Chỉ tại mẹ đã dạy con ghét bà nội

Chia sẻ

PNTĐ-30 tuổi, tôi ly hôn chồng sau sáu năm làm vợ. Hôn nhân đổ vỡ, tôi không thể phủ nhận có phần lỗi của mình. Nhưng tôi vẫn cho rằng, người có “tội” lớn nhất đó là mẹ chồng tôi...

 
Ngay từ đầu, bà đã không ưng tôi. Lý do thì vô vàn lắm nhưng đều theo suy nghĩ và cảm xúc chủ quan của bà. Mặc mẹ phản đối, anh vẫn quyết định kết hôn với tôi. Trước tình yêu và sự kiên quyết bảo vệ của anh, tôi gật đầu làm vợ anh với ý nghĩ: Mình có sống chung với mẹ chồng đâu mà lo, cùng lắm giỗ chạp năm vài lần về chạm mặt nhau thôi mà.
 
Lấy nhau về rồi, tôi mới hiểu thực tế lại không đơn giản như trong ý nghĩ của mình. Dù không sống cùng nhà nhưng mẹ chồng vẫn có rất nhiều cách để can thiệp và thống trị cuộc sống của vợ chồng tôi. Chồng tôi, một người đàn ông như bao người đàn ông khác dù yêu vợ đến mấy cũng không thể vì thế mà bỏ qua chữ “hiếu”. Bao phen anh cũng khổ sở khi đứng giữa mớ bòng bong rắc rối của mẹ và vợ. Anh bảo tôi nhịn bà cho yên chuyện. Tôi không phải là người không hiểu đạo lý, không biết cách cư xử nhưng làm sao mà có thể chịu đựng mãi một bà mẹ chồng cứ đem những điều ngang trái, bất công đổ lên đầu con dâu. Mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng càng rộng, càng sâu và như một phản ứng dây chuyền làm rạn nứt mối quan hệ của tôi và anh. Và rồi, chúng tôi ra tòa ly hôn khi không thể cứu vãn, hàn gắn được những bất hòa, xung đột và tất cả mọi chuyện ít nhiều đều dính dáng đến mẹ chồng. Khi đó, cô con gái của tôi tròn 3 tuổi.
  
Chỉ tại mẹ đã dạy con ghét bà nội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Dù chồng tôi và gia đình chồng rất muốn nuôi con bé nhưng theo phán quyết của tòa, con bé được sống với mẹ. Công bằng mà nói, mẹ chồng ghét tôi nhưng bà không ghét cháu. Hồi tôi mang bầu cũng mấy lần bà nấu cháo cá chép cho tôi ăn. Tôi thì nghén ngửi thấy mùi đã muốn ói hết ra nhưng bà cạnh khóe:
 
- Tiểu thư cảnh vẻ thì cũng phải đúng lúc kẻo làm khổ đứa cháu của tôi trong bụng.
 
Những ngày đầu tôi mới sinh con, mẹ tôi ở dưới quê lên chăm sóc còn bà không bận tâm tới việc con dâu ở cữ thế nào. Thế nhưng cứ mỗi lần nghe con bé khóc là mẹ chồng tôi lại chạy vội sang. Chỉ cần con bé ho hắng, sổ mũi, bà đã giục chồng tôi đưa nó đi khám. Có lần, bà còn mời bác sĩ đến tận nhà thăm khám dù con bé chỉ mọc vài cái nốt đỏ ở tay. 
 
Từ khi tôi về làm dâu, bà chưa mua bất kỳ thứ gì cho tôi, còn những món đồ tôi mua tặng bà, bà còn chẳng thèm dùng tới, nhưng với cháu, bà mua cho nó rất nhiều thứ, toàn là đồ tốt, đắt tiền. 
 
Khi vợ chồng tôi ly hôn, bà không thường xuyên sang thăm cháu nhưng mỗi lần chồng tôi sang thăm con, bà vẫn gửi cho con bé rất nhiều thứ. Trước mặt chồng, tôi vẫn nhận nhưng giận bà nên không cho con dùng. Có lần vào ngày Giáng sinh, bà mua cho nó một bộ váy và cái mũ Noel rất đẹp, cả một đôi giày búp bê trắng nữa. Con bé nhận được quà thì háo hức nhưng ngay lập tức tôi giật lại:
 
- Mẹ sẽ mua cho con bộ khác.
 
