
2/3 bệnh nhi mắc lao chưa được phát hiện
 
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia thông tin, hiện nay mỗi năm chúng ta mới phát hiện khoảng 2-3% tổng số người mắc lao là trẻ em (tương đương 2.000-3.000 trẻ); trong khi số bệnh nhi mắc lao thực tế ước khoảng 6.000-8.000 trẻ.
 
Phần lớn trẻ mắc lao là do có tiếp xúc với nguồn lây tức là người lớn mắc lao phổi, có thể không được tiêm chủng BCG (vắc-xin phòng bệnh lao) hoặc có các yếu tố nguy cơ cao như suy dinh dưỡng, HIV... Đáng nói, việc chẩn đoán, phát hiện lao ở trẻ em hiện còn gặp nhiều khó khăn.
 
Lao ở trẻ có rất nhiều thể, trong đó, lao sơ nhiễm là bệnh lý phổ biến và có tính khởi đầu của những thể lao khác. Mọi trẻ em dưới 14 tuổi đều có thể mắc lao sơ nhiễm, trong đó, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ cao và mắc nhiều nhất nếu có tiếp xúc với người lớn mắc lao phổi. Khác với người trưởng thành, dấu hiệu của lao sơ nhiễm ở trẻ em không có tính điển hình. Các biểu hiện thường thấy như: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, ho khan, ho có đờm, khò khè khó thở… khiến lao sơ nhiễm dễ bị nhầm với bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, nhưng đặc điểm quan trọng là tái đi tái lại nhiều lần.
 
“Vì thế, trẻ thường được đưa tới phòng khám nhi thay vì phòng khám chuyên khoa lao. Chưa kể, chẩn đoán lao sơ nhiễm, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ em khó hơn nhiều so với người lớn do nhiều trẻ chưa hoặc không biết khạc đờm, vi khuẩn lao trong đờm của trẻ ít. Chụp X-quang phổi là phương pháp giúp sàng lọc phát hiện lao độ nhậy tới trên 90%, nhưng trình độ đọc phim giữa bác sĩ ở các cơ sở y tế không đồng đều… Ngoài ra, nhiều bác sĩ cũng chưa nghĩ tới trường hợp trẻ mắc lao sơ nhiễm trước những dấu hiệu trên, dẫn tới nhiều bệnh nhi mắc lao bị bỏ sót, khiến bệnh chuyển biến nặng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, hoặc nếu tự khỏi thì để lại một nguy cơ mắc lao hậu sơ nhiễm khi trưởng thành” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
 
Nếu phát hiện sớm, kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, lao sơ nhiễm sẽ được chữa khỏi nhanh. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, từ lao sơ nhiễm, trẻ có thể bị biến chứng sang nhiều dạng lao khác nguy hiểm hơn như: lao cấp tính (lao màng não, lao kê, xảy ra ở các lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ không tiêm vắc-xin, trước 2 tuổi); lao màng não (xảy ra từ 2-12 tháng sau sơ nhiễm); lao kê; lao màng phổi và phổi (thường gặp ở tuổi dậy thì); lao ngoài phổi (lao cột sống, lao xương, khớp…).
 
Phòng bệnh lao cho trẻ thế nào?
 
Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh về viêm màng não (gây mù, điếc, liệt, tâm thần), thậm chí dẫn tới tử vong. Thống kê trên thế giới cho thấy, ít nhất mỗi năm khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Bởi vậy, mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV…) cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng mắc lao ở trẻ.
 
Đối với trẻ dưới 5 tuổi, khi có tiếp xúc với người mắc lao phổi cần điều trị dự phòng lao, gọi là điều trị lao tiềm ẩn để tránh cho trẻ bị mắc lao. Các cơ sở y tế chuyên khoa, các phòng khám lao và bệnh phổi tuyến huyện đều có thể xác định được các trường hợp cần điều trị dự phòng và cấp thuốc miễn phí.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào các bậc phụ huynh cũng biết con mình có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm lao hay không. Vì thế, cách phòng lao tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh lao theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng; giữ gìn sức khỏe, cho trẻ ăn đủ chất để chống suy dinh dưỡng; đảm bảo môi trường sống tốt, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát…
 
Ngoài ra, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh lý hô hấp, đã dùng thuốc thông thường điều trị, triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm nhưng vẫn tái phát nhiều lần thì cần lưu ý và nghĩ tới việc liệu con mình có mắc lao sơ nhiễm không; đồng thời cho trẻ tới các phòng khám chuyên khoa lao để kiểm tra. Khi phát hiện một trẻ bị lao, nên tiến hành khám sàng lọc với những người thân trong gia đình và những người trẻ hay tiếp xúc bên ngoài như: thầy cô, bạn bè… để xác định, loại trừ nguồn lây nhiễm nếu có.
 
Phòng lao cho trẻ nhỏ, không chỉ cần chăm sóc sức khỏe, dự phòng ở trẻ; quan trọng nhất là tìm kiếm, điều trị để cắt được nguồn lây nhiễm từ những người mắc lao khác trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, do tâm lý sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, nhiều người còn giấu giếm, ngại tới cơ sở y tế chuyên khoa khám, điều trị lao. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người bệnh, mà còn khiến bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Do đó, nếu thấy bất kỳ ai trong gia đình có triệu chứng, nguy cơ mắc lao, người thân nên thúc giục tới cơ sở y tế có chụp X-quang phổi khám ngay. 
 
 
“Phụ nữ là người chăm sóc tốt nhất cho các thành viên gia đình trong phòng, điều trị bệnh lao. Hội nghị cấp cao lần đầu tiên về chấm dứt bệnh lao toàn cầu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 cũng đã khẳng định điều này. Bởi vậy, cùng chung tay hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030, cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, mỗi thành viên trong gia đình. Phụ nữ hãy là tuyên truyền viên giúp người dân hiểu rằng: mắc lao không có tội nhưng giấu bệnh lao là có tội; bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị theo phác đồ; xã hội không nên kỳ thị mà cần giúp đỡ người mắc bệnh lao…” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
 
Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.