10.000 bước chân mỗi ngày vì sức khỏe Việt

Chia sẻ

PNTĐ-Tăng cường vận động, tập luyện thể thao hằng ngày bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó đơn giản nhất là đi bộ với tối thiểu 10.000 bước chân/ngày.

 
Tăng cường vận động, tập luyện thể thao hằng ngày bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó đơn giản nhất là đi bộ với tối thiểu 10.000 bước chân/ngày theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam.
 
Chương trình là sự kế thừa, phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Dân cường thì Quốc thịnh”; là nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 
 
10.000 bước chân mỗi ngày vì sức khỏe Việt  - ảnh 1
Mọi loại hình vận động thân thể làm tiêu hao năng lượng dù ít hay nhiều đều mang lại lợi ích, giúp cơ thể khỏe mạnh, năng động. Mỗi người có thể chọn lựa một hình thức tập luyện phù hợp

Những hệ lụy vì thói quen ít vận động
 
Những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt tăng cao so với trước đây nhưng tầm vóc, thể lực chưa được cải thiện nhiều; người dân phải có khoảng 10 năm phải chung sống với bệnh tật. Một phần nguyên nhân là do thói quen ít vận động thể lực. Quỹ dân số Liên Hợp quốc xếp Việt Nam nằm trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam đi bộ trung bình khoảng 3.600 bước/ngày, giới văn phòng thì thấp hơn nhiều, chỉ đạt 1/6 con số trên. 
 
Nhìn vào những “con số biết nói” trên, các chuyên gia y tế, bác sỹ dinh dưỡng sức khỏe đã thực sự lo ngại khi tỷ lệ người dân mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường… đang có xu hướng tăng.
 
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng lâm sàng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) chia sẻ: Cuộc sống hiện đại và tiện nghi khiến con người lười hơn trước, đi xe đạp, đi bộ thay thế bằng ô tô, xe máy; nhà cao tầng lắp thang máy khiến thang bộ bị lãng quên; ngay cả việc lau nhà, rửa bát… cũng có máy móc. “Từng có nghiên cứu chỉ ra 5% số ca ung thư tại nước Mỹ liên quan đến lối sống lười vận động, từ ung thư trực tràng, ung thư thực quản, ung thư tế bào thận, ung thư vú…
 
Trên thế giới, lười vận động là nguyên nhân của hơn 135.000 ca tử vong vì ung thư mỗi năm” - TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết. Phân tích thêm về vấn đề này, TS.BS Bùi Thúc Quang - Trưởng khoa Can thiệp tim mạch ngoại (bệnh viện Lão khoa Trung ương) nói: Khi cơ thể ít hoạt động, tuần hoàn máu chậm đồng nghĩa, quá trình trao đổi chất bị trì hoãn, cơ thể phải chịu những áp lực nặng nề, gây ra rối loạn, khiến giãn tĩnh mạch, huyết áp tăng cao dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.
 
Ngoài ra, càng lười vận động nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe càng cao như tăng cân, béo phì, đau khớp, stress… dẫn đến sức khỏe suy giảm, thể lực kém, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, năng suất lao động và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. 
 
Vận động hằng ngày để cuộc sống tốt đẹp hơn
 
Trước khi chương trình Sức khỏe Việt Nam được phát động, Bộ Y tế đã áp dụng trong toàn ngành bài tập thể dục giữa giờ kéo dài trong 3 phút với 13 động tác, chủ yếu là những động tác vận động đơn giản như vươn vai, cử động tay chân và các bộ phận khác trên cơ thể. Bài tập ngắn này có tên gọi là Rajio Taiso, xuất xứ từ Nhật Bản, mang lại tác dụng, hiệu quả tốt và đã được kiểm chứng tại đất nước mặt trời mọc suốt 90 năm qua; giúp nhiều thế hệ người Nhật tăng tuần hoàn máu, cải thiện sự linh hoạt của các bộ phận trên cơ thể.
 
Sau Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức tập thể dục giữa giờ cho người lao động tại nơi làm việc với thời gian ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần tập kéo dài 5 phút. Tập thể dục giữa giờ với các bài tập ngắn cũng là hoạt động bắt buộc tại nhiều doanh nghiệp nhằm giúp người lao động vận động cơ thể, thư giãn tinh thần, “đánh tan” cảm giác mệt mỏi.
 
Tại Hà Nội, dù phải đầu tư kinh phí lớn nhưng thời gian qua hàng trăm dụng cụ tập luyện thể thao phục vụ miễn phí người dân đã được TP lắp đặt tại các địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên... Các dụng cụ này đơn giản, dễ sử dụng như dụng cụ tập lưng bụng, đi bộ trên không, xà đơn, xà kép, tập tay và ngực, thiết bị xoay vai, xoay hông, lắc eo… thu hút rất đông người dân ở mọi lứa tuổi tham gia tập luyện.
 
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng đánh giá, mọi loại hình vận động thân thể làm tiêu hao năng lượng dù ít hay nhiều đều mang lại lợi ích, giúp cơ thể khỏe mạnh, năng động. Mỗi người có thể chọn lựa một hình thức tập luyện tùy theo hoàn cảnh và thể trạng của mình. Hình thức đơn giản, dễ thực hiện nhất là đi bộ hoặc những bài tập ngắn, đơn giản như bài tập được Bộ Y tế thực hiện.
 
 
Hồng Anh 

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.