Thịt lợn sinh học: Tốt cho cả nhà nông và người dùng

Chia sẻ

PNTĐ-Thay vì tẩy chay thịt lợn, những ngày qua, nhiều bà nội trợ vẫn rất an tâm tiêu dùng thịt lợn sinh học để chế biến bữa cơm gia đình đầy đủ dinh dưỡng.

 
Còn với ngành chăn nuôi Hà Nội, xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học là một trong những thành công nhất thời gian qua. 
 
Thịt lợn sinh học: Tốt cho cả nhà nông và người dùng - ảnh 1
Khu chăn nuôi lợn sinh học của HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai luôn đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần hạn chế dịch bệnh

 
Nhà nông: an tâm nuôi, khách hàng: an tâm sử dụng
 
Từ ngày chuyển sang sử dụng thịt lợn sinh học, bác Hồ Thị Hà ở Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm rất yên tâm. Về mặt cảm quan, trước khi đưa đến tay người tiêu dùng, miếng thịt được hút chân không, bảo quản trong tủ chuyên dụng, tránh được bụi bẩn, côn trùng; các thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng, công nghệ nuôi… được niêm yết công khai trên bao bì.
 
“Luộc miếng thịt đã thấy ngon, nước dùng trong, không nổi gợn, bọt nâu; thưởng thức có vị ngọt đậm thơm ngậy. Sử dụng thịt lợn sinh học, trong chế biến, tôi không cần ướp nhiều gia vị, chỉ cần luộc thôi đã thấy ngon rồi” - bác Hà đánh giá.
 
So với thịt lợn thông thường, thịt lợn sinh học có giá bán cao hơn từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại nhưng chất lượng thịt sinh học tốt hơn hẳn nên thời gian gần đây, những người tiêu dùng như bác Hà đã thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang sử dụng thịt lợn sinh học để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. 
 
Tại nhiều quận nội thành Hà Nội, các cửa hàng cung ứng thịt lợn sinh học ngày càng nhiều. Ngoài các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị lớn, các chuỗi chăn nuôi của TP đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối riêng như HTX chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai), cửa hàng Bác Tôm; công ty CP thực phẩm Organic Green (huyện Thường Tín) thông qua sự giới thiệu của Hội LHPN Hà Nội đã mở hơn 100 điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng, mang lại nguồn thu ổn định. Không chỉ ở nội thành, ngay tại các chợ dân sinh vùng ngoại thành đã có nhiều điểm bán thịt lợn sinh học, được người tiêu dùng ủng hộ. 
 
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên của xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chuyển giao mô hình chăn nuôi lợn sinh học. “Đó là sự thay đổi hoàn toàn về chất, nhà nông phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn, quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt” - ông Thỉnh cho biết.
 
Thức ăn cho đàn lợn đảm bảo sạch, được làm từ lúa, ngô, đậu tương, đầu cá xay nhỏ rồi ủ men vi sinh tối thiểu 1 ngày, sau đó trộn cùng bã bia. Ngoài ra, chuồng nuôi được cải tạo, mái cao và thoáng; trên nền chuồng có đệm lót sinh học được sản xuất chủ yếu từ cát, trấu, mùn cưa không độc tố và chế phẩm sinh học, giúp phân hủy tốt chất thải tại chỗ, không để lại mùi hôi, ảnh hưởng xấu tới không khí, nguồn nước xung quanh. Vệ sinh môi trường, dịch bệnh cho vật nuôi vì thế được ngăn ngừa.
 
“Đàn lợn chăn nuôi theo mô hình sinh học sẽ không lớn nhanh như được nuôi bằng thức ăn công nghiệp nhưng bù lại, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm của đàn vật nuôi qua các đợt kiểm tra, đều đạt chất lượng. Vì vậy, trong những năm qua, ngành chăn nuôi chịu nhiều tác động bất lợi về giá và dịch bệnh nhưng sản phẩm chăn nuôi sinh học vẫn có chỗ đứng trên thị trường, giữ ổn định cả về giá lẫn sản lượng khiến các hộ chăn nuôi an tâm, đảm bảo thu nhập” - ông Thỉnh nói.
 
Đáng mừng, từ những trang trại ban đầu chuyển đổi, đến nay, mô hình chăn nuôi lợn sinh học đã nhân rộng ở 14 trang trại. Thịt lợn thương phẩm, ngoài phục vụ nhu cầu người dân trong huyện Phúc Thọ, còn được bán ở nhiều đại lý ở nội thành.
 
 
Mở rộng chăn nuôi lợn sinh học 
 
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học là hướng đi đúng bởi người tiêu dùng Thủ đô có đòi hỏi, yêu cầu cao. Giá thành thịt lợn dù có đắt nhưng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì vẫn bán rất tốt. Vì thế, có thời điểm, giá lợn công nghiệp xuống thấp (15.000 - 20.000 đồng/kg lợn hơi) thì giá lợn sinh học vẫn giữ ổn định ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg lợn hơi, đảm bảo cho các hộ chăn nuôi có lãi.
 
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, các vùng nuôi lợn an toàn được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chuyển giao công nghệ ngày càng được mở rộng; nhiều hộ tự nguyện chuyển đổi mô hình chăn nuôi, liên kết hợp tác cùng với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, mở rộng mạng lưới phân phối, tạo sự phát triển ổn định, bền vững, được người tiêu dùng tin tưởng.
 
Đặc biệt, với nguồn vốn tích lũy, một số hợp tác xã như Hoàng Long, Phúc Thọ… đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung để sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm cho hội viên, góp phần gia tăng lợi nhuận. 
 
Từ những lợi ích trên, thời gian tới, mô hình chăn nuôi sinh học tiếp tục được nhân rộng tại các huyện ngoại thành. Ngành nông nghiệp đang nghiên cứu và tham mưu cho UBND TP những chính sách hỗ trợ người dân để họ có điều kiện chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi mới; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, hỗ trợ đầu tư xe chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa từ cơ sở giết mổ đến địa điểm tiêu thụ...
 
Ông Nguyễn Hữu Lợi - Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai - địa phương có trang trại chăn nuôi lợn sinh học khá lớn cho biết: Do thiếu kinh nghiệm nên nhà nông chưa biết cách làm thương hiệu và tiếp thị cho sản phẩm thịt lợn sinh học. Đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế ở một số kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch… Lợn sinh học với đặc thù là sau khi được kiểm soát thú y, giết mổ thì phải được hút chân không và bảo quản lạnh ngay lập tức để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, chất lượng thịt nên không thể tiêu thụ qua các chợ dân sinh.
 
Vì thế, TP cần có chính sách hỗ trợ nhà nông trong việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu đúng về thịt mát, thịt đông lạnh để tiếp tục thay đổi hành vi, mở rộng thị trường tiêu thụ thịt lợn sạch. 
 
 
Việt Bách

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.