“Xóa chấm đen” trong lòng tay phụ nữ, trẻ em

Chia sẻ

PNTĐ-“An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái-Nỗi lo không của riêng ai” là tên gọi của Diễn đàn và cũng là thông điệp mà Ban tổ chức muốn gửi tới cộng đồng.

 
Hoạt động do UBND, Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức ngày 20/3 nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh 3 cấp học, giáo viên, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn, đồng thời thể hiện sự quyết tâm của chính quyền trong việc tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ gái.
 
Theo bà Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Quận, năm 2019 được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn chủ đề là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, tập trung vào 3 nội dung: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, trên môi trường mạng; an toàn trong lĩnh vực vệ sinh ATTP…
 
“Xóa chấm đen” trong lòng tay phụ nữ, trẻ em - ảnh 1
Các em học sinh học cách thoát hiểm khi bị kẻ xấu tấn công 

 
“Với trách nhiệm của tổ chức đại diện cho giới nữ chiếm trên 50% dân số, với tình cảm và trách nhiệm của những bà mẹ, người vợ, người chị trong gia đình, các cấp Hội phụ nữ và mỗi cán bộ hội viên phụ nữ quận Thanh Xuân sẽ thể hiện quyết tâm chung tay thực hiện an toàn cho phụ nữ và trẻ em bằng những hành động cụ thể, thiết thực, giúp phần xây dựng hạnh phúc mỗi gia đình và Thủ đô an toàn, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. 
 
“Khi gặp bạo lực, hãy lên tiếng bảo vệ” 
 
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm tại diễn đàn, chính là vấn đề bạo lực. Theo một số liệu của Bộ GD-ĐT, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau và 11.000 học sinh thì có một em bị thôi học vì đánh nhau.
 
Không ít vụ việc bạo lực bắt nguồn từ một vài mâu thuẫn nhỏ nhặt, không đáng có của học sinh. Ở trong gia đình, nhiều em học sinh thừa nhận, thường xuyên bị bố mẹ đánh, mắng. Một học sinh lớp 7 đến từ trường Việt Nam - Angieri còn thẳng thắn bày tỏ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình. Chẳng hạn, bố mẹ ly hôn, cãi vã, có bức xúc trong người nhưng lại “giận cá chém thớt” trút lên đầu các con hoặc “bố mẹ thích thì bố mẹ mắng thôi”…  
 
Tại diễn đàn, các thành viên tham dự đã cùng thảo luận, rồi đưa ra thông điệp phòng chống bạo lực rất đáng suy ngẫm: “Người lớn hãy tôn trọng trẻ em”, “Bố mẹ cần làm gương cho con bằng lối sống chuẩn mực không bạo lực”, “Trẻ em và người lớn đều được pháp luật bảo vệ”, “Khi thấy trẻ em bị bạo lực, hãy bảo vệ. Khi bạn bảo vệ một đứa trẻ xa lạ, thì sẽ có một người xa lạ khác bảo vệ con bạn”…
 
Mọi nạn nhân bị xâm hại tình dục đều không có lỗi
 
Một vấn đề khác có thể coi là “nóng nhất” tại diễn đàn, chính là nạn xâm hại tình dục trẻ em. Theo số liệu thống kê của Quỹ Dân số LHQ, có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân trong 5 năm trở lại đây. Đáng lo ngại hơn là có tới 80% trẻ em bị xâm hại do những người quen biết, trong đó có cả người thân trong gia đình. Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, cả trẻ em trai và trẻ em gái.
 
Diễn đàn không chỉ cảnh báo xã hội về mức độ nghiêm trọng của nạn xâm hại tình dục, mà còn trang bị cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại. Đó là:
 
“Xâm hại tình dục không chỉ về… tình dục, mà bao gồm cả các hành vi như nhìn, nói, sờ vào chỗ kín, ôm, bắt cóc”.
 
“Hạn chế đưa thông tin cá nhân lên mạng internet để giảm thiểu nguy cơ bị lợi dụng, xâm hại. Tỉnh táo chọn lọc khi giao lưu, kết bạn nhất là qua mạng xã hội”. 
 
“Khi bị đối tượng khống chế đưa đến nơi vắng người, tránh gào thét, chống cự vì sẽ càng kích động đối tượng làm hại mình để bịt đầu mối. Có 3 nguyên tắc để giải cứu bản thân khỏi yêu râu xanh là: No, Go, Tell, nghĩa là nói Không; Khéo léo tìm cách chạy ra phía có ánh sáng, có nhà đang mở cửa, không chạy vào nhà hoang, rừng, đường vắng; Nói ra để nhờ trợ giúp”.
 
“Học sinh phải chỉ đúng tên của các bộ phận trên cơ thể thì khi bị xâm hại mới có cơ sở kết tội thủ phạm. Tránh trường hợp nói lái như: bị xâm hại vào chỗ đó, vùng ấy ấy”.
 
“Trẻ em không bao giờ có lỗi trong việc bị xâm hại, ngay cả khi việc này ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng. Vì thế, hãy chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân”.
 
 
 Chấm đen trong lòng tay là ký hiệu “cầu cứu” mang tính quốc tế, cho thấy chủ thể đang bị xâm hại, bạo lực nhưng vì nhiều lý do mà không thể nói ra. Vì thế, khi thấy một người nào đó có dấu tròn màu đen trong lòng tay, hãy nhanh chóng gọi người hỗ trợ, giúp đỡ họ. Ngoài ra, thông qua diễn đàn, các đại biểu cũng muốn kêu gọi cộng đồng hãy hành động, để không còn ai phải vẽ vào lòng tay mình chấm tròn đen.
 
Khánh Chi

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.