Con bé vùng vằng không chịu. Nó hỏi tại sao. Tôi đã kể cho con bé nghe hết “tội” của bà nội, về những chuyện quá đáng mà bà đã làm đối với mẹ của nó rồi kết luận: Vì bà nội mà bố mẹ bỏ nhau.
 
Những lời đó đã găm vào đầu con bé từ ngày đó. Nó bắt đầu ghét bà nội. Ngay cả khi bên nhà nội có việc, bố nó đến đón, nó cũng không muốn sang. Nếu bắt buộc phải sang một lúc nó lại đòi về. Nó là đứa bé ngoan nên không hỗn láo với bà nội nhưng từ ngày biết những chuyện tôi kể, bà khó mà chạm vào người nó chứ đừng nói là ôm ấp. Bà gọi điện hỏi thăm, nó chỉ nói vài câu rồi lấy cớ phải lên học bài. Vài lần, bố con bé than thở với tôi chuyện bà nội cảm thấy buồn khi cháu lạnh nhạt với bà và băn khoăn không hiểu lý do. Tôi vờ như không biết gì nhưng trong lòng hả hê lắm. Đó là cái giá mà mẹ chồng tôi phải trả vì đã làm cho gia đình tôi phải tan đàn xẻ nghé. Nếu không vì bà thì con bé đã có một gia đình trọn vẹn, đủ cả bố lẫn mẹ.
 
Một sáng mùa đông, bố con bé đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Trong thời gian này anh đang cố gắng hàn gắn lại để vợ chồng tôi quay về bên nhau. Tôi quy kết nỗi đau này cũng vì bà mà ra. Và tất nhiên cũng như tôi, con bé lại thêm hận thù bà nội. Từ ngày bố con bé mất, tôi gần như không để con bé có dính dáng gì đến mẹ chồng cũ nữa. Dù mẹ chồng cũ lúc nào cũng tha thiết muốn có trách nhiệm với con bé. Bà cho biết, gia sản trong nhà phần của con bé được chia nhiều hơn, nhưng tôi xác định mẹ con tôi sẽ không bao giờ cần đến sự trợ giúp ấy. Tôi sẽ nuôi dạy con bé trưởng thành mà không cần thừa kế gì từ gia sản nhà nội.
 
Nhưng rồi trớ trêu thay, cách đây nửa năm tôi phát hiện ra mình mắc bệnh nan y. Tôi hoàn toàn suy sụp khi nghĩ về tương lai của con bé. Lúc đầu, tôi giấu chuyện, nhưng khi phải vào viện điều trị tôi buộc lòng phải nói với nhà nội về mong muốn họ sẽ đón con bé về bên đó chăm sóc.
 
Bà nội con bé biết chuyện có vẻ buồn và sẵn lòng đón cháu về chăm sóc, nuôi dưỡng nó, nếu tôi chẳng may không qua khỏi. Tôi đã mất nhiều thời gian để nói chuyện, động viên và thuyết phục nhưng con bé không chịu. Những gì tôi dạy nó, hình ảnh méo mó của bà nội tôi dựng lên bấy lâu đã đóng khung trong trí não nó không dễ thay đổi. Hôm bà nội sang đón nó về tạm vài ngày, nó còn hét lên:
 
- Con ghét bà nội. Vì bà mà bố con chết, mẹ con bị bệnh. Con sẽ không bao giờ về sống với bà đâu.
 
Rồi, nó bỏ lên tầng khóa trái cửa lại. Tôi phải van nài nhiều lần nó mới chịu mở. Đến ngày vào viện, tôi phải nhờ mẹ tôi dưới quê lên. Mẹ tôi tuổi đã cao trong người cũng có bệnh giờ phải chăm thêm đứa cháu vất vả vô cùng. Bà nội con bé đau lòng lắm. Thương cháu, bà cũng chỉ biết hỗ trợ từ xa và kiên nhẫn chờ đợi ngày nó mở lòng để đón nhận lại bà.
 
Phần tôi, cùng với nỗi đau bệnh tật là sự lo lắng, dày vò, cắn rứt của lương tâm khi nghĩ đến tương lai của con gái mình, đến vết thương đau đớn mà tôi đã gây ra  không biết tháng năm nào mới hàn gắn lại được.
 
 
THU NHẬT

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.